Tiết kiệm quá nhiều, châu Á trở thành gánh nặng với kinh tế toàn cầu?

20/12/2019 13:08 PM | Xã hội

Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng núi tiền tiết kiệm của châu Á chính là nguyên nhân sâu xa khiến thị trường nhà đất từ Las Vegas tới Dublin bùng nổ rồi lại vỡ tung.

Đã gần 15 năm kể từ khi Ben Bernanke, cựu Chủ tịch của Cục dự trữ liên bang Mỹ Fed đưa ra lập luận nước Mỹ bị thâm hụt cán cân vãng lai nặng nề là do thế giới tiết kiệm quá nhiều. Kể từ đó đến nay đã có nhiều thứ thay đổi. Thâm hụt của Mỹ giảm, thặng dư của các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng giảm mạnh và các NHTW trên toàn thế giới thi nhau mở rộng bảng cân đối kế toán. Nhưng có 1 đặc điểm của thế giới mà Bernanke đã mô tả đầu năm 2005 không thay đổi: châu Á vẫn tiết kiệm rất nhiều.

Tổng tiết kiệm nội địa của các nước Đông Á đều đặn tăng lên 35% GDP mỗi năm, và điều đó không thay đổi trong suốt 3 thập kỷ qua. Nỗi lo của Bernanke đầu những năm 2000 là số tiền mặt dư thừa khổng lồ của châu Á sẽ tràn ngập thị trường trái phiếu Mỹ và gây áp lực lên lãi suất thực trong dài hạn. Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008, một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng núi tiền tiết kiệm của châu Á chính là nguyên nhân sâu xa khiến thị trường nhà đất từ Las Vegas tới Dublin bùng nổ rồi lại vỡ tung. Với lãi suất hiện ở mức còn thấp hơn, câu hỏi liệu tiết kiệm của châu Á có thể một lần nữa gây rắc rối cho kinh tế toàn cầu hay không.

Tình thế hiện nay có một số điểm tương đồng so với 15 năm trước. Tỷ lệ tiết kiệm cao ở châu Á tiếp tục chuyển hóa thành thặng dư cán cân vãng lai. Trong 5 năm qua, thặng dư cán cân vãng lai của khu vực Đông Á trung bình đạt 525 tỷ USD mỗi năm, cao hơn so với giai đoạn 5 năm trước khủng hoảng 2008. Nhưng cơ cấu phân chia đã thay đổi: thặng dư của Trung Quốc đạt đỉnh 1 năm trước, trong khi của Hàn Quốc và Đài Loan đã tăng lên. Thặng dư cán cân vãng lai của các nền kinh tế lớn ở châu Á khiến GDP toàn cầu tăng thêm khoảng 0,6%, tương đương với mức của các nền kinh tế có thặng dư ở châu Âu.

"Đó là một trong những dòng chảy xuyên biên giới tác động mạnh đến thị trường tài chính và khiến lợi suất giảm trên toàn cầu", chuyên gia kinh tế Brad Setser nhận xét. Đầu những năm 2000, thế giới tập trung vào dự trữ tiền tệ của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, mà trong đó chủ yếu là các tài sản an toàn như trái phiếu Mỹ. Giờ đây các nhà đầu tư châu Á lại đang chuyển tiền tiết kiệm của các hộ gia đình và doanh nghiệp vào các thị trường trên toàn cầu. Ở một số lĩnh vực thì tác động của dòng chảy này lớn hơn so với trong quá khứ.

IMF ước tính rằng các công ty bảo hiểm nhân thọ của Đài Loan sở hữu 18% trái phiếu đôla phát hành bởi các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ. Các ngân hàng Nhật sở hữu khoảng 15% số nghĩa vụ nợ thế chấp được phát hành trên thế giới. Trong khi đó quỹ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc (là quỹ lớn thứ 3 thế giới với tài sản gần 600 tỷ USD) đang có kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư vào trái phiếu nước ngoài trong 5 năm tới.

Tuy nhiên xét ở góc độ khác thì tiền tiết kiệm của châu Á giờ đây ít nguy hiểm hơn. Điều quan trọng nhất là chúng không đi kèm với ý định can thiệp vào tỷ giá để giữ cho đồng nội tệ ở mức thấp như thời kỳ đầu những năm 2000 – mà khi đó Trung Quốc là nước có ý đồ rõ ràng nhất. NHTW Trung Quốc giờ không còn là một trong những bên mua nhiều USD nhất. Trên toàn châu Á, các nước cũng dễ dàng chấp nhận đồng nội tệ mạnh. Trong số 60 nền kinh tế mà Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) theo dõi, chỉ có 16 nền kinh tế chứng kiến tỷ giá thực tăng hơn 5% kể từ 2010 đến nay, trong đó có 7 đến từ châu Á.

Một số quốc gia đã tăng tính minh bạch đối với vai trò của NHTW trên thị trường tiền tệ. Mới đây Bộ Tài chính Mỹ hoan nghênh việc Hàn Quốc và Singapore quyết định công bố thường xuyên dữ liệu về các đợt can thiệp vào thị trường.

Nhưng chúng ta cũng cần suy nghĩ về 1 câu hỏi: liệu châu Á có nên bị chỉ trích vì quá yêu thích tiết kiệm? Hãy nhìn vào Singapore, nước hiện đang có thặng dư cán cân vãng lai bằng 18% GDP. IMF cho rằng quốc đảo này nên chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng và an sinh xã hội – những giải pháp sẽ giúp người dân bớt tiết kiệm.

Tuy nhiên Singapore phản đối gay gắt lời chỉ trích này. Trước năm 1985, Singapore thường xuyên có thâm hụt cán cân vãng lai. Cán cân bắt đầu đảo chiều khi nước này đạt điểm vàng về cơ cấu dân số, với rất nhiều người lao động và ít người nghỉ hưu. Trong những năm tới, cán cân vãng lai của Singapore được dự báo sẽ tiếp tục đảo chiều vì dân số già hóa. Các hộ gia đình sẽ giảm tiết kiệm và chính phủ đối mặt với chi phí y tế ngày càng tăng lên. Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đều đứng trước viễn cảnh tương tự.

Các nhà kinh tế học còn hoài nghi về việc người tiết kiệm châu Á có thực sự là nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính 2008 hay không. Có rất nhiều thủ phạm khác: những quy định lỏng lẻo của Mỹ về vay thế chấp và những ngân hàng liều lĩnh cẩu thả của châu Âu.

Ở thời điểm hiện tại, một lần nữa phương Tây cũng đang có những rắc rối của chính họ, từ những cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động đến sự ì trệ của các nền kinh tế châu Âu. Núi tiền tiết kiệm của châu Á một lần nữa lại trở thành thứ kéo lùi một thế giới vốn đang có lực cầu yếu ớt. Nhưng chắc chắn châu Á không phải là mối nguy hàng đầu.

Tham khảo The Economist

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM