'Tiên tri' đề thi trên MXH có thể bị phạt, thí sinh đừng dại 'học tủ' theo!

15/07/2022 15:58 PM | Xã hội

Tài khoản Kaito Kid 'tiên tri' đúng đề văn nhưng có thể đối diện hình phạt vì gây hiểu lầm với dư luận. Đây cũng là bài học cho những tài khoản hot trên MXH và cả những em học sinh tin theo.


Dự đoán đề thi trên mạng xã hội gây hiểu lầm

Ngay sau khi các sĩ tử tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, mạng xã hội lan truyền nội dung "tiên tri" đề 3 năm đoán trúng như thần của một tài khoản mạng có tên Kaito Kid.

Theo đó, tài khoản này đăng: "Cuối cùng thì màn trình diễn ảo thuật đã kết thúc. Đề thi chính là Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu nha mọi người. Chúc mọi người ngày mai thi tốt nha".

Bài viết này thu hút hơn 63.000 lượt bình luận, 18.000 lượt chia sẻ và hơn 115.000 lượt thích. Thật trùng hợp, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ Văn năm nay có câu nghị luận văn học 5 điểm vào bài Chiếc thuyền ngoài xa khiến nhiều người cho rằng đề thi bị lộ.

Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, kết luận đưa ra là hoàn toàn không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn. Việc dự đoán tên tác phẩm sẽ ra trong đề thi chính thức của 03 sinh viên (thuộc một trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh) là quản trị mạng “Kaito Kid” dựa trên sự phân tích của các cá nhân trong nhóm và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng.

Tuy nhiên, việc này đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cơ quan chức năng của Bộ Công an đang phối hợp với Nhà trường và địa phương để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Tiên tri đề thi trên MXH có thể bị phạt, thí sinh đừng dại học tủ theo! - Ảnh 1.
Dự đoán đề văn của tài khoản Kaito Kid được cho là gây hiểu lầm với dư luận.

Năm ngoái, mạng xã hội cũng xôn xao trước thông tin thầy giáo Phan Khắc Nghệ tổ chức luyện thi online, trong buổi tổng ôn cuối cùng có những câu hỏi giống đến 80% đề thi chính thức môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Kết quả xác minh, điều tra về vụ việc cho thấy có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Theo đó, cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị My (59 tuổi, cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) và ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi, cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cùng tội danh như trên.

Đề thi là tài liệu mật, học sinh đừng "học tủ" theo dự đoán đề

Liên quan tới vấn đề bảo mật đề thi, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, theo quy định của pháp luật thì đề thi tốt nghiệp THPT là tài liệu mật, nếu đề thi này chưa được công bố mà người nào làm lộ, mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt thì sẽ bị xử lý hình sự theo các tội danh mà Bộ luật Hình sự đã quy định liên quan đến bảo vệ bí mật nhà nước.

Còn đối với đề thi quốc gia đã được công bố thì không còn là tài liệu mật. Nếu thí sinh chuyển đề thi này ra ngoài để nhờ người giải bài thì đây là hành vi vi phạm quy chế thi, thí sinh sẽ bị xử lý theo quy định của bộ giáo dục đối với thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó có thể áp dụng biện pháp cao nhất là đình chỉ thi.

Như vậy, với đề thi chính thức, đáp án đề thi các kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa công khai thì đây là bí mật nhà nước thuộc độ tối mật. Người làm lộ bí mật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lộ bí mật nhà nước theo quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Điều 337 quy định về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước.

Còn đối với người đã đưa tin giả mạo về đề thi lên mạng xã hội thì sẽ bị xử lý về hành vi đưa tin trái phép trên mạng internet theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt là từ 10 - 20 triệu đồng.

Cụ thể, theo Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội và mức xử phạt, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.

Trước thực tế có nhiều em học sinh lên mạng xã hội theo dõi dự đoán đề thi, cô Nguyễn Hải Anh - giáo viên trường THPT Newton đưa ra lời khuyên: “Các em không nên quá tin tưởng vào những dự đoán đề thi trên mạng xã hội để học tủ vì nếu lệch tủ thì hậu quả khôn lường.

Các em hãy cố gắng học tập chăm chỉ theo những chỉ dạy của giáo viên, bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT cũng như có chiến thuật ôn thi rõ ràng thì không cần dự đoán nào trên mạng xã hội các em cũng có thể làm tốt phần thi của mình”.




Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM