"Tiền Tây" ồ ạt đổ vào thị trường Trung Quốc khi thế giới đang vật lộn với đại dịch Covid-19

19/01/2021 10:16 AM | Xã hội

Ngày càng có nhiều người hơn đổ tiền đầu tư vào Trung Quốc khi quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020.

Tại thủ đô Bắc Kinh, các nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện hơn 1/3 số giao dịch bất động sản thương mại, tăng mạnh so với những năm trước. "Bắc Kinh được kỳ vọng vẫn sẽ là lựa chọn tuyệt vời cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi thủ đô của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới được dự báo sẽ sớm phục hồi hơn so với hầu hết những nơi khác trên toàn cầu, Michael Wang, lãnh đạo cấp cao tại JLL North China, cho biết.

Nguyên nhân của điều này tới từ Covid-19. Xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, dịch bệnh đã nhanh chóng lây lan ra nước ngoài và trở thành đại dịch toàn cầu chỉ trong vài tháng. Tuy nhiên, đợt bùng phát ở Trung Quốc đã được kiểm soát vào quý 2 khi chính quyền nước này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhằm hạn chế sự tiếp xúc giữa người với người.

Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế khi số ca mắc trong nước giảm dần. Cùng với đó là sự phục hồi kinh tế. Trung Quốc dự kiến sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt được tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc muốn hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, dù là trong các dự án kinh doanh hay thị trường tài chính địa phương. Điều này khiến thế giới sử dụng rộng rãi hơn đồng tệ của Trung Quốc trong khi các doanh nghiệp nước ngoài mang lại việc làm, thu nhập và chuyên môn cho thị trường địa phương.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao kỷ lục

Các doanh nghiệp cũng đầu tư nhiều hơn vào các dự án ở Trung Quốc trong năm ngoái. Tính đến tháng 11, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc trong năm 2020 đạt 129,47 tỷ USD, nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước. Ước tính mà Macquarie công bố hôm thứ 3 cho thấy điều này đưa Trung Quốc vào danh sách các nước nhận đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao kỷ lục trong năm ngoái.

Theo dữ liệu từ Wind Information, Trung Quốc đã ghi nhận 138,13 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào năm 2019, tăng từ mức gần 135 tỷ USD của năm 2018. Số liệu chính thức cho năm 2020 dự kiến được Bộ Công thương Trung Quốc công bố vào cuối tháng này.

Trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua trái phiếu Trung Quốc nhiều hơn gấp đôi với mức cao kỷ lục 1,1 tỷ nhân dân tệ vào năm 2020.

Ảnh hưởng dài hạn từ chính sách

Sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng ở Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh là một phần của xu hướng dài hạn. Ví dụ, các nhà đầu tư nước ngoài đã dần tăng thị phần giao dịch của họ trên thị trường bất động sản thương mại của Bắc Kinh. Theo JLL, tỷ trọng này đã tăng từ 22% của năm 2018 lên 30% vào năm 2019 và 35% trong năm 2020. JLL nhận định, dù thị trường chịu tác động của cú sốc Covid-19 nhưng doanh số bán hàng hãng vượt qua mốc cao kỷ lục.

Trong vài năm qua, tốc độ phát triển nhanh chóng của Trung Quốc và hàng trăm triệu người tiêu dùng đang giàu lên nhanh chóng đã thu hút các thương hiệu quốc tế, từ các nhà sản xuất ô tô tới các tổ chức tài chính. Để thúc đẩy xu hướng này, Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn có những tiếng nói chưa hài lòng. Những người chỉ trích cho rằng thay đổi diễn ra quá chậm và còn tồn tại nhưng thực tiễn không công bằng, chẳng hạn như yêu cầu chuyển giao công nghệ then chốt nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc. Các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ của Bắc Kinh cũng gây ra những khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi muốn rút tiền mặt khỏi quốc gia này.

Ở cấp cao nhất, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn công khai ý định thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế đang theo dõi xem liệu cơ hội kiếm tiền ở Trung Quốc có tốt như người ta nghe về nó hay không.

Trong báo cáo mới nhất được công bố hồi tuần trước, The China Dashboard nhận định: "Những người tham gia thị trường xem các ưu tiên chính trị của Bắc Kinh quan trọng hơn các lực lượng khác của thị trường. Điều này đã hạn chế tự do hóa chính sách đầu tư xuyên biên giới nói chung kể từ năm 2013 và sẽ tiếp tục hạn chế tiềm năng cho đến khi nó được thay đổi".

Người tiêu dùng Trung Quốc ngại chi

Trong báo cáo được công bố ngày 18/1, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 2,3%. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn ngần ngại trong chi tiêu. Doanh số bán lẻ năm nay đã giảm 3,9% bất chấp sự bùng nổ của thương mại điện tử. Doanh số bán lẻ trong quý 4 cũng đã tăng 4,6% so với một năm trước. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng 6,5% trong quý 4/2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Trung Quốc duy trì tăng trưởng dương là điều đã được các chuyên gia kinh tế dự báo. Ngay khi đại dịch được kiểm soát, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu tăng trưởng trở lại và liên tục duy trì mức tăng trưởng cao. Cá biệt, trong quý 4/2020, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM