Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào!

17/11/2020 08:21 AM | Kinh doanh

“Nhiều người nói vui rằng 10 bạn tài năng sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau mà không bạn nào hợp tác với bạn nào. Nếu 10 bạn đó cùng làm một công ty, hoặc 2 - 3 công ty thôi, cơ hội thành công sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với các bạn ra làm 10 công ty riêng lẻ”, Thức Vũ - Tiến sỹ AI Stanford vừa đầu quân vào Do Ventures - nói về hạn chế của các startup Việt.

Thức Vũ tên đầy đủ là Vũ Duy Thức, sinh năm 1982. Tốt nghiệp hạng ưu với số điểm tuyệt đối 4/4 tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford ở tuổi 28, anh là gương mặt đồng sáng lập của rất nhiều startup công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ) như Katango, Tappy, OhmniLabs.

Trên cương vị nhà đầu tư, Thức Vũ tham gia hỗ trợ và đầu tư thiên thần vào một vài dự án startup công nghệ ở Việt Nam và ở Mỹ như Elsa, Lixibox, Genetica...

Năm 2017, anh được Silicon Valley Business Journal, một tạp chí kinh doanh có uy tín tại Mỹ, vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tại Thung lũng Silicon.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 2.

Mới đây, xuất hiện trên talkshow Nguy - Cơ, Thức Vũ chia sẻ một trong những hạn chế của startup Việt là con người ở các công ty khởi nghiệp Việt Nam.

"Nhiều người nói vui rằng 10 bạn tài năng sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau mà không bạn nào hợp tác với bạn nào. Nếu 10 bạn đó cùng làm một công ty, hoặc 2 - 3 công ty thôi, cơ hội thành công sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với các bạn ra làm 10 công ty riêng lẻ", anh Thức nhìn nhận.

Chia sẻ sâu hơn với Trí thức trẻ về yếu tố con người, tân Giám đốc Đầu tư Do Ventures nhận định: "Một trong những điểm mà nhiều nhà sáng lập Việt Nam vẫn còn hạn chế là product mindset (tư duy sản phẩm) do nhiều bạn chỉ mới làm quen với hoạt động gia công phần mềm trong nhiều năm qua".

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 3.

* Nhiều bình luận cho rằng giới trẻ Việt thông minh, giỏi công nghệ, nhưng những tên tuổi startup ghi dấu ấn trên trường quốc tế vẫn chưa nhiều. Anh nghĩ sao?

Những thị trường mới nổi thường sẽ trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn đầu tiên là tạo ra các sản phẩm giải quyết nhu cầu thiết yếu của thị trường trong nước. Những thị trường lâu năm như Mỹ hay Châu đã đi qua giai đoạn này và có thời gian đủ dài để làm ra những sản phẩm giải quyết nhu cầu của cả thế giới. Chính vì vậy những startup có tên tuổi toàn cầu thường đến từ những thị trường lớn đó.

Một trong những điểm mà nhiều nhà sáng lập Việt Nam vẫn còn hạn chế là product mindset (tư duy sản phẩm) do nhiều bạn chỉ mới làm quen với hoạt động gia công phần mềm trong nhiều năm qua. Tôi hy vọng là với sự tiếp cận những mô hình phát triển sản phẩm và xây dựng startup tiên tiến nhất trên thế giới, hạn chế này sẽ được khắc phục.

Thêm vào đó, với sự phát triển nhanh chóng của tỉ lệ người dùng Internet và smart phone trong thời gian gần đây, thị trường Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trong nhiều lĩnh vực công nghệ như E-commerce hay Fintech. Vì vậy, tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm có thêm nhiều sản phẩm để lại dấu ấn trong khu vực và hơn nữa là trên thị trường quốc tế, bên cạnh những sản phẩm đã có tên tuổi như GotIt!, ELSA, hay Kyber Network.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 4.

* Đấy là về yếu tố con người, còn về câu chuyện startup, theo anh, đâu là hạn chế lớn nhất của startup Việt?

Ở những thị trường lâu năm như Mỹ thì bất cứ startup nào cũng có thể tiếp cận dễ dàng hai thứ: kiến thức về gọi vốn và quỹ đầu tư. Vì vậy cơ hội gọi vốn của họ rất nhiều.

Tại thị trường Việt Nam còn non trẻ, một trong những điểm hạn chế là không có nhiều thông tin về gọi vốn và số lượng quỹ đầu tư còn rất khiêm tốn so với các thị trường lớn như tại Silicon Valley. Khi khả năng gọi vốn hạn chế, công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tạo được những tăng trưởng đột phá. Đây cũng chính là một trong các lý do khiến tôi quyết định gia nhập Do Ventures, để cùng góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam bằng việc tham gia đầu tư sớm vào các startup để giúp họ gọi vốn dễ dàng và phát huy tối đa tiềm năng.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 5.

* Những startup với tiêu chí nào sẽ "lọt mắt xanh" của Giám đốc đầu tư Do Ventures? Với background mạnh về công nghệ, anh có ưu tiên tiêu chí công nghệ khi lựa chọn startup đầu tư?

Cũng giống như các tiêu chí đầu tư Do Ventures đưa ra, quyết định đầu tư vào một startup sẽ dựa vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố về team/con người. Ngoài ra, tôi sẽ nhìn vào các tiêu chí như tiềm năng thị trường, product market fit – sản phẩm có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không, mô hình kinh doanh, khả năng xây dựng sản phẩm và ứng dụng công nghệ.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 6.

Tất nhiên với thế mạnh về tech, tôi sẽ coi công nghệ là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của startup đó. Nhưng chúng ta cần nhớ công nghệ vẫn chỉ là công cụ, quan trọng là tìm được một thị trường đủ hấp dẫn và đáp ứng được nhu cầu của thị trường đó.

* Nhiều năm sống ở Mỹ, tiếp xúc với nhiều mô hình kinh doanh, nếu một startup Việt với mô hình copycat từ nước ngoài gọi vốn, anh có đầu tư?

Mô hình copycat hay không, không quan trọng. Yếu tố cần xem xét là nó có mang lại giá trị cho người dùng hay không và unique selling point (điểm bán hàng độc đáo nhất) tại thị trường nó đang hoạt động là gì.

Ở những thị trường đang phát triển thì việc trùng lặp về ý tưởng là rất bình thường, quan trọng nhất là khả năng thực thi để đưa một sản phẩm từ ý tưởng đến giai đoạn tăng trưởng vượt bậc. Copycat không phải vấn đề, quan trọng là khả năng điều chỉnh và thích nghi của người sáng lập tại một thị trường khác.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 7.
Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 8.

* Anh biết đến ý tưởng Do Ventures từ khi nào? Vì sao anh lại quyết định cùng tham gia với Shark Dzung và Lê Hoàng Uyên Vy?

Tôi biết anh Dũng và Vy đã hơn 10 năm nay. Vy bắt đầu chia sẻ với tôi ý tưởng về Do Ventures từ cuối năm 2019 và tôi đã có sự quan tâm khi nhận thấy chúng tôi có một mục tiêu chung là nâng tầm hệ sinh thái startup tại Việt Nam. Tuy nhiên thời điểm đó tôi khá bận rộn với nhiều hoạt động của OhmniLabs.

Đến năm 2020 sau khi Do Ventures đã thành hình, Vy gặp lại tôi và đề nghị hợp tác với mong muốn kết nối với những tài năng về công nghệ người Việt ở nước ngoài. Lúc này tôi hiểu rõ hơn về tầm nhìn của Do Ventures và đã sẵn sàng hơn để đồng hành cùng anh Dũng và Vy hỗ trợ các startup Việt Nam ở cả ở trong và ngoài nước.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 9.

* Anh có cho rằng mình "ôm đồm" quá không khi vừa điều hành OhmniLabs, Kambria, vừa sáng lập VietAI và giờ thì tham gia Do Ventures với cương vị Venture Partner (Giám đốc đầu tư)?

Tôi tin rằng những công việc này có tính chất tương trợ lẫn nhau, giúp tôi xây dựng một hệ sinh thái riêng với những trụ cột quan trọng đó là Công Nghệ, Cộng Đồng Tài Năng, Giáo Dục, và Đầu Tư. Tôi hy vọng là hệ sinh thái này sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có những sản phẩm công nghệ toàn cầu.

Hơn nữa tôi rất may mắn khi được làm việc cùng những đội ngũ cộng tác viên hết sức nhiệt tình và hiệu quả nên công việc cũng không bị quá nhiều áp lực. Thí dụ như khi tham gia Do Ventures, tôi cũng không phải làm đầu tư một mình mà có sự đồng hành và giúp đỡ của anh Dũng và Vy. Thêm vào đó, vai trò Venture Partner (Giám đốc đầu tư) sẽ mang lại cho tôi cái nhìn tổng quan về thị trường và tham gia vào hoạt động đầu tư một cách xuyên suốt với quy mô lớn hơn, thay vì trước đây tôi chỉ đầu tư trên cương vị cá nhân.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 10.

* Là một tên tuổi sáng giá ở cả cộng đồng trong nước lẫn Silicon Valley, việc tham gia của anh vào một quỹ đầu tư Việt Nam sẽ hỗ trợ thế nào cho hệ sinh thái khởi nghiệp nước nhà, theo anh?

Một vài yếu tố quan trọng để một hệ sinh thái khởi nghiệp có thể phát triển ổn định và bền vững là nguồn nhân lực, đào tạo, và mạng lưới kết nối.

+ Nhân lực: Thông qua VietAI và Kambria, tôi được biết đến nhiều tài năng trong lĩnh vực này và có thể mời họ tham gia vào các startup do Do Ventures đầu tư, hoặc cùng họ xây dựng một ý tưởng/startup mới góp phần giải quyết nhiều bài toán còn bỏ ngỏ ở thị trường trong nước.

Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào! - Ảnh 11.

+ Đào tạo: Một hệ sinh thái phát triển đầy đủ cần có pipeline talent để đưa vào các vị trí từ top leader (quản lý cấp cao) đến middle layer (quản lý cấp trung). Các hệ sinh thái non trẻ thường thiếu middle layer, vì thế một trong những điểm tôi có thể tham gia hỗ trợ là đưa những nguồn kiến thức về tech, quản trị, kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp phạm vi toàn cầu về Việt Nam và xây dựng đội ngũ công nghệ lớn mạnh.

+ Mạng lưới kết nối: Để một công ty khởi nghiệp phát triển nhanh và mạnh mẽ, cần có những đối tác chiến lược mang đến nhiều giá trị gia tăng. Tôi có thể giúp kết nối các startups trong hệ sinh thái với các tập đoàn lớn, và các công ty công nghệ khác không chỉ ở Việt Nam mà còn từ các nước phát triển khác như là Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

* Xin cảm ơn anh!

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM