Tiến sĩ Giáo dục chỉ ra 11 biểu hiện của cha mẹ tâm lý

10/01/2023 14:46 PM | Sống

Một trong những lý do để trẻ không nghe lời cha mẹ, chính là vì cha mẹ nói nhiều quá. Trẻ không biết đâu mới là trọng tâm.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, là một chuyên gia giáo dục nổi tiếng. Chị thường có những tư vấn thiết thực cho phụ huynh về kiến thức nuôi dạy con.

Suốt nhiều năm đồng hành cùng phụ huynh và trẻ nhỏ, Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã đúc rút được đâu là hình mẫu "cha mẹ tâm lý" mà những đứa trẻ mong mỏi. Theo nữ Tiến sĩ, có tất cả 11 biểu hiện của cha mẹ tâm lý. Cha mẹ càng thiếu biểu hiện nào thì mức độ tâm lý càng giảm trầm trọng.

Cụ thể như sau:

1. Đừng lừa gạt trẻ: Muốn con ngồi yên để mình làm gì đó, rất nhiều cha mẹ sử dụng chiêu trò lừa gạt. Ví dụ muốn đi có việc mà con bám theo đòi đi, các bố mẹ sẽ dùng chiêu: "Con vào lấy dép, lấy mũ,... rồi bố mẹ cho đi". Trẻ lấy xong, ra đến nơi thì bố mẹ đi mất rồi. Vì thế, trẻ không nghe, cũng không tin bố mẹ là phải. 

2. Đừng mở miệng ra là ra lệnh: Có biết bao thứ thú vị với con, sao chỉ có ra lệnh. Hơn nữa, việc ai nấy làm, cha mẹ chỉ cần đề nghị các con đảm bảo hết công việc của mình là xong. Có gì nhiều để ra lệnh đâu, mà bố mẹ phải ra lệnh liên tục?

Tiến sĩ Giáo dục chỉ ra 11 biểu hiện của cha mẹ tâm lý - Ảnh 1.TS Vũ Thu Hương

3. Đừng nói nhiều: Nhiều cha mẹ dạy con rất nhiều, và yên tâm là mình "đã dạy" con rồi. Vậy nên khi con không nghe hoặc không làm theo, cha mẹ liền bực tức: "Em có dạy chứ không phải không, nhưng nó không nghe". Một trong những lý do để trẻ không nghe lời cha mẹ, chính là vì cha mẹ nói nhiều quá. Trẻ không biết đâu mới là trọng tâm.

4. Đừng giật dây trẻ: "Con đừng ăn miếng đó, gắp miếng kia kìa", "Không mặc áo đỏ, phải mặc áo xanh", "Tại sao con lại chơi với bạn A mà không phải bạn B, bạn B vừa ngoan vừa học giỏi", đủ mọi "định hướng", "giật dây" của người lớn với trẻ. 

Người lớn hay trẻ nhỏ đều muốn được tôn trọng, chẳng ai thích bị "giật dây" suốt ngày như vậy. Có thể lựa chọn của con không tối ưu trong mắt bố mẹ nhưng đừng vì thế mà sốt ruột. Để con làm quen với cái xấu để rồi biết phân biệt tốt xấu, phải trái cũng là điều rất nên.

5. Đừng nói ngoa, làm điêu: Bố mẹ không những gạt, mà còn hứa hão với con thì chắc chắn sẽ khiến con không phục, không nghe lời. 

6. Đừng lôi "Bố/mẹ là bố/mẹ của con" ra để gây áp lực, bắt con phải làm theo ý mình: Đành rằng chúng ta là những người sinh ra trẻ nhưng chúng ta cũng là người thường, cũng nhiều lúc mắc sai lầm. Chưa chắc nghe theo ý kiến bố mẹ thì mọi việc sẽ ổn hơn. Vậy nên hãy giao tiếp với con bằng thái độ tôn trọng hơn. 

7. Nói xin lỗi và cảm ơn con: Nếu cha mẹ là những người khiêm tốn và biết điều, tại sao con không thể biết điều và khiêm tốn. Đừng nghĩ xin lỗi con là hạ mình, đó là cách cha mẹ nâng mình lên để thành những người sẵn sàng thừa nhận sai lầm, từ đó hoàn chỉnh hơn trong mắt con.

8. Lịch sự với con: Chẳng hiểu sao, rất nhiều cha mẹ giao tiếp với con cộc lốc, không chủ vị, thậm chí "văng" nhiều từ không phù hợp. Vậy rồi chính cha mẹ lại đánh con vì:"Con nói với bố mẹ thế à?"

9. Thực hiện nghiêm luật, sẵn sàng nhận sai và nhận phạt khi vi phạm quy định gia đình. Điều này khiến con nể bố mẹ lắm bởi vì người dũng cảm nhất là người thừa nhận sai lầm và sẵn sàng sửa sai, các bố mẹ ạ.

10. Đùa với con đi. Đừng tiết kiệm lời nói đùa. Các con chẳng thích ông bố, bà mẹ lúc nào cũng cực kì nghiêm nghị đâu.

11. Tâm sự nhiều với con và nói với con cả chủ đề lớn như chính trị, môi trường. Lắng nghe quan điểm của các con và thử suy nghĩ theo chúng xem. Có thể mình sẽ mở mang thêm nhiều đó, các cha mẹ ạ.

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM