Tiền rải quảng trường, người Hàn không thèm lượm

25/03/2016 09:11 AM | Sống

Một phụ nữ Hàn Quốc đem 25 triệu won (khoảng 500 triệu đồng tiền Việt Nam) rải ngay quảng trường TP Seoul (Hàn Quốc), nhưng tuyệt nhiên không có một bóng dáng người Hàn nào nhảy vô hôi tiền.

Truyền thông Hàn Quốc đưa tin chiều ngày 21-3, một phụ nữ Hàn rút từ ngân hàng ra 25 triệu won rồi đem rải ngay quảng trường trước Tòa thị chính Seoul. Người phụ nữ bị cảnh sát bắt giữ ngay lúc đó, số tiền trên cũng được cảnh sát thu dọn trong trật tự.

Trên một diễn đàn của người Việt Nam tại Hàn Quốc, một người tên Ngọc Lã tường thuật lại: “Chiều nay mình cũng chứng kiến cảnh này. Cảnh sát đứng bao vây xung quanh nơi sự vụ xảy ra, còn phía ngoài vẫn để người dân vui chơi và tham quan quảng trường. Người dân họ cũng rất lịch sự và văn minh, tôn trọng những gì diễn ra trong trật tự!”.

Nguyên nhân ban đầu được biết là do người phụ nữ kia căng thẳng chuyện gia đình. Bà sợ người chồng và con trai âm mưu đưa bà vô viện tâm thần để chiếm đoạt tài sản. Cho nên, bà nghĩ quẫn rồi rải tiền ngay giữa trung tâm Seoul để gây sự chú ý.

Tuy nhiên, điều làm những cư dân mạng Việt Nam đang làm việc và học tập tại Hàn Quốc “dậy sóng” là thái độ “thờ ơ” với tiền của người Hàn.

Tất nhiên, câu đầu tiên mở ra cuộc tranh luận vẫn là: “Thử rải ở ta đi, đảm bảo không cần khom lưng nhặt thì cũng đã có người nhặt cho rồi”. Hoặc “cảm thán”: “Bên Hàn nhặt tiền phải đi tù, nên có nhìn thấy cũng như mù…”. Nóng nhất vẫn là sự so sánh với những vụ hôi của ở Việt Nam.

Nhưng có phải sự thật là người Hàn “thờ ơ” với tiền?

“Người Hàn không lượm tiền giữa đám đông, như vậy mất mặt lắm. Họ được giáo dục về điều đó"

Phạm Quang Văn

Ở một chủ đề khác trên diễn đàn Thông tin Hàn Quốc, hãy nghe một phụ nữ Hàn tên Choi Eun Ji kể: “Chồng tôi sáng ăn ở nhà 9g rồi đi làm đến 1 - 2g đêm. Hôm nào cố làm thì tới 3g sáng. Về đến nhà lại làm ở máy tính từ một đến hai tiếng. Sáng ra 7g30 đến 8g đã dậy vì con nhỏ vò đầu bứt tai, bắt dậy chơi. Ở Hàn không có năng lực kiếm tiền thì vất vả và kiếm được ít lắm. Chồng tôi chẳng biết hai chữ nhậu hay gặp bạn bè là gì! Nếu là chủ thì còn làm nhiều và vất vả hơn cả nhân viên nữa. Không biết đi sai giờ một phút nào, ngoại trừ việc đột xuất!”.

Nói thẳng ra, ai cũng cực khổ vì tiền. Nhưng không phải vì vậy mà ai cũng tham tiền, nhất là khi tiền đó không thuộc về mình.

Kwon Hyun Woo - một người Hàn sinh sống ở TP.HCM trao đổi với phóng viên rằng theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, người lượm tiền bất hợp pháp sẽ bị phạt.

Hơn nữa, vụ việc xảy ra ngay giữa trung tâm Seoul, có nhiều người chứng kiến và nhiều camera theo dõi nên Kwon Hyun Woo cho rằng: “Ai mà dám!”. Anh nói: “Sở dĩ không ai lượm tiền lúc đó là vì họ phải xấu hổ. Đó là vấn đề của lương tâm, của đạo đức. Còn pháp luật cũng quy định là người nhặt được tiền phải báo cảnh sát, nếu không thì bị phạt!”.

Phạm Quang Văn - một người Việt hiện đang làm việc tại Seoul cũng chia sẻ: “Người Hàn Quốc không lượm tiền giữa đám đông, như vậy mất mặt lắm. Họ được giáo dục về điều đó. Hơn nữa, ở Hàn chỗ nào cũng có camera, ai nhặt cũng khó thoát. Người Hàn có ý thức dân tộc cao. Cứ ai mang vinh quang về cho đất nước là đắt sô quảng cáo. Họ ủng hộ vô điều kiện. Còn ngược lại lỡ làm xấu hình ảnh thì coi như hết đường sống”.

Một cư dân mạng tên Cát Tường cũng đồng tình điều này trên diễn đàn: “Ở Hàn Quốc nhặt tiền rơi hay ví rơi mà không trả thì bị khép vào tội ăn cắp, bị phạt tiền hoặc ở tù mà, trong hồ sơ đã có án thì rất khó tìm việc làm. Thế thôi!”.

Cho nên, một nền giáo dục tốt là giáo dục cho con người lòng tự trọng và sự tiết chế lòng tham. Một xã hội văn minh là biết khuyến khích những việc làm tốt, lên án những việc phạm pháp, đồng thời có những công cụ kìm chế, răn đe những lòng tham đột xuất dẫn đến hành vi phạm pháp hoặc vi phạm đạo đức của con người.

Câu chuyện ở quảng trường Seoul lúc 5g chiều ngày 21-3 là một kinh nghiệm tham chiếu quý giá từ xã hội Hàn Quốc.

Theo Quang Thi

Cùng chuyên mục
XEM