Tiến quân vào thị trường dược phẩm, Thế giới Di động sẽ phải đi con đường đầy gai hoa hồng

05/05/2017 15:41 PM | Kinh doanh

Mặc dù có lợi thế về xây dựng chuỗi phân phối nhưng lĩnh vực dược phẩm không hẳn sẽ là miếng bánh dễ ăn cho các đại gia kinh doanh thiết bị điện thoại. Đặc biệt khi những quy định về lĩnh vực này không hề thông thoáng như việc buôn bán các sản phẩm điện tử.

Không có nhiều chuỗi dược phẩm để M&A

Việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ tham gia vào ngành nghề kinh doanh này cũng không phải hiếm trên thế giới. Tại Mỹ, theo bảng khảo sát hệ thống nhà thuốc lớn nhất của SK&A năm 2015, Walmart và Kmart – những đế chế bán lẻ hàng đầu thế giới, đang giữ vị trí thứ 3 và 9 những hệ thống nhà thuốc lớn nhất. Walmart có gần 10.400 dược sĩ cùng hệ thống 4.340 nhà thuốc, trong khi Kmart có 1.328 dược sĩ và 707 nhà thuốc.

Hiện vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào liên quan đến ngành kinh doanh mới mẻ này được những “đại gia” phân phối thiết bị điện thoại đưa ra, ngoài những chia sẻ về định hướng được tiết lộ từ những người đứng đầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, không khó để nhận ra điểm chung mà Thế giới Di Động, Digiworld hay FPT Retail đều nhắm tới là việc thực hiện các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) để tham gia thị trường.

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động đã nhận định rằng, thay vì phải mất 2-3 năm để tìm hiểu về mô hình này, MWG sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm trên để tiến hành M&A, trong đó sẽ đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng. MWG cũng dự kiến sẽ dành ra khoảng 500 tỷ đồng để mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ sẵn có, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%.

Phương án này cũng không phải không có căn cứ, người đứng đầu Thế giới Di động đã từng nhận định, thị trường phân phối dược phẩm hiện vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần – điều này đồng nghĩa với “ngôi vương” của thị trường này vẫn còn bỏ trống. Nếu phải dành ra nhiều năm để tìm hiểu và xây dựng từ đầu, cơ hội này có thể sẽ rơi vào tay người khác, đặc biệt khi những ứng viên đang nhăm nhe tiến công vào thị trường này, vốn dĩ đã là đối thủ từ trước.

Tuy nhiên, sự lựa chọn dành cho MWG, Digiworld hay FPT Retail trên thị trường cũng không phải quá nhiều. Bởi sự phân mảnh và thị phần nằm trong tay chủ yếu là các cửa hàng tư nhân, các chuỗi phân phối thuốc tây hiện tại cũng chỉ hiện diện ở mức khá khiêm tốn.

Các chuỗi phân phối lớn như Phano Pharmacy, Pharmacity hay PAK Pharmacy có vốn điều lệ chỉ ở mức vài chục tỷ cho tới 120 tỷ đồng. Quy mô vốn có phần nghiêm tốn hơn rất nhiều nếu so sánh với MWG, Digiworld hay FPT Retail.

Đứng đầu danh sách, Phano Pharmacy là một công ty khá trẻ trong ngành công nghiệp bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam thành lập vào tháng 3/2007 do 5 cổ đông, trong đó 4 cổ đông cá nhân hiện đang sở hữu 85% vốn điều lệ và CTCP Dược phẩm Duy Tân sở hữu 15% vốn. Đơn vị này hiện có 49 cửa hiệu trên toàn quốc, với độ bao phủ tại 12 tỉnh thành. Tuy nhiên, Phano Pharmacy hiện mới chỉ xuất hiện tại khu vực miền trung trở vào, trọng tâm vào thị trường phía Nam. Đơn vị này được biết đến nhiều nhất tại Tp HCM với 28 cửa hiệu, tại một số tỉnh khác như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau mật độ chỉ từ 2 – 4 cửa hiệu.

Đứng thứ 2 – Pharmacity, thuộc quản lý của CTCP Dược phẩm Pharmacity - một công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bán lẻ thuốc tây, thực phẩm chức năng mới đi vào hoạt động từ năm 2012 do 4 cổ đông cá nhân sở hữu, trong đó cổ đông lớn nhất là bà Phạm Thị Thanh Hoài với sở hữu 86,63%. Mặc dù mới đi vào hoạt động được 5 năm nhưng hệ thống này đã có 39 cửa hàng, tuy nhiên chỉ xuất hiện tại Tp HCM. Tương tự, Phúc An Khang, Vista Pharmacy hay Mỹ Châu cũng chỉ tập trung duy nhất tại Tp HCM.

Hiện đa phần các chuỗi phân phối khác cũng chỉ đặt trọng tâm vào thị trường phía Nam trong khi thị trường ngoài Bắc vẫn chiếm ưu thế bởi các nhà thuốc tư nhân.

Và một con đường đầy gai

Thị trường phân phối dược phẩm, thuốc tây là miếng bánh béo bở. Tuy nhiên Thế giới di động, Digiworld hay FPT Retail cũng phải đặt câu hỏi ngược lại, tại sao mảnh đất được đánh giá là màu mỡ lại chưa có nhiều đại gia nhảy vào và phải để những người “ngoại đạo” như Thế giới Di động, Digiworld hay FPT Retail khai phá?

Hiện nay hầu như các chuỗi phân phối dược phẩm có thể nằm trong tầm ngắm của Thế giới Di động, Digiworld hay FPT Retail đều có quy mô khá nhỏ, chỉ từ vài chục cửa hàng với mức độ bao phủ chủ yếu là tại khu vực phía Nam và Tp HCM. Việc thâu tóm những đơn vị này có thể là bàn đạp để gia nhập thị trường, nhưng nếu muốn trở thành người đứng đầu và định hình lại thị trường, việc “đốt tiền” để mở rộng là điều không thể tránh khỏi.

Mặc dù vậy, việc phát triển một chuỗi bán lẻ dược phẩm về bản chất sẽ không giống như việc phát triển một chuỗi điện máy, bởi ngay từ đặc trưng của mặt hàng buôn bán, kinh doanh dược phẩm là lĩnh vực đặc thù đòi hỏi rất nhiều quy định. Đơn cử như cơ sở vật chất kỹ thuật đối với nhà thuốc phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP); đối với bán buôn phải đạt tiêu chuẩn thực hành tốt phân phối thuốc (GDP) hay các điều kiện kho tàng, phương tiện bảo quản thuốc theo nguyên tắc thực hành tốt bảo quản thuốc (GSP).

Không kể chi phí cơ sở vật chất, nhân sự cũng là một vấn đề cần lưu ý. Nếu như các siêu thị điện máy hiện tại, trình độ và yêu cầu dành cho nhân sự sẽ không quá cao, từ đó mức chi phí cũng sẽ được giữ ở một mức nhất định. Tuy nhiên, với phân phối dược phẩm, ngay cả nhân sự bán hàng cũng đòi hỏi có những chứng chỉ và bằng cấp theo quy định.

Trong khi với một lĩnh vực được đánh giá là nhạy cảm, rủi ro về chính sách đối với các doanh nghiệp này cũng là rất lớn. Chỉ một sự thay đổi nhỏ về chính sách bảo quản thuốc hay dự trữ hàng tồn cũng có thể khiến các doanh nghiệp phải đổ tiền để thay đổi toàn bộ hệ thống. Việc định hình lại một thị trường còn phân mảnh, rời rạc với nhiều mối liên kết ngoài luồng giữa bệnh viện và nhà thuốc cũng sẽ tồn tại nhiều rủi ro tiềm tàng, đặc biệt tại các thành phố với hệ thống bệnh viện lớn. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thuốc tư nhân vẫn ăn lên làm ra, thậm chí là vượt mặt cả những hệ thống phân phối lớn.

Theo Tuyết Lan

Cùng chuyên mục
XEM