Tiền mặt ngày càng giảm vai trò trong nền kinh tế: Chỉ còn xấp xỉ mức 10%

23/11/2017 16:33 PM | Kinh tế vĩ mô

Trong năm 2016 việc thanh toán và áp dụng các công nghệ như internet, mobi, các điểm chấp nhận thẻ đã tăng rất mạnh so với năm 2015.

Trong phiên chất vấn chiều ngày 16/11 đối với Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc thanh toán không dùng tiền mặt đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những biện pháp quyết liệt của Chính phủ về cải cách hành chính, đặc biệt là trong khu vực công.

Về vấn đề, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án đẩy mạnh việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt từ nay đến 2020. Trên cơ sở Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã có chương trình hành động và kế hoạch thực hiện áp dụng cho tất cả các đơn vị của Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng.

Thứ nhất, muốn đẩy nhanh tiến trình thanh toán không dùng tiền mặt một điểm quan trọng nhất mà Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ ra chính là là tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt. Theo Thống đốc, hiện nay khuôn khổ quy định của chúng ta vẫn cho phép các giao dịch có giá trị lớn, kể cả bất động sản vẫn được phép sử dụng tiền mặt. Đấy là điểm bất cập mà người đứng đầu ngành Ngân hàng cũng rất mong là tới đây Quốc hội có thể xem xét để có những cơ sở pháp lý để khuyến khích sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Về phần hệ thống ngân hàng, Thống đốc cho biết đã chỉ đạo xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để kết nối các thanh toán, cho phép ứng dụng các thanh toán với tính năng bảo mật cao hơn để làm sao đó đảm bảo khuyến khích được và đảm bảo an toàn an ninh trong hệ thống thanh toán. Ngành ngân hàng cũng có những giải pháp để khuyến khích ngoài các thanh toán thẻ thì ứng dụng các công nghệ thanh toán di động, thanh toán qua internet và các phương tiện thanh toán mới để khuyến khích sử dụng các công cụ thanh toán mới đảm bảo tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện nhanh hơn.

Ngoài ra tư lệnh ngành cho biết có những giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để các tổ chức tín dụng và khách hàng nắm bắt được các tiện ích trong các lĩnh vực thanh toán để có thể sử dụng được công nghệ thanh toán nhiều hơn.

Thống đốc cũng đưa ra con số thống kê cho thấy các tỷ trọng tiền mặt trên nền kinh tế cũng đã giảm rất mạnh. Hiện nay cũng ở mức xấp xỉ 10%, đã giảm mạnh so với trước đây.

Trong năm 2016 việc thanh toán và áp dụng các công nghệ như internet, mobi, các điểm chấp nhận thẻ đã tăng rất mạnh so với năm 2015. Thống đốc cho rằng với việc tiếp tục đẩy mạnh đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Thủ tướng Chính phủ thì kết quả trong thời gian tới sẽ tốt hơn.

Một vấn đề nữa được Thống đốc nhắc lại ý kiến trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có đề cập, thanh toán trong khu vực công. Hiện nay đã có gần 50 ngân hàng kết nối với kho bạc ở các cấp trên địa bàn toàn quốc, kho bạc của 63 tỉnh, thành phố để thanh toán điện tử. 

Ngân hàng nhà nước cũng tạo điều kiện để cho các ngân hàng kết nối với các tổ chức cung ứng dịch vụ công để có thể cung ứng dịch vụ công cấp độ 4, tức là cung ứng dịch vụ và thanh toán trực tuyến. Đây là những giải pháp ngành ngân hàng triển khai trong thời gian vừa qua và tiếp tục sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới để tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM