Tịch thu hết tiền mừng tuổi của con: Cha mẹ Việt đang mắc sai lầm tai hại mà người Do Thái luôn luôn tránh xa

21/02/2022 20:10 PM | Xã hội

Người Do Thái cho rằng, tịch thu tiền mừng tuổi sẽ khiến cho trẻ có thói quen xin tiền cha mẹ, đến khi có tiền chúng sẽ mau chóng tiêu hết sạch, thiếu ý thức lập kế hoạch chi tiêu.

Với người Do Thái, nguyên tắc có làm có hưởng sẽ rèn luyện kỹ năng sinh tồn của trẻ, nhất là kỹ năng quản lý tài sản. Trước giờ họ không coi kiếm tiền là một nhu cầu cần phải đợi đến độ tuổi nhất định mới bắt đầu vun bồi mà cho rằng "quản lý tài sản từ nhỏ" mới là phương pháp giáo dục tốt nhất. Việc nâng cao chỉ số FQ, không chỉ để nhằm giáo dục kỹ năng quản lý tài sản cho trẻ, mà nó còn là một phương thức giáo dục trách nhiệm và giáo dục nhân cách.

Trẻ em Do Thái học cách quản lý tài sản trong suốt thời thiếu niên, kể từ khi chúng vừa mới bắt đầu có khái niệm về "đếm" và biết những phép tính cộng trừ đơn giản. Các bậc phụ huynh Do Thái dạy con em mình hiểu rõ mối quan hệ hữu cơ giữa tiền bạc và mua sắm. Họ cho trẻ vốn riêng, khác với phụ huynh các nước châu Á như Việt Nam, họ không chủ trương cho trẻ để dành toàn bộ số tiền, ngược lại, họ khuyến khích trẻ tiêu hết tiền một cách hợp lý như, mua quà ăn vặt, đồ chơi hoặc quần áo mà trẻ thích. 

Sau khi chi tiêu, phụ huynh phân tích cho trẻ hiểu mua sắm như vậy là có hợp lý, có cần thiết hay không, từ đó rút ra kinh nghiệm gì, bài học gì. Họ quan niệm, thà cho con tiền tiêu vặt định kỳ và đặt ra quy định hạn chế chi tiêu còn hơn là để nó chìa tay xin tiền phụ huynh như "ăn mày".

Khi con cái bước vào năm học cuối cấp một, phụ huynh Do Thái sẽ mở cho chúng một tài khoản ngân hàng độc lập, gửi vào đó một khoản tiền, con số có thể coi là tiền lương một tháng cha mẹ thanh toán cho trẻ. Họ sốt sắng mở tài khoản cho con không phải là để con thả sức tiêu tiền, cũng không phải là họ quá nuông chiều con hay để đỡ phải phát tiền một lần cho con, mà họ có mục tiêu giáo dục lớn hơn, đó là "quản lý tài sản". Mỗi khi con cái sử dụng tiền không thỏa đáng, phụ huynh sẽ không dễ dàng bỏ qua cho chúng. 

Họ giải thích cho trẻ hiểu, nếu sắp tới con muốn có được thứ giá trị hơn, thì bắt buộc lúc này con chỉ được mua một vài thứ ít tiền. Có như vậy, trẻ mới có thể biết được hậu quả nghiêm trọng của việc chi tiêu quá đà, biết chịu trách nhiệm trước hành động chi tiêu của mình. Rất nhiều phụ huynh Việt Nam hay châu Á lo con tiêu tiền lung tung, nên "tước đoạt" cơ hội cầm tiền của con. 

Ví dụ, con cần mua thứ gì đều phải chìa tay xin tiền cha mẹ; ngay cả tiền mừng tuổi của con, phụ huynh cũng nói "để cha/mẹ giữ cho", tịch thu toàn bộ số tiền mừng tuổi. Phụ huynh Do Thái cho rằng, cách làm tai hại như vậy sẽ khiến cho trẻ có thói quen xin tiền cha mẹ, đến khi có tiền chúng sẽ mau chóng tiêu hết sạch, thiếu ý thức lập kế hoạch chi tiêu. 

Người Do Thái có một phương pháp đặc biệt về giáo dục kỹ năng quản lý tài sản cho con cái, họ bắt đầu triển khai các bài học quản lý tài sản gia đình từ khi trẻ ba hoặc bốn tuổi, đó dường như đã thành thông lệ của cả dân tộc.

Ba tuổi: Phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá.

Bốn tuổi: Biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế cần phải lựa chọn. Năm tuổi: Hiểu rõ tiền là thù lao lao động, nên phải chi tiêu hợp lý.

Sáu tuổi: Có thể đếm được những số tiền lớn, bắt đầu học tích lũy tiền, bồi dưỡng ý thức quản lý tài sản.

Bảy tuổi: So sánh lượng tiền của mình với giá cả hàng hóa, xác nhận bản thân có khả năng mua hàng hay không.

Tám tuổi: Biết mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt. Chín tuổi: Lập kế hoạch chi tiêu, biết mặc cả giá cả với cửa hàng, biết giao dịch mua bán. Mười tuổi: Biết tiết kiệm tiền trong sinh hoạt thường ngày để sử dụng vào những khoản chi lớn hơn như mua giày trượt băng, ván trượt…

Mười một tuổi: Học cách nhận biết quảng cáo và có quan niệm về giảm giá và ưu đãi. Mười hai tuổi: Biết quý trọng đồng tiền, biết tiền không dễ kiếm được, có quan niệm tiết kiệm.

Từ mười hai tuổi trở lên: Hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động quản lý tài sản cùng với những người trưởng thành trong xã hội.

Sáng suốt hơn, các gia đình Do Thái còn cho thanh thiếu niên bắt chước cha mẹ quản lý tài khoản ngân hàng để giúp con em mình có sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống tương lai. Khi con cái được khoảng mười hai tuổi, phụ huynh thường mở sổ tay chi tiêu, thông báo cho các thành viên biết tình hình chi tiêu trong gia đình, giúp con cái hiểu chúng cần phải quản lý "tài chính" gia đình như thế nào.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM