Thuỵ Sĩ ‘bơm’ 54 tỷ USD cứu Credit Suisse, nỗi lo còn đó

16/03/2023 16:44 PM | Kinh doanh

Ngày 16/3, Credit Suisse cho biết họ đã nhận được bảo đảm hỗ trợ 54 tỷ USD từ Ngân hàng quốc gia Thuỵ Sĩ để tăng khả năng thanh khoản và trấn an các nhà đầu tư, sau khi giá cổ phiếu ngân hàng này tụt dốc bồi thêm nỗi lo về một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu.

Thuỵ Sĩ ‘bơm’ 54 tỷ USD cứu Credit Suisse, nỗi lo còn đó - Ảnh 1.

Trước trụ sở của Credit Suisse. Ảnh: Reuters

Thông tin này khiến cổ phiếu ngân hàng đặt trụ sở tại Zurich tăng hơn 35% trước khi thị trường mở cửa ngày 16/3, trong khi giá trái phiếu cũng tăng mạnh.

Trong một thông báo, Credit Suisse cho biết họ sẽ thực hiện quyền tuỳ chọn vay 50 tỷ francs Thuỵ Sĩ (54 tỷ USD) từ Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ. Trước đó, giới chức Thuỵ Sĩ khẳng định Credit Suisse đáp ứng được “các yêu cầu về vốn và thanh khoản áp dụng với các ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống” và sẽ được ngân hàng nhà nước hỗ trợ thanh khoản nếu cần.

Credit Suisse là ngân hàng toàn cầu đầu tiên được hỗ trợ khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Những vấn đề của ngân hàng này đặt ra một câu hỏi nghiêm trọng, rằng liệu các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục cuộc chiến chống lạm phát mà không phải tăng lãi suất quá quyết liệt hay không.

Cổ phiếu ngành ngân hàng tăng 21% trong giao dịch trước khi thị trường châu Âu mở cửa. Trong 1 ngày trước đó, chứng khoán châu Á bị nhuộm đỏ khi giới đầu tư vội vã quay sang mua vàng, trái phiếu và đô la. Dù tin mới của Credit Suisse giúp đảo chiều đà giảm, nhưng giao dịch vẫn không ổn định và tâm lý mong manh.

“Nó loại bỏ rủi ro tức thì, nhưng đặt chúng ta trước một lựa chọn khác. Chúng ta chấp nhận với lạm phát cao, điều gì tiếp theo sẽ xảy ra?” Damien Boey, chiến lược gia trưởng về vốn chủ sở hữu tại hãng dịch vụ tài chính Barrenjoey ở Sydney, nêu vấn đề.

“Liệu các gói cứu trợ có làm tình hình tốt hơn không? Một mặt, họ đang loại bỏ một nguồn rủi ro với thị trường. Mặt khác, họ đang nuôi dưỡng mô hình chính sách tiền tệ đang tự thắt chặt này”, Boey nói.

Các vấn đề của ngân hàng 167 năm tuổi đã chuyển trọng tâm chú ý của giới đầu tư và quản lý từ Mỹ sang châu Âu. Những lo ngại về Credit Suisse bồi thêm nỗi lo với toàn ngành ngân hàng sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng quy mô trung bình ở Mỹ, gồm Ngân hàng Thung lũng Silicon và Signature Bank.

Hiện nay, các nhà đầu tư đang chờ xem điều gì tiếp theo sẽ xảy ra với Credit Suisse. “Bước quan trọng tiếp theo mà các giám đốc của họ cần làm là sớm đưa ra chiến lược mới để trấn an thị trường. Vẫn có khả năng họ sẽ hồi phục, nhưng con đường sẽ rất gập ghềnh”, Tareck Horchani, trưởng bộ phận môi giới giao dịch tại hãng chứng khoán Maybank ở Singapore, nhận định.

Theo Reuters

Theo Bình Giang

Cùng chuyên mục
XEM