Thương vụ 35 tỷ USD giữa Uber và Didi có khả năng tan thành mây khói

04/08/2016 08:41 AM | Kinh doanh

Dường như cả Didi Chuxing và Uber Trung Quốc đều không nghĩ tới điều này trước khi đặt bút ký kết vào thỏa thuận sáp nhập này.

Tưởng chừng việc Didi thâu tóm Uber Trung Quốc đã thực hiện xong và loại bỏ những gì cả hai công ty từng lo lắng trước đây. Nhưng hóa ra thương vụ này không kết thúc nhanh như người ta tưởng. Vẫn còn một người chơi khác trong ván cờ này – Bộ Thương mại Trung Quốc – và người chơi này có thể làm mọi việc trở nên đau khổ hơn với cả hai công ty.

Theo luật Trung Quốc, tất cả doanh nghiệp với quy mô đủ lớn có thể gây ra lo ngại về độc quyền phải đệ trình một báo cáo về việc thâu tóm lên Bộ Thương mại. Sau đó, họ sẽ phải đợi cho đến khi Bộ tiến hành một cuộc điều tra chống độc quyền trước khi việc mua lại có thể được chấp nhận. Nhưng vào thứ Ba vừa qua, văn phòng Bộ này thông báo rằng họ vẫn chưa nhận được bản báo cáo về việc mua lại này từ Didi hay Uber. Và đến khi việc đó xảy ra, thương vụ này vẫn chỉ là lý thuyết.

Didi đã nói với truyền thông Trung Quốc rằng cho đến nay công ty vẫn chưa có lợi nhuận, và việc mua lại này không đủ lớn để buộc phải báo cáo hay chờ sự chấp thuận từ Bộ Thương Mại Trung Quốc. Nhưng trong tuyên bố của Shen Danyang, phát ngôn viên của Bộ Thương mại, việc này là khá rõ ràng: “Vụ sáp nhập Didi và Uber Trung Quốc phải được báo cáo, và nếu họ không báo cáo nó, thỏa thuận này sẽ không thể tiến hành.”

Nói cách khác, Didi và Uber Trung Quốc có thể sẽ phải đệ trình một báo cáo cho dù họ có muốn hay không.

Và cũng chưa chắc vụ mua lại này sẽ được chấp thuận hay không. Trong khi chính quyền Trung Quốc dường như sẵn sàng đồng ý một thỏa thuận nhằm củng cố sức mạnh cho một công ty Trung Quốc và loại bỏ một đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài, nhưng Tân Hoa Xã (Xinhua), cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc, đã viết rằng có những mối lo ngại về chống độc quyền ở đây và chính quyền nên xem xét kỹ lưỡng thỏa thuận này.

Việc Didi mua lại Uber Trung Quốc rõ ràng sẽ củng cố sức mạnh của Didi, nhưng nó cũng có nghĩa là thị trường chia sẻ chuyến đi và ứng dụng gọi xe sẽ hoàn toàn bị thống trị bởi một người chơi duy nhất. Như nhiều nhà quan sát đã chỉ ra, đây có thể là tin tức khủng khiếp đối với cả tài xế và người đi xe, do không còn đối thủ cạnh tranh nào có thể thực sự duy trì sự trung thực của Didi nữa.

Trên thực tế, việc các phương tiện truyền thông đang đăng tải các ý kiến bình luận cho rằng thỏa thuận này cần được cân nhắc bởi các cơ quan chức năng, cho thấy rằng, ít nhất, không phải ai trong chính quyền Trung Quốc cũng làm ngơ cho việc này xảy ra.

Dư luận về vấn đề dường như cũng rất hỗn độn. Bình luận về câu chuyện trong thông báo của Bộ Thương mại, một số người dùng mạng Trung Quốc cho rằng cơ quan này đang can thiệp vào việc không phải của mình. Nhưng cũng có những người khác cho rằng việc mua lại này sẽ tạo ra một sự độc quyền rõ ràng và nó không được cho phép. “Cả hai công ty này kiểm soát phần lớn thị phần.” Một người dùng viết. “Nếu đó không phải là độc quyền, vậy bạn sẽ gọi nó là gì?

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM