Jack Wolfskin mất gốc còn danh

26/08/2014 16:11 PM | Thương hiệu

Dẫu rằng còn danh là còn giá, nhưng đâu là lý do khiến Jack Wolfskin mất gốc và chỉ còn lại danh?

Trong thế giới thương hiệu, Jack Wolfskin chỉ thuộc diện tầm tầm về giá trị thương hiệu. Về phương diện sản phẩm, nó cũng không có gì đặc biệt nổi trội. Nhưng những hàm ý sâu xa trong triết lý kinh doanh của nó thì độc nhất vô nhị và thậm chí vượt ra khỏi phạm vi của thế giới thương hiệu.

Chuyện ly kỳ về tên thương hiệu

Nghe nói đến Jack Wolfskin, gần như tất cả đều nghĩ đến một thương hiệu Mỹ. Chẳng phải Jack là một trong những cái tên đặc sệt Mỹ hay sao? Hoặc như từ “Wolf” nghĩa là con sói và “skin” nghĩa là “lớp da” đều tạo cảm giác tiếng Anh nhiều hơn tiếng Đức. Nhưng thật ra, thương hiệu này xuất xứ từ nước Đức và do một người Đức lập nên. Người này là Ulrich Dausien.

Năm 1977, khi còn là sinh viên ở Frankfurt (Tây Đức), Ulrich Dausien quen một thương gia Đài Loan chuyên kinh doanh ba lô du lịch và túi ngủ. Người này đặt Ulrich Dausien gia công 1.000 chiếc ba lô du lịch và thanh toán bằng tiền mặt. Phi vụ này giúp Ulrich Dausien khi đó mới 20 tuổi, kiếm được 50.000 DM và nhận thức rằng, không nên theo học đại học mà nên kinh doanh. Năm sau, Ulrich Dausien bỏ học và mở cửa hàng bán ba lô du lịch, túi ngủ và lều cắm trại ở Frankfurt. Dausien lập ra thương hiệu riêng là Sine – biệt hiệu riêng của Dausien trong hội những người hướng đạo mà anh tham gia. Công việc kinh doanh thuận lợi giúp cho anh chàng này thành đạt và giàu có từ khi còn rất trẻ.

Trong một lần cùng bạn bè đi câu cá ở vùng rừng núi hoang vu trên đất Canada, Dausien bị một con gấu tát sượt qua trán. Một thổ dân da đỏ đã dùng máy kéo chở Dausien đến bệnh viện. Từ vụ việc này mà Dausien có ý tưởng về tên thương hiệu mới, lúc đầu là Bearskin, có nghĩa là da gấu. Về sau, Dausien chọn tên thương hiệu mới là Jack Wolfskin. 

Wolfskin có nghĩa là da con sói. Jack có gốc từ tên gọi của nhà văn Mỹ Jack London – cũng là người thích phiêu lưu mạo hiểm và nổi tiếng thế giới nhờ những tác phẩm văn học về đi tìm vàng ở miền hoang dã Bắc Mỹ. Lôgô ban đầu của thương hiệu này chỉ là dòng chữ, về sau thêm hình bàn tay con gấu. 

Năm 1988, Ulrich Dausien thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Jack Wolfskin và chính thức khai sinh thương hiệu này. Kinh doanh phát đạt, giá trị thương hiệu gia tăng rất nhanh thế nhưng chỉ 3 năm sau, Dausien không còn đủ khả năng tài chính riêng để tiếp tục phát triển thương hiệu mà phải tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Dausien chỉ muốn bán đi 40% cổ phần, nhưng nhà đầu tư người Mỹ muốn thâu tóm cả công ty. Dausien đành phải chấp nhận bán công ty cùng với thương hiệu vào năm 1991, làm giám đốc điều hành ở đây thêm 3 năm rồi giã từ hẳn. Từ đó đến nay, thương hiệu này đổi chủ sở hữu không ít lần để rồi cuối cùng, từ năm 2005 thuộc về Công ty Quadriga Capital, trụ sở vẫn đóng tại nước Đức.

Những nội hàm đầy ý nghĩa

Là một thương hiệu sáng giá, nhưng đến nay hầu như chẳng còn ai liên hệ tên thương hiệu với cội gốc của nó. Ngay đến cả thế hệ nhân viên hiện tại làm cho công ty cũng gần như chẳng biết gì về người sáng lập ra thương hiệu. Các nhà viết và nghiên cứu lịch sử thương hiệu vì thế mới dùng cụm từ “mất gốc, còn danh” để nói về Jack Wolfskin.

Jack Wolfskin là một trong những thương hiệu chuyên về đồ dùng ngoài trời như: quần áo, giày dép, lều trại, ba lô, túi, mũ… Triết lý tồn tại và kinh doanh của thương hiệu này là “Ngoài nhà như trong nhà”. Những đồ dùng cho hoạt động ở bên ngoài nhà phải bền, tạo cảm giác an toàn, thoải mái và tiện lợi. Thiết kế kiểu dáng và chất liệu sản phẩm, công năng và khả năng kết hợp các loại sản phẩm với nhau được Jack Wolfskin đầu tư nghiên cứu và thử nghiệm để có được chất lượng cao nhất, công năng thích hợp nhất và tiện ích nhiều nhất.

Hàm ý của triết lý trên: Jack Wolfskin là thương hiệu đặc thù dành cho những người thích chinh phục và khám phá, biểu tượng cho sự mạnh mẽ và ý chí. Thương hiệu này giúp con người tự tin hơn trong mọi tình huống ở ngoài đời, trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết và ở mọi nơi trên thế giới với mọi kiểu địa hình. Jack Wolfskin xua tan mọi cảm giác sợ hãi và lo âu. Trong lớp da của con sói và với sức mạnh của con gấu, bất kể ai sử dụng sản phẩm mang tên thương hiệu này đều trở thành con người hoàn toàn khác trước, tự tin và ý chí. 

Triết lý “Ngoài nhà cũng như ở trong nhà” của Jack Wolfskin còn giúp thương hiệu này đáp ứng khao khát của con người về sự bình đẳng trong xã hội. Một khi đã tìm đến với thương hiệu này thì tất cả đều trở nên như nhau. Jack Wolfskin xóa nhòa sự thể hiện khoảng cách giàu nghèo và khác biệt về văn hóa mà các thương hiệu khác không làm được hoặc chủ ý làm cho nổi bật.

Ở thương hiệu này, cốt lõi không phải là để thể hiện đẳng cấp, sự giàu sang và văn hóa. Thương hiệu muốn đem lại cho người sử dụng tâm thế mới để tạo dựng sự cân bằng trong cả công danh sự nghiệp lẫn cuộc sống hàng ngày, để tự phát hiện lại sức mạnh tinh thần của chính mình và để vững tin làm chủ số phận của mình – như những con gấu hay con sói tuy đơn độc, nhưng vẫn thích ứng, tận dụng khai thác và chế ngự được hoàn cảnh.

Thương hiệu này không độc đáo về chủng loại sản phẩm. Trong thế giới thương hiệu có không ít thương hiệu thành công và rất thành công nhờ tính độc đáo ấy. Nhưng nó lại rất đặc sắc và độc đáo ở chỗ làm cho người sử dụng có được những cảm nhận rất gắn bó, rất thân thiết và rất hữu ích đối với mình. Nó được ưa chuộng như tìm đến với một tri âm, một bạn đồng hành và một chỗ dựa trong cuộc sống. Đó chính là điều mà chỉ rất ít cư dân trong thế giới thương hiệu cho tới nay làm nổi. Không có gì gây ngạc nhiên khi thương hiệu này bị coi là mất gốc. Nhưng nếu coi triết lý kinh doanh là cội gốc, thì nó không hề mất gốc.

Theo Ngư Phủ

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM