Thuốc kích thích sinh trưởng, thuốc trừ cỏ Trung Quốc đang hoành hành ở Việt Nam

26/08/2016 08:18 AM | Xã hội

Hơn 5 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc đã bị thu giữ và tiêu hủy. Đây là một con số biết nói khi tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi phạm ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

Thông tin từ Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý 40 vụ việc, thu giữ hơn 7 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu với 25 chủng loại khác nhau. Tất cả loại thuốc này đều nằm ngoài danh mục thuốc BVTV của Việt Nam. Trong đó, phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, các điểm thu giữ thuốc vi phạm tập trung ở các tỉnh như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn. Phần lớn người dân mua về để sử dụng trực tiếp trong trồng trọt.

Hiện có 54 cá nhân liên quan bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc buôn lậu các loại thuốc trên đã được đưa vào Bộ Luật Hình sự sửa đổi, hiện đang tạm hoãn thi hành.

Sau khi thu giữ số thuốc trên, Cục đã phối hợp với một công ty công nghệ về xử lý môi trường của Bộ TN&MT tiêu hủy 5 tấn thuốc nhập lậu tại lò tiêu huỷ ở Hải Dương. 2 tấn còn lại đang trong quá trình xử lý, vận chuyển về Hà Nội.

5 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc đã bị tiêu hủy.
5 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu từ Trung Quốc đã bị tiêu hủy.

Công nghệ xử lý bằng lò xi măng, nhiệt độ tiêu hủy 1.500 độ C gần như bị phá hủy 100%, không phát tác các chất độc khác. Hiện chi phí tiêu hủy thuốc BVTV để xử lý là 50 triệu đồng/ tấn.

Ông Trung cho biết, ngay từ đầu năm nay, Bộ trưởng NN&PTNT đã có chỉ thị cho các địa phương, phối hợp với các bộ ngành “đánh” quyết liệt vào thuốc BVTV nhập lậu. Trong chỉ thị, Bộ NN&PTNT yêu cầu nhập lậu chỉ 1 gói cũng bắt.

“Do đó, ngoài tiến trình trên, mục tiêu sắp tới sẽ tập trung vào triệt phá các đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn. Bên cạnh đó, thay đổi phương thức thanh kiểm tra bằng kiểm tra đột xuất, mới có hiệu quả", ông Trung cho hay.

Mỹ Lan

Cùng chuyên mục
XEM