Thức thời mùa Tết: Nghề sửa quần áo, giày dép kín lịch cuối năm vì các đơn hàng khủng, kiếm gần chục triệu một ngày

11/01/2023 16:46 PM | Sống

Nghề sửa quần áo, giày dép mỗi năm một đợt khấm khá nhờ phong tục ăn Tết của người Việt.

Tết càng cận kề, dòng tiền thu và dòng tiền chi ngày càng chảy mạnh. Trong khi một số nhà than thở lên xuống vì thất bát mất mùa, lương thưởng công ty cắt xén... mà phải mua sắm, sửa chữa, tân trang nhiều thứ cho cái Tết đủ đầy thì một số người lại xem đây là thời điểm then chốt "hốt bạc".

Mùa Tết, rất nhiều nhà kinh doanh "thời vụ" xuất hiện, họ chớp lấy thời cơ bán giỏ quà, bánh mứt Tết, bao lì xì... và cũng có rất nhiều nghề như đóng sửa giày dép, may sửa quần áo... tưởng "thất sủng" lại một bước "lên ngôi".

Chạy dọc con đường Lê Thánh Tôn (Quận 1) và một đoạn Lý Chính Thắng (Quận 3), ai cũng phải ngỡ ngàng vì thời thế nay đã khác - bao quanh các thợ sửa giày và các bàn máy may là khách nườm nượp đi ra đi vào, mà giày dép áo quần đang đợi sửa cũng xếp thành đống.

THỜI ĐIỂM SỬA CHỮA "LÊN NGÔI"

Chuyện sửa sang, tân trang và làm mới mọi thứ từ nhà cửa, bếp núc... đến đồ cá nhân như quần áo, đầu tóc, giày dép... là một trong nhiều phong tục của Tết Việt. Vì vậy mà nhu cầu sửa quần áo, giày dép cuối năm hiển nhiên tăng cao.

Ngày thường nếu hư đôi giày này sẽ đi đôi khác, quần áo này lỗi sẽ còn cả tá món khác để diện, vứt thì tiếc nên cứ cất đó, dịp cuối năm dọn dẹp sửa sang nhà cửa, mới siêng mà gom đi sửa một lần. Một phần đơn hàng tăng chóng mặt là do tâm lý phải hoàn thành mọi thứ trước Tết, nhà cửa gọn gàng mới rộng mở đón một năm thuận lợi, một phần vì năm mới là lúc diện đồ, vì phải gặp gỡ nhiều người, có nhiều cơ hội để đi chơi, nên quần áo giày dép cũng cần chỉnh tề hơn chút.

Nghề sửa quần áo, giày dép - "Chủ yếu lấy công làm lời", nhưng "lời" nhẹ nhàng cũng chục triệu một ngày vào dịp Tết - Ảnh 2.

Chị khách hàng sửa đến hơn 5 món đồ dịp Tết này

Chị Trung Oanh, một khách hàng đang đợi đến lượt nhận giày: "Vẫn biết mấy ngày này sửa đồ phải chờ lâu, nhưng đành chấp nhận thôi. Lí do là vì trong năm cũng không có dịp gì để mặc những món đồ này, nên cũng không cần phải sửa gấp. Dịp Tết đến mới cần mặc đồ chỉn chu ghé nhà ông bà họ hàng, nên mới gom đi sửa một lần cho kịp mặc Tết.

Nhiều khi mình cũng sợ vì quá đông khách nên sẽ sửa đồ mình không được kĩ, và giá sẽ nhỉnh hơn ngày thường, nhưng thôi cứ sửa cho xong, hay việc nào nhẹ người việc ấy để còn sẵn sàng đón năm mới."

Chị Thanh Tuyền chia sẻ: "Năm nay cũng không dư dả nên quần áo giày dép mình và chồng cũng không sắm sửa mới nhiều, đem đồ cũ đi tân trang sửa chữa lại một chút là như mới ngay. Mình thấy sửa đồ để dùng tiếp vừa tiết kiệm mà vừa đỡ chật nhà, vì mọi khi cứ để một đống ở đấy."

THỢ SỬA GIÀY DÉP KIẾM BỘN TIỀN VÌ SỐ LƯỢNG ĐƠN KHỦNG LẪN CHẤT LƯỢNG ĐƠN TOÀN HÀNG HIỆU

Con đường Lê Thánh Tôn vốn náo nhiệt vì phía trên giao phố đi bộ Nguyễn Huệ, phía dưới giao ngay chợ Bến Thành, thế nhưng cuối năm lại càng nhộn nhịp hơn vì sự góp mặt của lượng lớn khách đổ về đứng bao quanh các thợ sửa giày đường phố ngồi tại đây.

Chú Văn, thợ sửa giày nổi tiếng nhất và cũng đông khách nhất con đường Lê Thánh Tôn cho biết: "Chú ngồi ở đây sửa giày lúc 8 giờ sáng đến 5 giờ rưỡi chiều, nhưng tối về nhà phải làm tiếp đến 11 giờ đêm mới kịp. Tết chú sẽ bận gấp ba gấp bốn lần ngày thường, vì ai cũng cần giày để đi chơi Tết. Giày bây giờ có khi để lâu khô keo cũng tự bung chứ không cần phải dùng nhiều, thế nên dịp Tết muốn mang những đôi để lâu ngày thì sẽ phải đem đi sửa.

Ở đây dù ngày Tết hay ngày gì thì giày nào chú cũng nhận sửa hết, nhiều cách hư lắm, bị rộng bị chật, mòn đế thay đế, hở keo bung chỉ... tuỳ theo khó hay dễ. Thế nên công sửa có khi 30.000đ có khi 500.000đ - 600.000đ..."

Chú Văn - thợ sửa giày đông khách nhất Lê Thánh Tôn - nơi "hội tụ" nhiều thợ sửa giày "đường phố"

Hỏi thợ sửa giày ngồi cách chú Văn một đoạn, rằng những ngày cuối năm độ khoảng tầm bao nhiêu khách, anh cho biết: "Mình không thể đếm hết một ngày nhận sửa bao nhiêu đôi, vì số lượng rất nhiều, người đến gửi với người lấy giày đã sửa xong luân phiên, chắc tầm 200 đôi..."

Con số thù lao ước chừng cho mức giá sửa nhân với số lượng đơn mỗi ngày chưa dừng lại ở khoảng đó, phải kể đến những đơn VIP từ những đôi giày hiệu, những vị khách từ chiếc xế hộp đắt tiền.

Riêng ở chỗ sửa giày của chú Văn, đứng chưa tới 10 phút mà có 3 chiếc ô tô ghé tới, hạ kính đưa giày, trao đổi và rời đi chưa được một phút. Mọi người có vẻ quen biết rất thân, hình như, giới siêu giàu cũng là khách quen của những "thợ sửa giày đường phố" này, và mỗi ngày cận Tết, lượng đơn tin tưởng gửi cho họ cũng không ít. Mà ai cũng biết, giá của những đôi Gucci, Louis Vuitton, Chanel... có mức giá như thế nào, vị chi công sửa tỉ mẩn cẩn thận cũng phải tương xứng.

Nghề sửa quần áo, giày dép - "Chủ yếu lấy công làm lời", nhưng "lời" nhẹ nhàng cũng chục triệu một ngày vào dịp Tết - Ảnh 4.

Rất nhiều khách hàng của giới siêu giàu ghé đến sửa giày Tết

MỖI NGÀY HÀNG TRĂM KHÁCH SỬA QUẦN ÁO, BÌNH QUÂN THU HÀNG CHỤC TRIỆU ĐỒNG

Chủ cửa hàng may sửa quần áo Cường cho biết: "Thường thì khách hàng sẽ đông vào lúc xế chiều đến tối, và đông nhất là giờ mọi người tan làm. Vào thời điểm gần Tết này thì khách đến cửa hàng mình toàn là sửa quần áo, số lượng khách khoảng 200 người, gấp đôi ngày thường. Mình nhận sửa thông thường sẽ là đồ jeans, đầm, áo khoác và áo vest là nhiều."

Nghề sửa quần áo, giày dép - "Chủ yếu lấy công làm lời", nhưng "lời" nhẹ nhàng cũng chục triệu một ngày vào dịp Tết - Ảnh 7.

Chị chủ cửa hàng may sửa quần áo Cường cho biết dù không bằng các năm trước, những dịp này mỗi ngày cũng hơn trăm khách đến sửa đồ

Số lượng đồ đợi sửa được xếp, treo vô cùng dày

Chú Hùng ở cửa hàng sửa may trên con đường Lý Chính Thắng chia sẻ: "Ban trưa từ khoảng 10 giờ đến 11 giờ rưỡi, mà chiều thì khoảng 4 giờ đến 7 giờ tối là khách đông nhất. Khoảng thời gian này 100% là nhận khách sửa, chi phí thì vô chừng, từ khoảng 40.000đ - 50.000đ đến mấy triệu một người cũng có, tuỳ theo cần sửa chỗ nào, khó hay dễ, số lượng đồ mang đến nhiều hay ít... nhân công để làm cho cửa hàng thì khoảng chục thợ."

Ước chừng cứ mỗi đơn hàng sửa quần áo với mức giá sửa thấp nhất là 50.000đ, tối thiểu thu nhập một ngày cũng phải 10 triệu, chưa kể có những đơn sửa gấp 10 lần, 20 lần mức giá 50.000đ và tất nhiên "tiền công" còn dày hơn nữa.

Nghề sửa quần áo, giày dép - "Chủ yếu lấy công làm lời", nhưng "lời" nhẹ nhàng cũng chục triệu một ngày vào dịp Tết - Ảnh 8.

Chú Hùng chia sẻ khoảng 1 tháng nay mình nhận 100% là khách sửa quần áo đến tiệm

Độ khoảng hai mươi ngày trước thềm năm mới, có một số món hàng kinh doanh mở bán mới bắt đầu có khách, một số nghề lai rai thu nhập mới nườm nượp khách về, mà nghề sửa quần áo, giày dép là một trong số đó. Nhìn thời điểm Tết hiện tại, chắc không ai còn lo lắng những thợ sửa giày ngồi khom lưng đội nắng đội mưa giữa phố, mà cũng nhẹ lòng khi nghề may mặc ít chuộng dần trong xu hướng thời trang nhanh hiện nay.

Theo Bích Loan

Cùng chuyên mục
XEM