Thực phẩm gắn mác sạch có thực sự sạch?

04/06/2016 14:52 PM | Kinh doanh

“Cơn khát” hàng sạch từ người tiêu dùng khiến làn sóng mở cửa hàng, siêu thị chuyên bán thực phẩm sạch trỗi dậy và phát triển mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Người tiêu dùng cứ vô tư mua và trao trọn niềm tin cho các thực phẩm gắn mác đảm bảo. Tuy nhiên, khó có thể biết được sản phẩm đó có thực sự sạch như cam kết hay không.

Anh Nguyễn Sang, chủ một cửa hàng thực phẩm sạch tại Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, nhìn từ ngoài vào mọi người thường nghĩ trào lưu xây dựng thực phẩm sạch đang rất mạnh, nhưng thực tế đánh giá trong ngành thì vẫn rất manh mún.

“Tôi mở cửa hàng được nửa năm và thường nhập hàng từ các thương hiệu nổi tiếng như Bác Tôm, Sói Biển, CleverFood,… Tuy vậy, bản thân những người trong ngành như tôi đang phải rất khó khăn trong việc tự tìm kiếm, kiểm định những nguồn thực phẩm để nhập về phân phối”, anh Sang bộc bạch.

Theo anh Sang, tâm lý của người tiêu dùng khi mua hàng là luôn yêu cầu sản phẩm có thông tin đầy đủ về nguồn cung, lưu lượng chất trong thực phẩm,… Điều này không đơn giản vì các đơn vị thường nhập hàng về từ nhiều nguồn khác nhau, có nơi tự trồng rồi gắn mác rau sạch.

“Nhìn chung, thị trường thực phẩm sạch hiện tại khá hỗn độn. Cá nhân tôi đánh giá, chỉ có nguồn rau còn có thể an toàn, chứ thịt, hoa quả và một số sản phẩm khác thật khó biết chính xác về chất lượng sản phẩm”, anh Sang nhận xét.

Cùng chung nhận định, một doanh nghiệp sản xuất trứng khá lớn tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, mức độ sạch của trứng “sạch” chỉ dừng lại ở việc xử lý trứng qua hệ thống máy móc để làm sạch vỏ ngoài của trứng, còn việc kiểm soát trứng từ chất lượng đầu vào (con gà có được tiêm phòng đầy đủ không, chế độ dinh dưỡng có bảo đảm, có sử dụng thức ăn có chứa chất kích thích tăng trưởng không,…) thì chưa ai làm được.

Tương tự, gạo sạch cũng chẳng ai kiểm định được, nhiều loại gạo còn được mang mác là nhập khẩu từ Thái, Nhật,… nhưng cũng khó có thể biết chính xác là nhập khẩu hay không.

Về rau sạch, chủ doanh nghiệp này cho rằng còn tồn tại hiện tượng nhập rau củ quả không đảm bảo, mua rau chủ yếu rau không rõ nguồn gốc ở chợ rồi “biến” thành rau an toàn giao, bán với giá trên trời.

Bình luận về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nêu một ví dụ về câu chuyện trồng vải ở huyện Tân Yên, Bắc Giang. Khi có mặt tại một số vườn vải, ông giật mình khi thấy cảnh người nông dân phun thuốc sâu thẳng vào từng quả vải. Theo đó, một số cơ sở có chứng nhận đảm bảo thực phẩm an toàn chỉ đảm bảo 10 ngày trước khi hái không phun, còn nhiều nơi họ phun đến tận ngày cuối cùng.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chỉ ra, nhiều người đang rất sai lầm trong việc nghĩ rằng quả vải có rám thì không phun thuốc sâu, đẩy giá loại này đắt hơn quả vải bình thường. Thực tế đó là một quan niệm sai lầm vì rám đó không phải là sâu mà là nấm. Họ phun thuốc sâu nhưng nấm không chết, nó vẫn phát triển và làm rám quả vải.

“Như VietGap đảm bảo 10 ngày trước khi thu hoạch vải không được phun, nhưng tôi không hiểu họ lấy gì đảm bảo dù có giấy tờ nọ kia. Vấn đề đảm bảo thực phẩm sạch là rất khó, bởi vì không có phương pháp kiểm tra cho 3.000 loại thuốc trừ sâu khác nhau. Kể cả nước ngoài cũng vậy, tôi cũng không tin là họ có đủ các mẫu để kiểm tra hết các loại thuốc trừ sâu”, Giáo sư phân tích.

Vì vậy, theo ông, chất lượng thực phẩm sạch tại nhiều nơi, kể cả các cửa hàng hay siêu thị đều không thể khẳng định sạch hoàn toàn, và tất cả phần nhiều chỉ có thể trông chờ vào lương tâm người trồng mà thôi.

Cùng chuyên mục
XEM