Thức lâu mới biết đêm dài, chuyện ở đời đừng vội phán xét ai

12/04/2019 10:45 AM | Sống

Cổ nhân từng nói: “Thức lâu mới biết đêm dài”, “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Chuyện ở đời muôn hình vạn trạng, dù với bất cứ lý do gì đừng vội vàng chỉ trích hay phán xét người khác khi bản thân không hiểu gì về họ, về những gì mà họ đang trải qua.


Tôi đã từng được nghe bà nội kể lại câu chuyện này từ ngày còn bé. Khi ấy, ở làng nọ có đôi vợ chồng đi đánh cá trên biển thì bị gặp nạn. Phải rất khó khăn vợ chồng họ mới bám được vào một mảng gỗ từ chiếc thuyền vỡ ra để nổi lên, lênh đênh trên làn sóng dữ. Bám lại một lúc người vợ mệt lả đi, ai cũng tưởng chồng sẽ hi sinh mình để vợ nằm lên tấm gỗ mà sống nhưng người chồng lại quyết định thả tay vợ mình ra và một mình giữ tấm gỗ cứu sống bản thân.

Nghe đến đó, tôi cũng từng trách rằng người chồng đó thật vô tâm, thật ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân. Cũng như tôi, cô con gái của anh ta cũng sống oán hận cha mình vì sao không cứu mẹ mà lại một mình trở về.

Rất lâu sau đó, người cha liên tục hứng chịu đả kích từ dân làng, những lời chê trách vì làm chồng mà chỉ biết cứu sống bản thân bỏ mặc vợ. Người đàn ông ấy chưa một lần phân bua, giải thích. Bởi một lẽ, người muốn tin thì họ đã tin, khi người ta đã ngờ vực thì có giải thích bằng trời họ cũng không tin lời anh nói.

Thức lâu mới biết đêm dài, chuyện ở đời đừng vội phán xét ai - Ảnh 1.

Anh vẫn ân cần chăm sóc con gái đến khi trưởng thành, lớn khôn. Nhiều năm sau, người cha qua đời. Cô con gái sẽ mãi oán trách người cha nếu như không đọc được những dòng nhật ký mà ông để lại trước khi mất:

“Gần 20 năm em rời bỏ bố con anh mà đi,

Nếu ngày hôm đó anh có thể thay em chìm xuống đáy biển hoặc cả hai chúng ta cùng ra đi thì tốt biết mấy em nhỉ? Nhưng anh đành lòng bỏ em ở lại đại dương vì anh biết em chỉ còn sống được thêm 1 tháng bởi căn bệnh ung thư quái ác. Còn chúng ta có con gái ở nhà chờ đợi cha mẹ trở về và lời hứa "Chăm sóc tốt con của chúng ta" với em cần anh thực hiện...”.

Nước mắt cứ thế nhòe đi, đến lúc này cô con gái mới biết mình đã trách sai cha suốt những năm qua. Dù có hối hận cô cũng không thể nào nói lời xin lỗi để cha có thể nghe được nữa. Những người trong làng năm xưa trách cha cô cũng không thể nào rút lại những lời nói đầy tổn thương mà họ đã thốt ra khi ấy. Đứa con gái như cô chỉ biết tự trách bản thân vì đã để cha phải chịu đựng nỗi đau, những giày vò ấy một mình.

Cuộc sống của người khác, chúng ta đứng ở ngoài không thể ở hiểu được họ đã và đang trải qua những khó khăn, trắc trở như thế nào. Đứng ở vị trí của mình, chúng ta không thể biết được rõ ngọn ngành mọi chuyện vì thứ mà chúng ta nhìn thấy chỉ là bên ngoài mà thôi. Chỉ khi chúng ta từng phải chịu đựng khổ đau, chúng ta mới có thể hiểu được khổ đau của người khác.

Người sẵn sàng thanh toán tiền cho bữa ăn cùng bạn bè chưa hẳn vì họ giàu có, dư dả mà vì họ thật sự coi trọng tình bạn mà họ đang có và muốn giữ gìn nó.

Khi có tranh cãi họ sẵn sàng mở lời xin lỗi, làm lành trước không phải vì họ sai mà vì họ trân quý người ở bên cạnh.

Người tình nguyện giúp đỡ người khác trong cuộc sống không phải vì mắc nợ mà vì họ tôn trọng, họ coi đối phương là bằng hữu. 

Đối với công việc, một người sẵn sàng nhận thiệt về mình, nhận nhiều công việc hơn không phải vì họ ngốc mà vì họ hiểu rằng bản thân cần có trách nhiệm với công việc. 

Thức lâu mới biết đêm dài, chuyện ở đời đừng vội phán xét ai - Ảnh 2.

Con người chỉ khi hiểu được tu dưỡng bản thân thì mới hiểu được lời nói là con dao hai lưỡi, có lợi cũng có hại. Họ hiểu rằng đối với một sự việc xảy ra không nên nhìn nhận vấn đề từ một phía. Chỉ có như vậy thì mới có thể làm giảm tổn thương trong mối quan hệ thân thiết với nhau.

Người xưa từng có câu: “Hạnh phúc không phải được quyết định bởi tài phú, quyền lợi và dung mạo mà là được quyết định bởi mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh”.

Muốn trở thành người tốt trước tiên hãy lấy việc đối xử tử tế với người khác làm xuất phát điểm của bản thân. Bởi chỉ thức lâu mới biết đêm dài, chuyện ở đời đừng vội vàng đưa ra lời phán xét.

Nắng Mai

Cùng chuyên mục
XEM