Thực hư việc trường Lương Thế Vinh thu phí học online 1 triệu/tháng

16/03/2020 14:57 PM | Kinh doanh

Việc học trực tuyến và học online hiện đang là mối quan tâm lớn của nhiều phụ huynh trong mùa dịch. Tuy nhiên, việc không cho các trường thu học phí học online nhưng lại muốn công nhận kết quả dạy học liệu có khả thi?

Thời gian vừa qua, nhiều phụ huynh có con học trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) tranh luận vì trường Lương Thế Vinh thu mức 1 triệu/học sinh/tháng trong khi Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu nhà trường không thu tiền học online của học sinh dưới mọi hình thức.

“Tôi được biết nhà trường vừa thông báo cho phụ huynh học sinh đóng 1 triệu/1 cháu/1 tháng với tất cả 2 cơ sở của trường Lương Thế Vinh. Cháu nào không đóng thì khóa hệ thống học online không cho học sinh vào. Giáo viên chỉ cho bài tập làm và thu tiền như vậy, Ban giám hiệu trường Lương Thế Vinh đã tạo ra 1 bức xúc ngầm trong lòng phụ huynh học sinh, những con người đủ cảnh ngộ và cũng đủ khốn khó với bệnh dịch”, một phụ huynh tại cơ sở Tân Triều cho hay.

Trái ngược với quan điểm trên, một phụ huynh có con học tại trường Lương Thế Vinh (cơ sở Nam Trung Yên) cho hay: “Chuyện chia sẻ khó khăn với nhà trường để đảm bảo vượt qua khó khăn trong lúc này là việc nên làm, nhất là đối với những trường tư. Thầy cô giáo vẫn dành thời gian soạn bài, dạy học vẫn được trả lương chứ nếu nhà nước hỗ trợ thì không nói. Chuyện chia sẻ theo mình nên làm.

Vì nếu  không nộp tiền, không có lương thì các thầy cô nhịn đói để dạy học sinh à? Mà theo mình thấy dạy online thời gian đầu vất vả hơn cả offline. Thời gian này học sinh nghỉ khác hẳn với nghỉ hè, nếu là nghỉ hè thì cả thầy cô và các con đều nghỉ và nếu giáo viên không nhận lương cũng là bình thường. Còn bây giờ giáo viên vẫn làm việc thì phụ huynh cũng nên đóng góp để trả lương cho họ”.

Liên quan đến vấn đề trên ông Nguyễn Kiến Thiết – đại diện phát ngôn của trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay: “Việc học online là bất khả kháng trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp.

Trường công lập và dân lập đều nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng hệ thống trường dân lập phải tự chủ tài chính toàn bộ.

Hiện nay không biết khi nào dịch bệnh mới hết, khó khăn của các trường tư là rất lớn từ việc chi trả thuê mặt bằng, trả lương giáo viên và vận hành hệ thống.

Việc phụ huynh học sinh không đồng ý việc nộp tiền học online của học sinh là quyền của họ nhưng chúng tôi mong phụ huynh hiểu đúng bản chất vấn đề và chia sẻ khó khăn với chúng tôi”.

Ông Nguyễn Kiến Thiết nhắc lại công văn 769 của Sở GD&ĐT Hà Nội ngày 13/3 về việc không được thu bất cứ một khoản tiền nào đối với phụ huynh học sinh trong quá trình học online do giáo viên nhà trường tổ chức kể cả việc ban đại diện cha mẹ học sinh ủng hộ dưới bất kỳ hình thức nào.

Thực tế, 13/3 Bộ GD&ĐT có công văn 803 nhấn mạnh đến học online, truyền hình, trực tuyến trong thời điểm hiện tại và xem xét công nhận kết quả dạy học online.

“Tôi nghĩ, Sở GD&ĐT Hà Nội đang có sự nhầm lẫn nào đó về đối tượng dạy và học online.

Nếu trường công có ngân sách nhà nước chi trả thì đương nhiên dạy học online sẽ không thu tiền, nhưng nếu muốn công nhận kết quả học online, tức là giáo viên phải dạy cho “đàng hoàng, chuẩn chỉ” để có kết quả thực sự mà không cho các trường tư thu tiền thì trường tư lấy gì trả lương cho giáo viên khi họ vẫn ngày đêm cống hiến và thiết kế bài giảng phục vụ học sinh?

Nếu không có chính sách khuyến khích hay hỗ trợ kịp thời cho giáo viên thì những giáo viên đó phải làm nhiều nghề khác, rất nguy hiểm cho các trường dân lập khi phải gồng mình chống đỡ với giai đoạn này.

Nếu giáo viên nghỉ dạy đi làm nghề khác thì sau dịch lấy đâu ra giáo viên nhất là giáo viên giỏi vì giáo dục là ngành rất đặc thù”, ông Nguyễn Kiến Thiết cho hay.

Được biết, hiện nay trường Lương Thế Vinh chưa có thông báo chính thức về việc sẽ thu học phí học online với mức thu 1 triệu/tháng/học sinh mà mức này là Ban phụ huynh của nhà trường tự nguyện đề nghị để chia sẻ khó khăn với nhà trường trong giai đoạn hiện nay.


Theo Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM