Thực hư vết bớt đỏ trên cổ Hoà Thân được coi là "kim bài miễn tử", dù ông trở thành gian thần tham lam bậc nhất Trung Hoa vẫn được Càn Long sủng ái hết mực?
Có rất nhiều dị bản kể về mối tình Càn Long - Hòa Thân, nhưng có một câu chuyện mà nhiều tài liệu ghi lại nhất: Hòa Thân là tiền kiếp của phi tử vì Càn Long mà chết.
Càn Long không chỉ nổi tiếng là một vị Hoàng đế anh minh, có tài trị quốc của thời Mãn Thanh mà Càn Long Đế còn được biết đến là một ông vua phong lưu, đa tình với hơn 40 phi tần, chưa kể tới hàng trăm quý nhân, thường tại, đáp ứng khác.
Mặc dù có hàng trăm giai lệ nhưng Càn Long vẫn "tình thâm ý trọng" với một vị quan thần khiến hậu thế cho đến giờ vẫn đặt dấu chấm hỏi về mối quan hệ vua - tôi mật thiết này. Nhân vật đó không phải ai xa lạ mà chính là Hòa Thân.
Khi nhắc đến Hòa Thân, ai cũng biết đây là một một nhân vật khét tiếng với danh xưng "đệ nhất quan tham" trong lịch sử Trung Hoa. Của cải mà Hòa Thân đã tham ô, nhận hối lộ thì không có bất kỳ một vị quan tham nhũng nào trong lịch sử Trung Quốc cổ đại và hiện đại vượt qua được.
Đối với Càn Long, Hòa Thân quan trọng đến mức ngày nào không gặp được Hòa Thân là Càn Long không chịu được. Sự sủng ái thậm chí còn hơn cả Hán Ai Đế đối với Đổng Hiền xưa. Vậy tại sao Hòa Thân lại có được sự ưu ái đặc biệt này?
Có rất nhiều dị bản đã kể về 'mối tình' giữa Càn Long và Hòa Thân, nhưng tài liệu được ghi lại nhiều nhất là việc Hòa Thân chính là chuyển kiếp của phi tử đã chết vì Càn Long hóa thành. Câu chuyện này bắt nguồn từ thời Ung Chính (cha của Càn Long), khi Càn Long chỉ mới là một thân vương.
Theo một số lời kể, một lần Càn Long thấy một phi tử vô cùng diễm lệ của Ung Chính đang chải đầu. Do không cầm được lòng, Càn Long đã đi từ phía sau để bịt mắt bà trêu đùa.
Đúng lúc này, phi tử kia vô tình vung lược đập trúng mặt Càn Long, khiến ông bị một vết đỏ ở mặt.
Ngày hôm sau, Ung Chính thấy trên mặt con trai có vết đỏ mới hỏi vì sao nhưng Càn Long không dám nói.
Sau đó, bị quở trách nghiêm khắc nên Càn Long đã nói ra sự thật. Thái hậu nghe xong nghi ngờ người phi tử đó có ý định đùa bỡn với Càn Long nên lập tức ban chết cho nàng.
Đau khổ vì vô tình hại chết một phi tử kiều diễm, Càn Long đã dùng ngón tay đánh dấu vết đỏ lên cổ của người phi tử này và hứa hẹn: "Là ta đã hại chết nàng, nếu linh hồn nàng linh thiêng, hai mươi năm sau chúng ta sẽ gặp lại nhau".
Không biết thực hư ra sao nhưng sau khi trở thành vua nhà Thanh, Càn Long gặp Hòa Thân phát hiện trên cổ của vị đại thần này có một vết bớt đỏ hình ngón tay và cho rằng đây chính là người phi tử đầu thai.
Khác với rất nhiều tạo hình Hòa Thân trong phim, nhiều tài liệu ghi lại rằng Hòa Thân sở hữu dung mạo rất đẹp, trắng trẻo, môi đỏ, khuôn mặt sắc nét rất quyến rũ. Sử sách cũng ghi lại "Hòa Thân có dung mạo trắng trẻo, da trắng môi đỏ, cử chỉ trang nhã xinh đẹp chẳng khác gì nữ nhân". Khi gặp Càn Long, Hòa Thân đang ở độ tuổi 20, Sử Trung Quốc là: diễm lệ hơn cả phi tần của Càn Long.
Ngoài việc sở hữu diện mạo giống người phi tử yêu quí, Hòa Thân còn tinh thông vạn việc khiến Càn Long càng ngày càng sủng hạnh.
Hòa Thân tinh thông 4 loại văn tự là: Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng và có biệt tài trong việc quản lý tài chính. Dưới bàn tay của Hòa Thân, tài chính trong cung Càn Long bao giờ cũng được đảm bảo. Không những thế, ông còn là một chính trị gia, một nhà ngoại giao, một nhà kinh tế, một nhà thơ, một người am hiểu nghệ thuật...Nhờ công của Hòa Thân mà rất nhiều bộ sách quý được lưu giữ lại.
Trong hơn 20 năm, Hòa Thân được thăng chức 47 lần. "Sở văn lục" viết: "Đời Thanh Cao Tông Càn Long, Hòa Thân làm quan, quyền thế khuynh đảo thiên hạ. Kết bè kết đảng, đi lệch chính đạo mà kẻ sĩ trong triều chẳng dám ngăn trở".
Càn Long cả đời yêu thích thơ phú, Hòa thân thì thuộc lòng từng câu chữ, ý thơ hay thói quen dùng điển tích điển cố, cách gieo vần của Càn Long. Để có thể tung hứng với Càn Long, Hòa Thân cũng bỏ công sức học thơ và làm thơ nên khả năng thơ phú của ông ta cũng là thiên hạ hiếm có.
Tiền Vịnh Tằng cùng thời với Hòa Thân từng đánh giá rằng: "Thơ của Hòa Thân gieo vần rất tuyệt, rất thông thơ luật. Thơ của Hòa Thân rất hợp với sở thích của Càn Long, Càn Long đọc xong không thích mới lạ, rất nhiều phen tức cảnh làm thơ đã cứu mạng Hòa Thân".
Càn Long là một trong những vị hoàng đế thọ nhất Trung Quốc, ông truyền ngôi cho con khi đã qua 60 năm cầm quyền, thoái vị trở thành Thái thượng hoàng.
Nhưng ở tuổi 89, Càn Long vẫn minh mẫn giúp vua Gia Khánh xử lý triều chính, ra mệnh lệnh hết sức chính xác, khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.
Có giai thoại kể lại về câu chuyện thoái vị của Càn Long. Trong 1 lần thiết triều, vua Càn Long đột nhiên viết 1 chữ "Thiện" trước mặt tất cả bá quan văn võ triều đình. Trong triều mọi người đều cười bởi nghĩ Càn Long ám chỉ ý "Thiện" là thiện ý, thế nhưng duy nhất chỉ có 1 mình Hòa Thân đứng sững, mặt mày tái mét.
Vì chính Hòa Thân hiểu rõ nhất ẩn ý thực sự của Càn Long phía sau chữ "Thiện" này là ý tứ muốn nhường ngôi – thiện vị!
Được sự ưu ái của Càn Long trong suốt 24 năm, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường, ra sức ăn hối lộ, tham nhũng của cải của đất nước.
Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có tương truyền rằng: "Cái Càn Long có Hòa Thân có, cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có".
Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố Nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
Không chỉ vậy, tham quan này còn kết bè kéo cánh, hình thành một thế lực lớn mạnh.
Mãi cho tới khi Càn Long băng hà, hoàng đế kế vị là Gia Khánh nhanh chóng tuyên bố Hòa Thân phạm 36 tội trạng. Ngày 12/2/1799, Hòa Thân bị bắt cùng với Phúc Trường An. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản.
Tuy nhiên không rõ vì sao, Gia Khánh sau này lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ và ân xá tha cho đại gia đình Hòa Thân.