Thú vui mới của giới siêu giàu: Không thiếu tiền mua nhà nhưng chấp nhận 'đánh đổi' cuộc sống ở đất liền để lênh đênh trên biển

25/04/2022 09:16 AM | Kinh doanh

Những chủ sở hữu du thuyền giàu có đang "rời" đất liền để sống trên biển khơi. Song, một số người lại nhận thấy sống trên biển trong nhiều tháng cũng phải trả cái giá khá đắt.

Nghỉ hưu trên biển

David Akellian dự định đi du lịch vòng quanh thế giới khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông sẽ phải lên máy bay nếu làm như vậy. Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra, ông nhanh chóng tìm đến một cách thức di chuyển khác và mua một chiếc du thuyền dài gần 16m

Akellian (61 tuổi) là cựu giám đốc quản lý tài sản của Refinitiv, luôn sử dụng du thuyền trong những chuyến đi của mình và vẫn có kế hoạch mua một chiếc. Khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở phía bắc New Jersey, gia đình ông có một chiếc thuyền buồm và dành nhiều thời gian di chuyển trên Long Island Sound.

Khi đại dịch xảy ra, ông Akellian cùng vợ là Susan đã rời căn nhà 3 phòng ngủ ở Wyckoff để sống hàng tuần hay thậm chí hàng tháng trên du thuyền. 2 người di chuyển đến Bahamas và thường xuyên dừng ở bến du thuyền ở Jupiter (Florida), sau đó đi ngược lên Bờ biển phía Đông vào mùa hè, tạm dừng ở Georgia và South Carolina, đi qua Chesapeake và cuối cùng cập bến Connecticut.

Chiếc du thuyền của Akellian trị giá 1,9 triệu USD, được ông mua vào tháng 7 năm ngoái và do hãng Absolute Yatch chế tạo. Con thuyền có 3 phòng ngủ, sân rộng, ghế salon lớn với view 360 độ cùng phòng trưng bày ngoài trời và bàn ăn. Chiếc Navetta 52 này được thiết kế để du ngoạn trên biển, có trần cao và cửa sổ rộng. Động cơ thuyền đơn giản để ông Akellian có thể vận hành mà không cần thủy thủ đoàn.

Akellian cho biết: "Tôi có đủ khả năng mua một ngôi nhà 2 triệu đô ở Jupiter hoặc chiếc thuyền trị giá tương đương, có thể đi nhiều nơi và khám phá nhiều địa điểm. Về mặt kinh tế thì việc mua du thuyền rất hợp lý."

Thú vui mới của giới siêu giàu: Không thiếu tiền mua nhà nhưng chấp nhận đánh đổi cuộc sống ở đất liền để lênh đênh trên biển - Ảnh 1.

Du thuyền của vợ chồng ông Akellian.

Sống một thời gian dài trên du thuyền từ lâu đã là "thú vui" của những người siêu giàu như David Geffen - nhà đồng sáng lập DreamWorks. Khi đại dịch kéo dài, sở thích này ngày càng trở nên phổ biến trong một nhóm nhỏ những người giàu có, có đủ khả năng tìm đến cách đi du lịch ít rủi ro.

Jim Dixon của Winch Design - một công ty thiết kế quốc tế làm việc trong các dự án du thuyền, cho biết: "Rất nhiều khách hàng của chúng tôi muốn tìm đến nơi trú ẩn an toàn, nơi có sự riêng tư, họ có thể tránh xa những nơi đông đúc và thấy an toàn với gia đình mình."

Theo Boat International, số lượng đơn đặt hàng du thuyền trong 3 năm qua đã tăng mạnh. Công ty bán du thuyền phát cho biết, vào cuối tháng 12/2021, 1.024 chiếc du chuyền đã được đặt hàng sản xuất cho năm tiếp theo, tăng gần 25% so với cuối năm 2020. Số lượng du thuyền mới tâng vọt và những chủ sở hữu mớn đang khiến hoạt động đóng tàu trên toàn cầu gặp nhiều cản trở.

Đại dịch thay đổi cách giới siêu giàu đi du lịch

Hiện tại nhiều đơn hàng vẫn chưa được xử lý, cùng với đó là những vấn đề về chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của Covid và chiến sự ở Ukraine. Trong khi đó, Dixon cho biết, nhiều dự án mới mà ông nhận bây giờ có thể phải đến năm 2026 hay 2027 mới hoàn thành.

Khi đại dịch bùng phát, nhà phát triển bất động sản Gil Dezer (47 tuổi) đã may mắn sở hữu chiếc du thuyền Sunseeker Predator dài 26,5m có khả năng đi 45 dặm/giờ. Ông mua nó với giá 7,7 triệu USD vào năm 2010. Vào lúc đại dịch lên đến đỉnh điểm, ông và bạn gái đôi khi đi tới 200-250 dặm/ngày. Dezer chia sẻ, đôi khi 2 con của ông cũng đi cùng và học qua Zoom trên tàu.

Ông nói: "Trước đây, chúng tôi đi chơi mỗi tháng 1 lần trong 3 ngày hoặc lâu hơn. Nhưng khi bị mắc kẹt trong nhà vì Covid-19, chiếc du thuyền là vị cứu tinh. Chúng tôi đã sử dụng nó nhiều lần và đi lên Bờ biển phía Đông để đến đảo Martha’s Vineyard."

Thú vui mới của giới siêu giàu: Không thiếu tiền mua nhà nhưng chấp nhận đánh đổi cuộc sống ở đất liền để lênh đênh trên biển - Ảnh 2.

Vural Ak.

Song, ngay cả những người đã sở hữu một chiếc du thuyền cũng bị ảnh hưởng bởi những vấn đề về chuỗi cung ứng. Ông Akellian cho biết, ông đã tìm kiếm trong vài tuần để mua một chiếc thuyền bơm hơi nhỏ. Nhưng một nhà sản xuất sản phẩm này lại ở Ukraine nên việc mua hiện tại là gần như không thể. Khi tìm được một chiếc khác, nó lại được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ và phải mất hơn 1 tháng để vận chuyển.

Vural Ak - doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ 54 tuổi, đã hoàn thiện chiếc du thuyền của mình, dài hơn 85m vào năm ngoái và đặt tên Victorious. Ak trước đó thường sống ở Istanbul. Hiện tại, ông dự định dành 4-5 tháng mỗi năm trên du thuyền.

Chiếc Victorious có thể di chuyển khoảng 15.000 dặm và kho chứa thức ăn đủ để sử dụng trong 6 tháng trên biển. Du thuyền này có phòng dành riêng cho câu lạc bộ quý ông, khu tắm biển, phòng gym, massage, spa, phòng tắm kiểu hamma và phòng chơi cho trẻ em, cùng 1 khu làm việc có thể thay đổi thành không gian sinh hoạt cho cả gia đình. Mỗi lần sử dụng toàn bộ công năng của Victorious sẽ tiêu tốn của Ak tới 100 triệu USD.

Thú vui mới của giới siêu giàu: Không thiếu tiền mua nhà nhưng chấp nhận đánh đổi cuộc sống ở đất liền để lênh đênh trên biển - Ảnh 3.

Doanh nhân Vural Ak đã hoàn thiện chiếc siêu du thuyền tại một xưởng đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hành trình xây dựng chiếc siêu du thuyền của Ak diễn ra từ trước đại dịch. Ông đã mua một chiếc du thuyền chưa hoàn thiện từ Graeme Hart - người giàu nhất New Zealand, vào năm 2016. Sau đó, Ak tìm kiếm một xưởng đóng tàu có thể hoàn thiện "công trình" theo đúng mong muốn của mình. Cuối cùng, Ak đã phải thành lập công ty đóng tàu riêng ở Istabul.

Dù nhiều người nói rằng ông "mất trí" khi làm vậy, nhưng liên doanh mới lại mang lại cơ hội lớn cho ông khi giới siêu giàu "thèm khát" du thuyền. Sau khi đưa con thuyền của mình đến triển lãm ở Monaca vào đầu năm nay, ông đã nhận được 4 hợp đồng đóng du thuyền. Song, do chuỗi cung ứng gián đoạn, sản phẩm phải mất nhiều tháng mới đến tay khách hàng.

Thú vui mới của giới siêu giàu: Không thiếu tiền mua nhà nhưng chấp nhận đánh đổi cuộc sống ở đất liền để lênh đênh trên biển - Ảnh 4.

Bể bơi trên siêu du thuyền Victorious.

Zaniz Jakubowski - nhà thiết kế du thuyền tại London, cho biết cô cũng nhận thấy ngày càng nhiều khách hàng đang tìm cách tận dụng tối đa công năng của du thuyền. Họ đã hỏi về những cải tiến mới nhất về việc sử dụng hiệu quả nhiên liệu, hệ thống xử lý nước thải. Khách hàng cũng quan tâm nhiều hơn đến tốc độ wifi để phục vụ cho quá trình làm việc từ xa.

Zaniz chia sẻ dự án gần đây nhất của cô. Đó là một siêu du thuyền sang trọng, có một văn phòng cùng phòng trợ lý riêng. Dự án này còn bao gồm sân bay trực thăng ngay bên ngoài văn phòng để khách hàng đến họp mà không cần di chuyển khắp du thuyền. Cô cũng thiết kế một loạt phòng đông lạnh, bao gồm phòng bảo quản hoa và tủ đông để dự trữ kem.

Lênh đênh trên biển cũng "sinh" nhiều vấn đề

Akellian cho biết đương nhiên cũng có những mặt hạn chế khi ở một thời gian dài trên biển, đặc biệt là nếu đó không phải là siêu du thuyền. Chiếc thuyền của ông không có máy rửa bát nên ông phải tự làm mọi thứ và hạn chế tối đa xoong, nồi. Ông cũng không có lò nướng nên phải dùng bếp và lò vi sóng. Đối với việc giặt là, ông sẽ mang đến tiệm giặt khi chuyến đi kết thúc vì máy giặt trên tàu không đủ công suất.

Thú vui mới của giới siêu giàu: Không thiếu tiền mua nhà nhưng chấp nhận đánh đổi cuộc sống ở đất liền để lênh đênh trên biển - Ảnh 5.

Phòng ngủ của chiếc Victorious.

Một điều không thể tránh khỏi là áp lực của nước đối với con tàu. Dezer cho biết, ông đã phải đưa du thuyền của mình đến cửa hàng sửa chữa vào cuối năm ngoái vì bị móp. Dự kiến, tháng tới ông mới được sử dụng lại.

Trên thị trường siêu du thuyền, một số người lo ngại về việc phương Tây tịch thu các siêu du thuyền của những nhà tài phiệt Nga. Song, nhiều người lại kỳ vọng rằng thị trường có thể hạ nhiệt nếu những chiếc du thuyền bị tịch thu được bán lại.

Một số yếu tố khác có thể tạo bất cập cho việc sử dụng du thuyền đó là giá nhiên liệu biến động. Một số người chia sẻ trong nhóm yêu thích du thuyền rằng: "Khi đốt động cơ cả ngày, bạn đến bến tàu để tiếp nhiên liệu và mất tới 800 USD. Con số này còn lớn hơn chi phí cho chiếc ô tô đầu tiên của tôi."

Tham khảo WSJ

Theo Chi Lan

Cùng chuyên mục
XEM