Thứ trưởng KHCN hỏi sếp Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Có tính đổi tên công ty sau 6 thập kỷ, khi ‘phích nước’ chẳng còn quan trọng như xưa?

05/11/2021 09:06 AM | Kinh doanh

Vài thập kỷ trước, phích nước Rạng Đông cũng giống như bếp dầu hay bếp điện Liên Xô, nhà nào có cũng được coi là khá giả, thậm chí đó còn là món ‘quà cưới huyền thoại’ thời bao cấp. Tuy nhiên, tầm quan trọng của chiếc phích trong mỗi gia đình không còn như xưa, trong khi Bóng đèn Phích nước Rạng Đông vẫn kiên trì giữ nguyên cái tên đi liền đã 6 thập kỷ...

Phích Rạng Đông trong một bộ thiết kế đồ họa các sản phẩm thời bao cấp. ẢNH: ĐỒ HỌA CỦA HỌA SĨ NGUYỄN LONG HƯNG.
Phích Rạng Đông trong một bộ thiết kế đồ họa các sản phẩm thời bao cấp. ẢNH: ĐỒ HỌA CỦA HỌA SĨ NGUYỄN LONG HƯNG.

Chia sẻ tại Lễ công bố các báo cáo về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn & Phích nước Rạng Đông - cho rằng thách thức đầu tiên trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là Nhận thức.

"Muốn khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển chủ yếu thì tổ chức đầu tiên cần hay đổi chiến lược, mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh và thay đổi cơ chế điều hành. Tức, phải thay đổi cách làm việc, thay đổi thói quen".

"Thay đổi thói quen của một con người còn khó, thay đổi thói quen của cả một tập thể càng khó hơn, thậm chí bước đầu phải sử dụng các biện pháp hành chính", ông Kết cho biết.

Thứ trưởng KHCN hỏi sếp Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Có tính đổi tên công ty sau 6 thập kỷ, khi ‘phích nước’ chẳng còn quan trọng như xưa? - Ảnh 1.

Kiên trì với con đường đổi mới sáng tạo, doanh thu 9 tháng/2021 của Rạng Đông là 3.450 tỷ đồng, trong khi Điện Quang chỉ đạt 478 tỷ đồng.

Trước nội dung này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy bất ngờ hỏi ngược lại phía Rạng Đông: "Anh nói khó khăn đầu tiên trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo là phải thay đổi cách nghĩ, thay đổi tư duy... Vậy các anh có bao giờ nghĩ đến thay tên doanh nghiệp - CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông?"

"Phích nước là một món đồ mà mỗi gia đình rất cần để giữ nước nóng trong mọi hộ gia đình, nhưng đến giờ có thể đấy không phải vấn đề. Các anh có nghĩ nên đổi tên để rẽ một hướng khác hay phát triển mạnh dạn hơn?"

CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được thành lập năm 1961, với tên gọi ban đầu là Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông. Cụm tên "Bóng đèn và Phích nước" cứ thế đi theo Rạng Đông từ lúc chuyển thành công ty đến khi cổ phần hóa, và đến nay đã được 6 thập kỷ.

Thứ trưởng KHCN hỏi sếp Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Có tính đổi tên công ty sau 6 thập kỷ, khi ‘phích nước’ chẳng còn quan trọng như xưa? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (thứ 2 từ trái sang) và Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn & Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết (thứ 3 từ trái sang) tại sự kiện.

Về năng lực sản xuất, Rạng Đông giới thiệu có thể sản xuất được 32 triệu phích nước và ruột phích/năm, thiết bị chiếu sáng và đèn bàn sản xuất được ở mức 5 triệu, còn đèn LED năng lực sản xuất tới 100 triệu sản phẩm/năm.

Nếu cứ giữ mô hình cũ, tăng trưởng tiệm tiến khoảng 5 - 10% mỗi năm, trong khi khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với Singapore, Malaysia, Thái Lan còn rất xa

Trả lời câu hỏi có nên mạnh dạn đổi tên doanh nghiệp của Thứ trưởng Duy, Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cho biết: "Dù xuất khẩu sang 47 nước với brand khác nhau nhưng thương hiệu Rạng Đông có lẽ chúng tôi chưa có ý định thay đổi".

"Mặc dù đang chú trọng đầu tư phát triển bằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và đặc biêt là chuyển đổi số, những chủ trương như vậy ở Rạng Đông thể hiện bằng kết quả kinh doanh".

Báo cáo thường niên 2020 của Rạng Đông (RAL) cho biết, 2020 là năm đầu tiên doanh nghiệp này chuyển đổi số, nhắm mốc 2030 trở thành doanh nghiệp tỷ USD, đưa thương hiệu Rạng Đông lên tầm khu vực.

"Nếu cứ giữ mô hình cũ, tăng trưởng tiệm tiến khoảng 5 - 10% mỗi năm, trong khi khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với 3 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan) còn rất xa, chưa nói so với các nước phát triển. Chỉ với chuyển đổi số - Mô hình tăng trưởng theo cấp số nhân, mới hy vọng chúng ta đuổi kịp", Báo cáo thường niên của RAL cho hay.

Thực tế, theo ông Kết, ngay từ năm 2009, Rạng Đông đã liên kết, hợp tác đầu tư khoa học công nghệ với các trường ĐH lớn như ĐH Bách Khoa Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ĐH Quốc gia TPHCM, Học viện Nông nghiệp Việt Nam... Hiện Rạng Đông có 3 trung tâm nghiên cứu, gồm:

- Trung tâm Nghiên cứu về Ánh sáng - LED Lighting R&D Center: Chuyên nghiên cứu ứng dụng các lĩnh vực vật lý, vật liệu, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo

- Digital R&D Center: Chuyên nghiên cứu về công nghệ số, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của công nghệ số như vạn vật kết nối (IOT), Dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây..., tích hợp vào sản phẩm và hệ sinh thái sản phẩm 4.0 của doanh nghiệp

- Trung tâm Nghiên cứu Phát triển các mô hình kinh doanh trên các nền tảng thương mại số.

"Với những chủ trương như vậy, trong 32 năm liên tục, kết quả của chúng tôi doanh thu năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt trong giai đoạn 2020 - 2021, khi Covid-19 bùng phát, tốc độ tăng trưởng 2020 vẫn tăng trưởng 15,8% so với năm trước, lợi nhuận tăng 17,6%. 9 tháng đầu năm 2021, mặc dù đợt dịch bùng phát lần thứ 4, chúng tôi vẫn tăng trưởng doanh thu 12,8%, lợi nhuận tăng 11,8%, xuất khẩu vẫn tăng 4 - 7%", ông Kết nói.

So với đối thủ cùng ngành - Điện Quang, Rạng Đông quả thực đã có bước tiến rất xa. 9 tháng đầu năm 2021, cùng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, doanh thu của Rạng Đông vẫn tăng trưởng 2 chữ số, ở mức 3.450 tỷ đồng, trong khi Điện Quang sa sút, chỉ đạt 478 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với cùng kỳ.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM