Thứ trưởng KHCN Bùi Thế Duy: Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mới dùng công nghệ 1.0 và 2.0, còn cách 4.0 rất xa!

03/11/2021 20:49 PM | Kinh doanh

Hầu hết doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mới dừng ở công nghệ 1.0 và 2.0. Công nghệ 1.0, tức là mới dừng ở sản xuất bằng tay, lên công nghệ 2.0 là có áp dụng sản xuất tự động nhưng chưa kết nối máy tính, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy.

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy.
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy.

"Có sự mất cân đối giữa nghiên cứu phát triển tạo ra tri thức so với việc còn thiếu đầu tư vào năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Lượng tri thức được tạo ra đang bị chia cắt với tính hiệu quả giúp cho doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng kinh tế", ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - cho biết tại Lễ Công bố Các Báo cáo Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo.

Một hiện trạng khác, theo Thứ trưởng Duy, trong khi doanh nghiệp dịch vụ và tài chính ứng dụng đổi mới công nghệ rất tốt, thì nhóm doanh nghiệp sản xuất phần lớn vẫn sử dụng công nghệ 1.0 và 2.0.

"Công nghệ 1.0 tức là sản xuất bằng tay, 2.0 là sản xuất tự động nhưng chưa kết nối máy tính, tức cách rất xa mức 4.0 – có dữ liệu, tự động hóa, tối ưu hóa quá trình. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất của chúng ta tập trung là ở nhóm 1.0 và 2.0", Thứ trưởng Duy nói.

"Cần một sự đầu tư rất lớn cũng như tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất cũng như doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ dám đổi mới công nghệ, phát triển bền vững hơn. Những doanh nghiệp như Rạng Đông, Sơn Hà, Abivin, Sao Thái Dương…, khi có quá trình đổi mới công nghệ lâu dài và bền vững, dù Covid xảy ra thì họ vẫn duy trì phát triển, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng rất tốt".

Theo Báo cáo "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam", chỉ có 29% doanh nghiệp sử dụng máy móc được điều khiển bởi máy tính, công nghệ kỹ thuật số của Công nghiệp 3.0 - và chỉ 8,7% sử dụng công nghệ này một cách tích cực, hiệu quả.

Thứ trưởng KHCN Bùi Thế Duy: Doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mới dùng công nghệ 1.0 và 2.0, còn cách 4.0 rất xa! - Ảnh 1.

"Đây là vấn đề đáng quan ngại", nhóm tác giả nhận định.

Kết quả cho thấy vẫn còn khoảng cách đáng kể để bắt kịp mức độ phát triển công nghệ cao nhất và khó có cơ hội lớn thu hẹp khoảng cách và phát triển nhảy vọt. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tích lũy năng lực đổi mới, trước hết thông qua chuyển đổi các quy trình sang sử dụng các công nghệ kỹ thuật số sau đó tiến tới các công nghệ công nghiệp 4.0 phức tạp hơn. Lợi ích mang lại từ hoạt động này có thể rất lớn.

Việt Nam nên chuyển từ tạo ra công nghệ sang thúc đẩy hấp thụ công nghệ

Một điểm yếu khác ở doanh nghiệp Việt Nam là năng lực quản trị, tư duy đổi mới kinh doanh chưa theo kịp so với dây chuyền sản xuất mua về. Tức, đổi mới công nghệ thì tốt, nhưng đổi mới sáng tạo "phi nghiên cứu và phát triển" chưa theo kịp, dẫn tới việc chưa tận dụng tối đa sức mạnh của đổi mới sáng tạo để phát triển doanh nghiệp.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: "Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam".

Báo cáo "Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam" đưa ra khuyến nghị Việt Nam nên tái cân đối chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của mình, chuyển từ tập trung đầu tư tạo ra công nghệ tiên tiến sang thúc đẩy hấp thụ và phổ biến công nghệ giữa nhóm các doanh nghiệp.

Sự lan tỏa công nghệ - không chỉ là nghiên cứu và phát triển - có thể mang lại hiệu quả năng suất và chuyển đổi kinh tế đáng kể. Đây chính là điểm mà các can thiệp chính sách và hỗ trợ từ Chính phủ có thể mang lại lợi ích lớn nhất.

Tác động của việc hấp thụ công nghệ cũng được định lượng rõ ràng trong báo cáo "Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế" do CSIRO, cơ quan khoa học quốc gia Australia và các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng thực hiện.

Bằng cách áp dụng các mô hình kinh tế vào cơ sở dữ liệu rộng lớn về việc hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố công nghệ đóng góp hơn 50% tổng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2019.

Báo cáo là nguồn tham khảo chính sách quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và cho thấy tính hiệu quả và nhân tố đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế so với vốn và lao động giá rẻ.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM