Thứ trưởng cũng cần phải thi tuyển

09/05/2018 14:44 PM | Xã hội

Nhận xét về đề án xây dựng cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược được trình tại Hội nghị Trung ương 7, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng cấp thứ trưởng cũng cần phải thi tuyển.

Trả lời phỏng vấn PV VTC News, ông Lê Thanh Vân, ĐBQH Khóa 14, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng cấp thứ trưởng chưa phải là cán bộ chiến lược và nên thông qua thi tuyển.

- Một vấn đề đang được dư luận quan tâm là trong đề án về nhân sự trình Hội nghị Trung ương 7 lần này có quy định bí thư huyện, bí tỉnh tỉnh sẽ không phải là người địa phương?

Thứ nhất, trong Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2014 đã quy định rất rõ về điều này.

Cụ thể, có 9 đối tượng lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh thuộc diện phải luân chuyển công tác và không phải là người địa phương, đó là: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Giám đốc công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân nhân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục thuế tỉnh và Chi cục trưởng Chi cục hải quan tỉnh.

Tất cả đều đã có quy định rất rõ ràng nhưng tiếc là sau khi chỉ thị được ban hành lại không được thực hiện đồng bộ.

Thứ trưởng cũng cần phải thi tuyển - Ảnh 1.

Hội nghị Trung ương 7 tập trung vào vấn đề nhân sự.


Năm 2014, khi tôi được Trung ương chỉ đạo luân chuyển về làm Phó bí thư tỉnh Hải Dương theo chỉ thị này, người dân và cán bộ địa phương rất phấn khởi vì cho rằng chỉ thị này là hợp lý.

Tiếc là chỉ có một số địa phương bố trí được cán bộ luân chuyển theo tinh thần của chỉ thị trên, còn lại, nhìn chung vẫn chưa thực hiện nhất quán được trên cả nước.

Đề án nhân sự trình Hội nghị Trung ương 7 nhắc đến vấn đề này tôi cho rằng không có gì mới mẻ. Thực chất chỉ là củng cố và quyết tâm thực hiện với một lập trường nhất quán hơn.

Thứ hai, nhìn rộng ra trong lịch sử, thời phong kiến đã đưa ra và thực hiện “luật hồi tỵ”. Luật này quy định nhiều nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, về bổ nhiệm quan lại. Trong đó, luật quy định: quan lại ở địa phương nào thì không được làm việc với địa phương đó mà phải chuyển đi nơi khác.

Vậy nên, việc này đã được thực hiện từ rất lâu trong lịch sử, chỉ có sau này chúng ta không thực hiện mà thôi.

- Nhưng rõ ràng nếu thực hiện tốt vấn đề này thì sẽ khắc phục rất nhiều vụ việc "cả họ làm quan" như báo chí phản ánh thời gian qua, thưa ông?

Chỉ thị này nếu được thực hiện tốt sẽ ngăn chặn phần nào tình trạng “cả họ làm quan”, đưa người nhà, con cháu vào bộ máy để kéo bè kết cánh.

Khi làm việc, cán bộ sẽ buộc phải khách quan hơn rất nhiều bởi một người từ nơi khác đến nhậm chức ở địa phương rõ ràng sẽ không có những mối quan hệ thân thiết để nhờ vả, nâng đỡ...

- Ban soạn thảo Đề án cũng đề xuất xây dựng chiến lược quốc gia về nhân tài theo hướng không phân biệt Đảng viên hay người ngoài Đảng. Phải chăng đó là bước đột phá, thưa ông?

Tôi cho rằng vấn đề này cũng không phải là mới bởi sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khi bắt đầu xây dựng thể chế chính trị của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cũng đã trọng dụng và tiến cử cho Quốc hội những nhân sĩ, trí thức có tài, có tâm nhưng không phải là đảng viên.

Nên phải thấy là quy định này không phải là nặng về tiêu chuẩn về tiêu chí là người trong Đảng mà có những vị trí cần phải có những người đảm bảo được các tiêu chí về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để họ có đủ điều kiện để đảm nhiệm công việc.

- Về quy định thi tuyển 30% cán bộ viên chức, để hiện thực hóa điều này cần những giải pháp gì, thưa ông?

Trung ương đặt ra mục tiêu tỷ lệ cán bộ được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đạt 30% đối với các Bộ, ngành và lựa chọn đơn vị thực hiện nhưng sắp tới sẽ mở rộng hơn, tổ chức thi tuyển tất cả các chức danh vụ trưởng, trưởng phòng. Theo tôi, điều này là cần thiết.

Tuy nhiên, để thực hiện được quy định này, cần phải có lộ trình, giải pháp và cách thức cụ thể. Quy định phải được cụ thể hoá bằng văn bản chỉ đạo. Cần phải xem tiêu chuẩn đánh giá, bình xét cán bộ thực hiện như thế nào?

Tiêu chuẩn phải hướng tới sự thực chứng về năng lực và đạo đức, không thể quy định chung chung về tiêu chuẩn bằng cấp, tiêu chuẩn tín nhiệm như hiện nay.

Nếu đặt ra tiêu chuẩn quá thiên về bằng cấp, người ta thể mua bán bằng cấp, lấy bằng của người khác đứng tên mình, khai man tuổi.

Thứ trưởng cũng cần phải thi tuyển - Ảnh 2.

Thứ trưởng không phải là chính trị gia mà họ chỉ là người đóng vai trò cải thiện, thực hiện chính sách do chính trị gia đề ra nên những người đó đòi hỏi phải qua thi tuyển.

ĐBQH Lê Thanh Vân

Tiêu chuẩn bằng phiếu tín nhiệm cũng không chính xác, bởi thực tế, hiện nay nhiều người còn mua phiếu, gian lận phiếu, vận động ngầm.

Do đó, khi chọn cán bộ phải thi tuyển để xác định trình độ.

Đối với chức vụ bổ nhiệm và chức vụ bầu cử, dứt khoát phải có cạnh tranh, cụ thể bầu cử hay đề cử ít nhất là phải hai người.

Khi có sự cạnh tranh, bắt buộc những người được bầu, được đề cử phải trình bày ý tưởng, các chương trình hành động, cam kết của người đó với tập thể; các ý tưởng, hành động đó có thuyết phục được tập thể, có luận chứng, luận cứ đầy đủ và khoa học hay không.

Từ đó, dựa vào năng lực thực sự của họ để người khác lựa chọn bỏ phiếu bầu.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện cơ chế giám sát cán bộ, phải giám sát được toàn bộ quá trình lựa chọn, bổ nhiệm đến quá trình làm việc của cán bộ.

Cán bộ sau khi được bổ nhiệm vẫn phải sát hạch thường xuyên, định kì để loại bỏ những cán bộ có tư tưởng chây ì, làm việc không hiệu quả.

- Cán bộ cấp chiến lược được xem là trọng tâm của đề án cán bộ trình Hội nghị Trung ương 7, thưa ông?

Theo tôi, điểm mới trong đề án lần này ngoài việc đánh giá thực trạng trong nước, về mặt giải pháp có nhiều điểm mang tính "cách mạng".

Thứ nhất, trong đề án nhân sự trình Hội nghị Trung ương 7 lần này đã xác định rõ cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược gồm những đối tượng cụ thể nào.

Tuy nhiên, có một điểm trong đề án mà cá nhân tôi không tán thành đó là quy định xác định cán bộ cấp chiến lược, hiểu chung là từ cấp thứ trưởng và tương đương thứ trưởng trở lên vẫn chưa đúng.

Thứ trưởng là các chức danh hành chính có tính chất thực thi chính sách, thực thi pháp luật, nghĩa là người chấp hành chứ không phải người khởi xướng chính sách và đề xuất chính sách.

Họ không phải là chính trị gia, họ chỉ là người đóng vai trò cải thiện, thực hiện chính sách do chính trị gia đề ra nên những người đó đòi hỏi phải qua thi tuyển.

Họ chỉ có vai trò là vệ tinh cho việc thực thi chính sách và giúp cho quy trình vận hành bộ máy hiệu quả. Nếu gặp phải trở ngại trong quá trình điều hành, họ có quyền đề xuất lên trên để sửa đổi, ban hành chính sách mới chứ không phải là chính trị gia, người quyết định chính sách.

Cho nên, đối tượng này theo tôi không thể gọi là cán bộ chiến lược dù trong thực tiễn vẫn có những người xuất thân từ cán bộ hành chính trở thành chính trị gia.

Thứ hai, đề án lần này cũng xác định được tổ chức quản lý cán bộ, phân tầng cán bộ một cách cụ thể. Về điểm này trong phần góp ý tham luận, tôi cũng ghi rõ trong thư kiến nghị gửi cho đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong đó nói góp ý và phân tích rõ về điều này.

Thứ ba, đó là đề án lần này đã tiêu chuẩn hóa được nhân sự cho từng cấp. Tất nhiên, đây mới chỉ là hướng đi, còn cụ thể hóa, thực hiện hoá lại một câu chuyện khác.

- Thực tế cho thấy, đề án xây dựng cán bộ cũng như những quy định, hệ thống tiêu chuẩn về các cấp cán bộ đã được xây dựng và thực hiện từ nhiều khóa trước, tuy nhiên nhiều năm qua, công tác cán bộ của ta vẫn còn những bất cập. Vậy mấu chốt vấn đề ở đây là gì, thưa ông?

Mấu chốt là phải có sự giám sát, kiểm soát quyền lực. Muốn giám sát tốt thì phải xây dựng được cơ chế hoàn chỉnh.

Đầu tiên, cần phải có tính tự giác của chính cán bộ được đề cử, bầu cử. Chưa nói đến chuyện chạy chức, chạy quyền, “cửa sau” mà ngay cả những người được đề cử phải tự đánh giá mình có đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để đảm nhiệm vị trí, chức vụ được đề cử hay không.

Có thể là được đề cử nhưng tự mình cảm thấy năng lực của bản thân hạn chế, chưa tương xứng thì tốt nhất nên rút ra khỏi sự tiến cử.

Ngoài ra, cũng cần phải nói đến cái tâm của người bỏ phiếu kín và người chấm điểm cán bộ. Khi chấm điểm, đánh giá, bỏ phiếu hay tiến cử cán bộ, phải xuất phát vì lợi ích chung chứ không thể vì lợi ích bản thân, gia đình, lợi ích nhóm mà bẻ cong quy định, hợp thức hóa quy trình bổ nhiệm cán bộ bằng mọi giá.

Về kiểm soát quyền lực, chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật đó là tổ chức bộ máy theo mô hình nhất nguyên, tức là một đảng lãnh đạo. Do đó, cơ chế kiểm soát quyền lực cũng cần phải xây dựng dựa trên đặc thù của thể chế.

Vấn đề này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng đề cập, phải kiểm soát quyền lực phải bằng cơ chế, bằng luật pháp. Cụ thể hơn nữa, Tổng Bí thư còn hàm ý rằng phải làm sao để cho cán bộ không dám chạy chức chạy quyền, không thèm muốn chức vụ.

Để người ta không “cả thèm” chạy chức, chạy quyền, theo tôi cần phải bài bỏ hết những đặc quyền, đặc lợi đối với cán bộ. Chỉ như thế cán bộ mới không còn lòng tham nữa.

Những chế độ đãi ngộ đối với cán bộ chỉ nên áp dụng với những lãnh đạo cao cấp, những vị trí trụ cột quốc gia để đáp ứng yêu cầu đối ngoại, còn những đặc quyền, đặc lợi đối với cán bộ cấp dưới không cần thiết thì nên xóa bỏ.

Khi đặc quyền, đặc lợi của cán bộ không còn nữa thì tâm lý làm quan để ăn, để vơ vét cũng sẽ không còn, thay vào đó sẽ là làm quan vì lòng yêu nước, vì khát khao cống hiến.

Thứ hai, để không thể tham nhũng thì phải định nghĩa được các tiêu chuẩn cho cán bộ. Khi họ "ngóc đầu" lên thì thấy rằng đó là tiêu chuẩn quá cao so với bản thân mình. Bởi nếu có được vị trí đó bằng gian lận, mua bán thì lúc ngồi trên "ghế" đó thì pháp luật không để yên. Vì thế mà họ mới khiếp sợ không dám mon men tới chức vụ đó.

Thứ 3, để không dám tham nhũng thì phần lớn phải do quy trình tuyển chọn. Cần xác định rõ trách nhiệm người giới thiệu, đánh giá, thẩm định, bỏ phiếu...Ví dự tiến cử nhầm người thì cũng bị trừng phạt ngay, thậm chí trừng phạt nặng hơn người vi phạm.

Việc đưa hành vi lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm cán bộ vào làm một trong những hành vi tham nhũng và làm được như thế thì sẽ kiểm soát được quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ.

Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo Lưu Thủy

Cùng chuyên mục
XEM