Thu phí hạ tầng cảng biển: Cần thiết nhưng nên có lộ trình?

15/04/2022 20:50 PM | Kinh doanh

Sau 12 ngày thực hiện thu phí chính thức, TP HCM thu về 90 tỷ đồng từ hoạt động thu phí hạ tầng cảng biển.

Theo Cảng vụ đường thủy nội địa TP HCM, trong thời gian 1-12/4, đơn vị đã thu 90 tỷ đồng từ hệ thống 15 cảng biển trên địa bàn thành phố. Dự kiến đến hết năm nay, thành phố thu được 3.036 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày, số tiền thu được là 8,32 tỷ đồng. Như vậy, số phí thu được bình quân thực tế mỗi ngày gần đạt được so với phương án dự trù trước đó.

Thu phí tái đầu tư trong bối cảnh hạ tầng cảng biển quá tải

Về quy trình thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM, người nộp phí chỉ cần kê khai trực tuyến, hệ thống thu phí cảng biển sẽ tự động thông báo mức phí mà doanh nghiệp phải nộp. Sau khi doanh nghiệp nộp phí xong, biên lai điện tử sẽ tự động chia sẻ qua hệ thống cảng. Khi thấy khách hàng đã hoàn thành việc đóng các loại phí theo quy định, nhân viên sẽ mở cổng cho xe ra vào.

Trường hợp doanh nghiệp đã làm tờ khai thu phí nhưng chưa kịp nộp tiền, xe chở hàng vẫn ra cảng bình thường. Hải quan và cảng vụ sẽ tiến hành đối soát, gửi thông báo chưa đóng phí cho doanh nghiệp. Việc xử lý như trên để không làm ảnh hưởng tới vận chuyển hàng hóa ra vào cảng.

Theo Sở Giao thông vận tải, đến năm 2025 nguồn thu phí hạ tầng cảng biển dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được dùng để đầu tư mới, tái đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông ra, vào cảng biển, nhằm giải quyết bài toán kẹt xe trong điều kiện thành phố đăng gặp khó về nguồn vốn đầu tư công, sau dịch Covid-19.

Thu phí hạ tầng cảng biển: Cần thiết nhưng nên có lộ trình? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp vẫn mong hoãn thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP HCM đến hết năm. Ảnh minh họa: Vietnamnet

Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, thành phố có hệ thống cảng biển lẫn lượng hàng hóa lưu thông đứng đầu cả nước, với sản lượng hàng hóa thông quan 170 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 8%. Tuy nhiên, hệ thống giao thông kết nối các cảng đang bị đánh giá là tệ nhất, do còn nhiều yếu tố bị lãng phí. Hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay vừa quá tải lại và không đáp ứng năng lực vận chuyển ngày càng tăng, gây ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông, gây lãng phí rất lớn cho ngành vận tải hàng hóa, kìm hãm sự phát triển của Thành phố.

Đồng thời, việc thiếu kho hàng chuyên dụng, thiếu phương tiện vận chuyển, thiếu sự tập trung quy mô cho từng ngành cũng hạn chế năng lực sẵn có của thành phố.

Việc thu phí hạ tầng cảng biển từ 1/4 được coi là giải pháp để tạo nguồn thu từ đó tái cơ cấu, xây dựng hạ tầng, phát triển giao thông cảng biển đem đến lợi thế cạnh tranh xứng tầm cho khu vực cảng biển TP HCM.

Dự kiến các dự án kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển có tổng mức đầu tư khoảng 93.247 tỷ đồng giai đoạn 2020-2030. Như vậy, nguồn thu từ hạ tầng cảng biển mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đầu tư của thành phố.

Cân nhắc lộ trình thu phí?

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng về mặt lâu dài việc thu phí để tái đầu tư hạ tầng là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, cộng thêm chi phí sản xuất đầu vào như giá xăng dầu đang tăng cao thì nên cân nhắc, tính toán lộ trình cho phù hợp hoặc giảm tối đa mức thu có thể.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp nói chung và ngành logistics nói riêng đã chịu thiệt hại đáng kể sau dịch Covid-19. Hiện doanh nghiệp đang trong quá trình khôi phục và đang cố gắng phục hồi. Việc thu phí hạ tầng cảng biển đối với hàng hóa cộng thêm chi phí sản xuất đầu vào tăng cao như vừa qua đang làm chậm quá trình phục hồi của doanh nghiệp.

Đầu tháng trước, 7 hiệp hội ngành nghề trong đó có Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng có kiến nghị tập thể gửi đến Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và HĐND, UBND TP HCM đề xuất chưa thu phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố.

7 hiệp hội cho rằng mức phí thấp nhất 15.000 đồng/tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TP HCM) và phí cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu), là khá cao. Trong khi đó, thời gian áp dụng chưa phù hợp.

Vừa qua, doanh nghiệp trên địa bàn TP HCM nói riêng và các địa phương lân cận nói chung đều phải ngừng hoặc hoạt động cầm chừng vì dịch bệnh. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả nhiều khoản như lương cho công nhận, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho… do không xuất khẩu, hay không bán được hàng. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, 7 hiệp hội ngành hàng kiến nghị chưa triển khai thực hiện thu các loại phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP HCM đến hết 31/12 năm nay, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cắt giảm chi phí, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ông Hiệp cũng đồng tình và cho rằng năm nay phí hạ tầng cảng biển trên địa bàn TP HCM nên được miễn và đề xuất thu 50% phí vào năm sau, như vậy mới giúp doanh nghiệp một phần trong quá trình phục hồi này.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Vận chuyển Thương mại Biển Xanh - đơn vị hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải, dịch vụ đại lý vận tải đường biển, đại lý tàu biển... cũng đồng tình chủ trương về dài hạn nhưng hiện tại nên tạm hoãn hoặc giảm chi phí tối đa có thể để doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch bệnh.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được quan tâm là thu và sử dụng nguồn thu hạ tầng cảng biển đảm bảo minh bạch, hợp lý. Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM cho rằng nguồn thu từ hạ tầng cảng biển phải được dùng để đầu tư đường vào cảng, đáp ứng việc giải tỏa hàng hóa cho cảng, nhà xuất khẩu giảm được chi phí vận chuyển. Khi thấy được những hiệu quả như vậy, doanh nghiệp, nhà xuất khẩu sẵn sàng đóng phí.

Theo lộ trình, TP HCM thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố từ 1/7/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND TP HCM đã lùi thời gian thực hiện thu phí đến 1/10/2021. Sau đó, trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, thành phố tiếp tục lùi đến 1/4/2022.

Ngày 17/2 vừa qua, UBND thành phố có văn bản về việc chạy thử hệ thống thu phí nhưng chưa thu tiền trong thời gian 17/2-15/3, trước khi đưa vào thu phí chính thức từ 1/4.

Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM