"Thủ phạm" gây ra đột quỵ sớm rất nhiều người Việt trẻ đang mắc: BS nhắc cần cảnh giác

08/12/2019 10:42 AM | Sống

Theo chuyên gia đột quỵ gia tăng theo lứa tuổi và thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay không hiếm những trường hợp bệnh nhân còn rất trẻ đã bị đột quỵ.

"Thủ phạm" gây ra đột quỵ sớm

Anh N.V.Th (37 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) làm công việc đầu bếp tại một nhà hàng. Ngày hôm đó hết ca làm việc anh Th ra bãi xe để đi về nhà thì đột ngột ngã ra đất. Anh Th nhanh chóng được đưa tới bệnh viện gần nhất cấp cứu, nhưng anh đã không qua khỏi. Anh Th qua đời do bị đột quỵ não.

Sự ra đi đột ngột của anh Th khiến cho cả gia đình anh rất bàng hoàng vì trước đó sức khoẻ của anh bình thường.

Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đột quỵ não gia tăng theo lứa tuổi, trước đây đột quỵ não thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhưng ngày nay có khoảng 25% ca đột quỵ lại xảy ra ở những người trẻ tuổi.

 Thủ phạm gây ra đột quỵ sớm rất nhiều người Việt trẻ đang mắc: BS nhắc cần cảnh giác - Ảnh 1.

Đột quỵ não gây tử vong thứ 2 sau bệnh lý tim mạch.

Đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau bệnh lý tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trên thế giới, là gánh nặng về kinh tế cho gia đình và xã hội.

Theo thống kê gánh nặng bệnh tật toàn cầu (2016), có khoảng 80,1 triệu người trên thế giới hiện mắc đột quỵ ở các lứa tuổi (chiếm khoảng 1,1% dân số), tỷ lệ nữ/nam: 1,05/1.

Tại châu Âu, có 90 - 290/100.000 người đột quỵ mới mắc hàng năm. Ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ngày một gia tăng và trẻ hóa, mỗi năm có hơn 230.000 người bị đột quỵ, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.

"Đột quỵ ở người trẻ đang có chiều hướng gia tăng đáng báo động, tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua. Đặc biệt đối với những người lạm dụng bia, rượu, thuốc lá, sử dụng các chất kích thích, tình trạng béo phì của dân văn phòng...", bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo.

Dấu hiệu đột quỵ não

- Người bệnh đột ngột tê hay yếu của mặt, tay hay chân, đặc biệt ở một nửa cơ thể

- Đột ngột lú lẫn, rối loạn hay không hiểu lời nói

- Đột ngột rối loạn thị giác ở một bên hay hai bên

- Đột ngột rối loạn việc đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng hay mất khả năng phối hợp động tác

- Đột ngột đau đầu nhiều không biết nguyên nhân...

Đột quỵ là cấp cứu y tế khẩn cấp, nếu nạn nhân không được can thiệp kịp thời có thể bị tàn phế, thậm chí tử vong. Khi bệnh nhân có những dấu hiệu đột quỵ cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu để được nhanh chóng vận chuyển tới bệnh viện an toàn.

Phòng tránh tàn phế và tử vong ở người trẻ

PGS.TS.BS Trương Quang Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết thêm, những năm gần đây, số lượng người bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa, không ít người đang trong độ tuổi lao động. Nguyên nhân có thể liên quan đến lối sống, chế độ ăn uống, luyện tập chưa phù hợp gây ra.

Tại Việt Nam, các bệnh lý về tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người mỗi năm, chiếm 1/4 tổng số trường hợp tử vong trong dân số.

Để phòng tránh bệnh tim mạch đang trẻ hoá chuyên gia khuyến cáo nên có lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, đầy đủ các chất dinh dưỡng, tập luyện đều đặn, tránh stress và giữ cân nặng lý tưởng để có thể giảm thiểu nguy cơ mắc những bệnh tim mạch chuyển hóa.

Bệnh lý tim mạch thường không có triệu chứng rõ ràng, vì vậy người dân cần phải đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ để tránh tai biến gây ra tàn phế, tử vong.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM