Thu nhập chỉ bằng nửa bạn trai, đây là cách phụ nữ Mỹ kiểm soát cả tài chính lẫn mối quan hệ

04/10/2016 14:33 PM | Kinh doanh

Mới đây, trang Business Insider đã thực hiện khảo sát với 500 phụ nữ và phát hiện ra rằng, trong các cuộc hẹn hò, phụ nữ thường muốn kết đôi với những người đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn họ.

Sau khảo sát này, tờ Business Insider đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Liz, nhà văn 30 tuổi sống tại Brooklyn với thu nhập 80.000 USD/năm, chỉ bằng 1/2 so với thu nhập của bạn trai là 160.000 USD/năm.

Hãy kể cho chúng tôi nghe về hai bạn. Các bạn đã hẹn hò bao lâu rồi?

Tôi gặp bạn trai tôi 5 năm trước qua trang web hẹn hò OkCupid. 1 năm trở lại đây, chúng tôi đã dọn về sống chung với nhau.

Khi mới yêu, vấn đề tiền bạc giữa hai người có ổn thoả không?

Do chúng tôi hẹn hò qua mạng, nên ban đầu chúng tôi chia đều mọi thứ. Đôi khi anh ấy mời tôi ăn tối, có lúc lại ngược lại, tôi mời anh ấy đi ăn. Tôi không hề cảm thấy khó chịu về điều đó mà còn rất thoải mái về sự cân bằng này.

So với ngày đầu hẹn hò, đến nay có thay đổi nào lớn giữa hai người không?

Khi mới hẹn hò, chúng tôi có chung quan điểm về tiền bạc, đều là những người tiêu tiền rất cẩn trọng. Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi rất nhanh, đặc biệt là 1 năm qua, khi thu nhập của anh ấy tăng vọt, cao hơn hẳn thu nhập của tôi.

Đã có lúc nào bạn chợt nhận ra "Ồ, anh ấy đang kiếm nhiều tiền hơn mình" chưa?

Chắc rồi. Giáng sinh năm ngoái, quà chúng tôi tặng nhau bắt đầu thay đổi. Anh ấy tặng tôi một chiếc túi rất đẹp còn tôi thì tặng anh ấy một chiếc quần ngủ. Anh ấy khá hài lòng với chiếc quần, còn tôi cảm thấy rất kỳ quặc về cái túi, bởi tôi không bao giờ đủ tiền mua cái túi đó. Anh ấy tỏ ra thoải mái với suy nghĩ, "anh có tiền, anh muốn tặng em cái túi này", nhưng tôi thì không. Đó là lúc tôi bắt đầu cảm thấy mất cân bằng trong mối quan hệ.

Tại sao bạn lại khó chịu về điều đó?

Tôi luôn tâm niệm mình là một người phụ nữ sống tiết kiệm, bởi tôi đã ở riêng từ rất lâu rồi. Tôi tới New York năm 22 tuổi chỉ với 300 USD, làm bồi bàn và có một công việc thực tập để tự nuôi bản thân. Tôi nghĩ là tôi đã làm rất tốt và đến nay tôi đã có thu nhập ở mức khá. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn so với bạn trai khá nhiều.

Bạn phản ứng thế nào khi thu nhập của anh ấy tăng lên?

Có những khó khăn nhất định, bởi tôi và anh ấy đang sống 2 cuộc sống khác nhau. Chẳng hạn như khi anh ấy gọi đồ ăn từ Seamless (một trang web gọi đồ ăn từ các nhà hàng), tôi không thể ngồi cạnh anh ấy và ăn mỳ như mình thích được. Hay khi anh ấy mời tôi ra ngoài ăn tối, tôi cũng khó có thể từ chối. Vì vậy, tôi chọn cách vẫn đi ra ngoài. Nhưng khi chỉ có một mình, tôi sẽ ăn trứng trừ bữa cho tiết kiệm. Tôi không muốn anh ấy biết là tôi không có tiền.

Do đó, khi anh ấy bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn hẳn tôi, tôi đã mở thẻ tín dụng vì không muốn phụ thuộc tài chính vào anh ấy, không thể để anh ấy trả hết các hoá đơn. Kết cục là, tôi nợ ngân hàng khoảng 2.000 USD và phải đóng thẻ. Dù sau đó tôi đã trả được hết khoản nợ, nhưng đây là bài học nhớ đời với tôi.

Hai bạn có từng trao đổi thắng thắn về vấn đề tiền bạc không?

Chúng tôi tương đối thẳng thắn và tôi cảm thấy thoải mái về điều đó. Tôi cũng nghĩ rằng anh ấy hiểu tôi, biết rằng tôi cũng phải chi tiền cùng anh ấy. Ví dụ, khi chúng tôi đi du lịch, anh ấy sẽ hỏi tôi có thể trả những gì. Nếu anh ấy mua vé máy bay, tôi sẽ trả tiền các bữa tối, nó làm tôi có cảm giác tôi cũng có đóng góp.

Nếu anh ấy thanh toán những hoá đơn ngoài tầm với của tôi, tôi sẽ để anh ấy làm điều đó. Tuy nhiên, tôi không bao giờ nhận tiền từ anh ấy. Nếu tôi có hoá đơn từ bác sĩ và phải trả làm nhiều lần, tôi sẽ tự trả chứ không nhờ anh ấy.

Nếu hai bạn kết hôn thì sao?

Tôi đã nghĩ về chuyện đó. Nó sẽ tuỳ thuộc vào việc chúng tôi có góp tiền chung vào làm một hay không. Nếu làm vậy, chúng tôi sẽ có chung cảm giác lúc chi tiêu. Tuy nhiên, điều tôi mong muốn lúc này là kiếm được nhiều tiền hơn. Gần đây, tôi đang nhận ngày càng nhiều các công việc làm thêm, nhưng không vấn đề gì, tôi thích thế.

Thế hiện giờ hai bạn chi tiền như thế nào?

Với tiền thuê nhà, tôi trả ít hơn anh ấy một chút. Anh ấy sẽ chi các khoản dịch vụ, đồ dùng lặt vặt còn tôi mua hoa quả, đồ ăn. Nếu chúng tôi ra ngoài ăn tối, chúng tôi sẽ chia đôi tiền. Nếu chúng tôi vừa đi ăn vừa đi uống, anh ấy sẽ trả tiền bữa ăn, còn tôi trả tiền đồ uống.

Các khoản tiền lớn, anh ấy sẽ chi, ví dụ như các chuyến bay, khách sạn, các món quà, nói chung là các khoản tiền ngốn gần hết thu nhập của tôi. Đến nay, chúng tôi đã rất hiểu nhau trong chuyện tiền bạc và anh ấy cảm nhận được khi nào tôi không đủ tiền. Tuy nhiên, điều này vẫn làm tôi hết sức đau đầu.

Từ khi dọn về ở với nhau, cuộc sống hai bạn có gì thay đổi không?

Cuộc sống của chúng tôi đang rất tốt đẹp và cũng đang cân bằng. Ví dụ như tôi nấu ăn thì anh ấy lau nhà, chúng tôi có nhiều cách để giúp đỡ nhau. Nếu anh ấy muốn ra ngoài ăn ở những nhà hàng sang trọng, tôi cũng sẽ đồng ý, nhưng thường thì chúng tôi ăn tại nhà.

Tuy nhiên, tôi phát hiện ra rằng, khi tôi mua đồ ăn cho hai người, gần đây tôi có xu hướng mua những món đắt hơn, còn nếu tôi ăn một mình, tôi sẽ mua những món khá rẻ. Trước đây, tôi từng ăn bánh mỳ bơ nướng 3 buổi/1 tuần khi sống một mình. Một hôm, tôi làm món này cho anh ấy và anh thốt lên: "Đây không phải bữa tối!"

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM