Thu nhập bình quân đầu người 7.500 USD/năm: Chiến lược nào cho Việt Nam?

12/01/2021 15:28 PM | Kinh tế vĩ mô

Tiến sĩ Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, cho rằng, trong giai đoạn 10 năm tới, Việt Nam kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm.

Thông tin trên được Tiến sĩ Trần Hồng Quang nêu ra trong Diễn đàn kịch bản kinh tế Việt Nam thường niên 2021 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 11/1.

Theo Tiến sĩ Trần Hồng Quang, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong đó, GDP/người giá thực tế giai đoạn này đạt 4.700 - 5.000 USD. Năm 2020, GDP/người đã đạt 3.521 USD. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD. Hướng đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, cần có các chiến lược mang tính đột phá.

Ba chiến lược đột phá

Để hiện thực hoá các mục tiêu kể trên, theo Tiến sĩ Trần Hồng Quang, đưa ra 3 chiến lược:

Thứ nhất, đột phá về thể chế. Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại và hội nhập; huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, đột phá nguồn nhân lực, bao gồm phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam.

Thứ ba, đột phá về hạ tầng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển mạnh hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Cho đến thời điểm năm 2020, giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người của Việt Nam ước khoảng 900 USD/người. Dự kiến, chỉ tiêu này sẽ tăng lên đạt mức 2.000 USD/người vào năm 2030, khi Việt Nam trở thành nước công nghiệp (công nghiệp mới nổi).

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO), nước công nghiệp (công nghiệp mới nổi) có tiêu chí giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người từ 1.000 - 2.500 USD hoặc giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 0,5% tổng giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo toàn cầu. Trong khi để trở thành nước công nghiệp phát triển, phải đạt giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người trên 2.500 USD hoặc GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương trên 20.000 USD.

Mục tiêu phấn đấu của Chính phủ: GDP tăng 6,5%

Theo thông tin từ Tiến sĩ Trần Hồng Quang, mục tiêu mà Chính phủ đặt ra trong năm 2021, tăng trưởng GDP đạt 6,5%.

Trong đó, các tăng trưởng GDP trong quý 1 là 5,12%. Các quý 2, quý 3, quý 4 lần lượt là: 7,11; 6,71 và 6,67. Theo đó, cả năm là 6,5%.

Thu nhập bình quân đầu người 7.500 USD/năm: Chiến lược nào cho Việt Nam? - Ảnh 1.
Thu nhập bình quân đầu người 7.500 USD/năm: Chiến lược nào cho Việt Nam? - Ảnh 2.

Đỗ Lan

Cùng chuyên mục
XEM