Thu mua hạt điều châu Phi bán cho cả thế giới suốt 20 năm, giờ đây doanh nghiệp Việt lại sợ chính các bạn hàng châu Phi

05/12/2016 10:59 AM | Kinh doanh

Việt Nam hiện chiếm 50% thị phần điều thế giới, nhưng lại đang phụ thuộc khá lớn vào hạt điều thô nhập khẩu từ Châu Phi, do khu vực này chưa chủ động chế biến được hạt điều. Tuy nhiên, một khi các quốc gia này làm chủ được công nghệ trong tương lai, thị phần hạt điều của Việt Nam có nguy cơ bị đe doạ.

Sự tỏa sáng của ngành điều

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2016, xuất khẩu hạt điều Việt Nam đạt 2,337 tỷ USD, tiếp tục tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm đến 1/3, đạt 795 triệu USD. Mặt hàng hạt điều đang là mặt hàng nông sản vươn lên mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, và là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 chỉ sau cà phê.

Xuất khẩu tăng, nhập khẩu hạt điều còn tăng mạnh hơn. Tổng cục Hải quan cho biết, sau 10 tháng, Việt Nam nhập khẩu hạt điều 1,378 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị nhập khẩu từ các nước châu Phi đang liên tục tăng cao, Bờ Biển ngà tăng 54%, Nigeria tăng 69%, Ghana tăng 26% và Guinea tăng tới 124%. Tổng giá trị nhập khẩu 4 quốc gia này đã chiếm tới 71% giá trị nhập khẩu 10 tháng qua.

Nhiều năm nay, hạt điều châu Phi đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành điều Việt Nam. Từ năm 1996, cùng với việc hạn chế xuất khẩu hạt điều thô ra nước ngoài, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu điều nguyên liệu từ thị trường này để bù đắp thiếu hụt hạt điều thô trong nước nhằm phục vụ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến hạt điều của Việt Nam.

Các quốc gia Châu Phi xuất khẩu lượng lớn hạt điều thô do còn hạn chế trong khả năng chế biến hạt điều. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu các nước này tự chế biến được hạt điều, nguồn cung hạt điều sang Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Công nghệ bị các quốc gia châu Phi "nhòm ngó"

Vài chục năm trước, Bờ Biển Ngà trồng điều chỉ nhằm chống lại nạn xói mòn, sa mạc hoá nhưng giờ đây, hiệu quả kinh tế từ cây điều đã cho thấy rõ. Các quốc gia Châu Phi nói chung và Bờ Biển Ngà nói riêng đang có tham vọng lớn tự chế biến được hạt điều để đem đi xuất khẩu, chứ không chỉ xuất khẩu hạt điều thô.

Với vị trí là vùng nguyên liệu chủ yếu của cả thế giới, một khi có thể tự chế biến hạt điều, các quốc gia khu vực này sẽ tự sản xuất, tự chế biến, tự xuất khẩu, hiệu quả kinh tế chắc chắn được cải thiện.

Thế nhưng, cái khó của người châu Phi là công nghệ chế biến hạt điều trên thế giới rất đắt đỏ, trong khi hiệu quả không cao, tỷ lệ vỡ hạt lớn. Các quốc gia Châu Phi đã tìm đến Việt Nam, quốc gia xuất khẩu điều lớn nhất thế giới, và phát hiện ra rằng, công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam là hoàn hảo. Tỷ lệ hạt vỡ thấp, tỷ lệ hạt nhiễm dầu thấp, và quan trọng hơn cả là giá thành chỉ bằng 1/20 so với dây chuyền các nước trên thế giới.

Để sở hữu công nghệ chế biến hạt điều, Bờ Biển Ngà đã lập văn phòng ở TPHCM với nhiệm vụ tìm kiếm đối tác và mua công nghệ. Thế nhưng, tham vọng của Bờ Biển Ngà vấp phải sự phản đối quyết liệu của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas). Hiệp hội Điều đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc bán công nghệ và muốn Chính phủ có động thái bảo hộ bằng cách không cho xuất khẩu công nghệ chế biến sang các nước châu Phi.

Từ vị trí bạn hàng, các quốc gia châu Phi đang nổi lên như những đối thủ đáng gờm của ngành điều Việt Nam và chắc chắn các quốc gia này sẽ chưa dừng lại cho đến khi sở hữu công nghệ mà họ mong muốn. Tại Hội nghị điều quốc tế do Vinacas tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua, đại diện các quốc gia này một lần nữa tái khẳng định mong muốn học tập kinh nghiệm phát triển ngành điều của Việt Nam để đem về áp dụng cho Châu Phi.

Vị trí "ông trùm" hạt điều trên thế giới của Việt Nam trong tương lai có thể bị đe doạ. Việt Nam hiện đang chiếm đến 50% thị phần điều toàn cầu. Trước nguy cơ cạnh tranh từ các quốc gia châu Phi, một lãnh đạo Vinacas cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để phù hợp với xu thế mới, để châu Phi vẫn là bạn hàng thay vì là đối thủ.

Minh Quân

Cùng chuyên mục
XEM