Thu lợi khủng từ nâng khống giá kit xét nghiệm nhưng công ty Việt Á chỉ báo lãi tượng trưng

21/12/2021 08:45 AM | Kinh doanh

Công ty Việt Á đã thu về gần 4.000 tỷ tiền cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ngày 17/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can đối với 07 đối tượng.

Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công An, Công ty Việt Á do Phan Quốc Việt thành lập, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật. Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm Kit xét nghiệm Covid. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng Kit xét nghiệm Covid cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.

Theo kết quả điều tra, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/Kít; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán Kit xét nghiệm Covid cho CDC Hải Dương thông qua 05 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

 Thu lợi khủng từ nâng khống giá kit xét nghiệm nhưng công ty Việt Á chỉ báo lãi tượng trưng  - Ảnh 1.

CTCP Công nghệ Việt Á (Việt Á) thành lập từ năm 2007, tên cũ là CTCP Thương mại - Sản xuất và Dịch vụ Việt Á, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, Tp. HCM. Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của Việt Á là ông Phan Quốc Việt (SN 1980).

Trên trang chủ, Việt Á giới thiệu là một công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, sở hữu đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực sinh học phân tử, là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử. Bên cạnh đó, Việt Á là đơn vị trúng thầu tại nhiều bệnh viện lớn trên cả nước.

Cụ thể, doanh nghiệp này từng trúng gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 - 2017 (cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175; Gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018-2019 cho Bệnh viện Da liễu Trung ương; gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn (gồm 609 danh mục) tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm (gồm 3.296 danh mục) tại Bệnh viện Bạch Mai....

Tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận những năm trước của Việt Á rất khiêm tốn, năm 2018 và 2019 doanh thu chỉ đạt hơn 60 tỷ đồng, năm 2018 công ty này lỗ 166 triệu đồng, năm 2019 lãi 23 triệu đồng.

 Thu lợi khủng từ nâng khống giá kit xét nghiệm nhưng công ty Việt Á chỉ báo lãi tượng trưng  - Ảnh 2.

Lợi nhuận các năm trước của Việt Á rất khiêm tốn (đơn vị: triệu đồng)

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2020, năm đầu tiên được cấp phép lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid, doanh thu của Việt Á đã tăng gấp 8 lần cùng kỳ năm trước, đạt 407 tỷ đồng, sang năm 2021 khả năng tiếp tục tăng gấp nhiều lần khi số liệu của Bộ Công An cho thấy Việt Á đã thu về 4.000 tỷ từ việc cung ứng kit xét nghiệm.

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương (tổ chức ngày 26/9/2021), Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Đặng Hồng Anh đã từng đặt câu hỏi "Giá kit xét nghiệm Covid-19 ở Việt Nam có đang cao bất thường? Ông Hồng Anh cho rằng bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 mua ở nước ngoài chỉ từ 25.000 – 35.000 đồng/kit nhưng khi về tới Việt Nam có giá cao gấp nhiều lần, từ 80.000 – 200.000 đồng/kit.

Theo ông Đặng Hồng Anh, với mức giá này, cộng thêm các chi phí khác như vận chuyển, lưu trữ kho bãi, giá vốn sẽ rơi vào khoảng 50.000 đồng/kit. Đó là chưa kể nếu mua trực tiếp từ nhà sản xuất với số lượng lớn, giá sẽ rẻ hơn rất nhiều. Trong khi đó, các địa phương đấu thầu các test này khoảng 70.000 - 80.000 đồng.

Tại hội trường Quốc hội, đại biểu tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hoà cũng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long về việc liệu có lợi ích nhóm trong việc loạn giá xét nghiệm nhanh Covid, mỗi nơi một giá, có nơi thu đến 450.000 đồng/lần xét nghiệm. Trả lời tranh luận của ĐB Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua, giá của sinh phẩm xét nghiệm không thuộc mặt hàng quản lý giá theo quy định Luật Giá. Đây chính là điểm khiến cho giá xét nghiệm khác nhau. Sau đó Bộ Y tế đã ban hành Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm Covid.

Theo cơ quan điều tra, Việt Á đã lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19 để thông đồng với lãnh đạo CDC hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống, lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn giá xét nghiệm SARS-CoV-2

Thông tư quy định "Xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh" với mức tối đa bao gồm cả sinh phẩm xét nghiệm là 109.700 đồng/xét nghiệm. Giá dịch vụ test nhanh (gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương) của đơn vị theo mức giá khám bệnh, chữa bệnh BHYT hoặc được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 16.400 đồng/xét nghiệm.

Giả sử chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 50.000 đồng/test thì Đơn vị được thu của người xét nghiệm, thanh toán với Quỹ BHYT (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách nhà nước là 66.400 đồng/xét nghiệm (không được thu và thanh toán theo mức tối đa 109.700 đồng/xét nghiệm).

Trường hợp chi phí sinh phẩm xét nghiệm theo kết quả đấu thầu của đơn vị là 100.000 đồng/test. Mặc dù chi phí của xét nghiệm là 116.400 đồng/xét nghiệm nhưng đơn vị chỉ được thu của người bệnh, thanh toán với Quỹ BHYT (theo tỷ lệ), thanh toán với ngân sách nhà nước theo mức giá là 109.700 đồng/xét nghiệm; còn 6.700 đồng được quyết toán vào nguồn kinh phí đã giao tự chủ và nguồn kinh phí hợp pháp khác của đơn vị.

Đối với xét nghiệm bằng RT-PCR: Thông tư đã hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện mức giá trong trường hợp gộp mẫu theo các phương pháp gộp mẫu hướng dẫn tại Quyết định 1817/QĐ-BYT ngày 7-4-2021.

Bộ Y tế cũng cho biết, cùng với việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu; đồng thời yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, về đấu thầu đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tăng giá dịch vụ xét nghiệm bất hợp lý.

Theo Viettimes, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc công ty Việt Á trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP HCM, Hà Nội và các địa phương khác; 08 bất động sản của Phạm Duy Tuyến…

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng đối với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ bản chất của vụ án, yếu tố tư lợi…; rà soát, kê biên tài sản của các đối tượng để đảm bảo thu hồi cho Nhà nước.

Châu Cao

Cùng chuyên mục
XEM