Thu hút đầu tư Quảng Ninh: 1 đồng ngân sách gọi hơn 8 đồng tư nhân

15/04/2019 19:47 PM | Kinh tế vĩ mô

Khi Ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc huy động vốn từ khu vực tư nhân là cách thích hợp để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông động lực, trong đó, hình thức đối tác công tư (PPP) được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên lựa chọn.

Ngày 3/4 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh chính thức khởi công Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, công trình giao thông trọng điểm kết nối hai khu kinh tế động lực của Quảng Ninh. Tuyến cao tốc 80,2 km dài nhất của Quảng Ninh sẽ đấu nối với các tuyến cao tốc đã và đang vận hành từ Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, góp phần hình thành hệ thống giao thương trọng điểm khu vực phía Bắc.

Đây là dự án theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao BOT với số vốn hơn 11 nghìn tỷ đồng, do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư. Công trình sẽ được đưa vào vận hành khai thác trong năm 2021 và chuyển giao cho Nhà nước quản lý sau 19 năm.

Thu hút đầu tư Quảng Ninh: 1 đồng ngân sách gọi hơn 8 đồng tư nhân - Ảnh 1.

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nối với cầu Bạch Đằng là cao tốc đầu tiên trong cả nước dùng ngân sách địa phương để đầu tư.

“Với phương châm huy động các nguồn lực, mà chủ yếu là hợp tác công tư để xây dựng các công trình hạ tầng này, Quảng Ninh đã thành công mấy năm qua. Trong đó có những công trình kết nối đến khu kinh tế Vân Đồn. Chính quyền sẽ đứng ra cam kết với nhà đầu tư trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng, cùng đồng hành với nhà đầu tư để triển khai các dự án, làm sao với thời gian nhanh nhất, đạt hiệu quả nhanh nhất” - ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không phải là công trình đầu tiên ở Quảng Ninh được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Để tháo "nút thắt" hạ tầng giao thông giữa địa phương này với các cực tăng trưởng kinh tế lân cận, năm 2014, lần đầu tiên Quảng Ninh mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng bằng cách chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp, một việc làm chưa từng có tiền lệ.

Năm 2018 đánh dấu sự thành công của chuỗi các dự án PPP của Quảng Ninh, khi chỉ trong 3 tháng cuối năm, 3 dự án hơn 20.000 tỷ đồng lần lượt khánh thành, đưa vào sử dụng: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt đầu tiên trong cả nước, tạo đột phá thay đổi diện mạo hạ tầng của địa phương này.

Huy động được nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách lớn, đồng bộ chỉ trong thời gian ngắn, phương châm của Quảng Ninh là "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân". Để khuyến khích các nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh, Quảng Ninh đã tiết kiệm chi, dùng ngân sách tỉnh đầu tư phần cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng hơn 6.400 tỷ đồng, còn lại là phần của nhà đầu tư tư nhân. Hay như cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, trong tổng số vốn 14.000 tỷ, tỉnh Quảng Ninh đã chi gần 1.500 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, "trải thảm đỏ" để dự án được triển khai đúng tiến độ.

Thu hút đầu tư Quảng Ninh: 1 đồng ngân sách gọi hơn 8 đồng tư nhân - Ảnh 2.

Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) là cao nỗ lực của Quảng Ninh trong thu hút nguồn lực ngoài ngân sách.


Cùng với đó là nỗ lực của chính quyền các cấp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đối thoại hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều kênh, nhiều phương tiện khác nhau.

“Từ Đảng bộ chính quyền đến nhân dân tỉnh Quảng Ninh họ rất đồng thuận trong tầm nhìn, thu hút các nhà đầu tư đến, tạo mọi điều kiện thuận lợi từ hạ tầng, cơ chế chính sách. Thậm chí họ rất năng động, chủ động trong việc làm việc với các Bộ ngành trung ương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp” - ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group nói.

Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai gần 50 dự án theo hình thức đối tác công tư với tổng số vốn hơn 47.000 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm khoảng 10%. Hiệu quả đầu tư được khẳng định "cứ 1 đồng Ngân sách bỏ ra có thể huy động được 8,3 đồng từ khối tư nhân".

Ngoài hạ tầng giao thông quy mô lớn, các dự án xây dựng cơ bản khác cũng được Quảng Ninh áp dụng PPP hiệu quả như xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan, sở, ngành (hình thức đầu tư tư - sử dụng công), hay giao các công trình Nhà nước đầu tư (Sân vận động, Khu du lịch) cho tư nhân quản lý (hình thức đầu tư công - quản lý tư). Không chỉ giảm gánh nặng cho Ngân sách, PPP còn giúp huy động được năng lực, kinh nghiệm quản lý của kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả đầu tư công.

Nhận định về cách làm của Quảng Ninh trong triển khai hình thức đối tác công tư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Không phải địa phương nào cũng làm được như Quảng Ninh đã vận dụng, triển khai được những công trình quan trọng, có ý nghĩa. Tôi rất hoan nghênh các đồng chí lãnh đạo nhiều địa phương đã tới đây thăm, nghiên cứu mô hình phát triển để nhân lên ở địa phương mình. Từ nhận thức đến hành động là một quá trình, Quảng Ninh đã làm được việc này trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước khó khăn”.

Việc triển khai hiệu quả, đồng bộ một cách thận trọng, chắc chắn hình thức đối tác công tư PPP không chỉ giúp Quảng Ninh giải bài toán hạ tầng, mà còn là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức này. Với vị trí tiên phong, Quảng Ninh sẽ có ưu thế để tiếp tục khẳng định, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, tạo động lực phát triển trong thời gian tới.

Theo Trường Giang

Cùng chuyên mục
XEM