Cô gái không được sếp duyệt tăng lương lên 25 triệu đồng: Thời gian làm việc bao lâu không quan trọng, nếu không tích cực học hỏi thì sớm muộn gì cũng bị đào thải

15/02/2020 08:10 AM | Sống

Nếu bạn có ước mơ, đam mê, thành tích và sự đánh giá cao trong một công ty, bất kể bạn làm việc bao nhiêu năm, bạn có thể tràn đầy đam mê và tinh thần chiến đấu hết mình và sau cùng thành tựu cũng làm bạn tự hào.

Có một sự thật phũ phàng rằng rất nhiều nhân viên rời bỏ công ty sau nhiều năm gắn bó và hầu hết những nhân viên này đã trải qua những biến cố, thăng trầm của công ty nên có thể họ sẽ có chút vấn vương khi quyết định dứt áo ra đi. Nhìn chung, mọi người thường nhìn vào số năm họ trụ lại công ty làm thước đo kinh nghiệm của chính mình và áp đặt cho người khác.

Điều gì sẽ xảy ra với những người đã làm việc trong một công ty trong hơn 5 năm? Có nhiều người xung quanh tôi đã làm việc trong một công ty từ 5-10 năm. Thời điểm của mỗi người vào công ty là khác nhau, nhưng có một nghịch lý rằng người vào sớm mà vẫn lẹt đẹt còn những người vào sau lại phát triển vượt bậc và chức vụ cao hơn những người có thâm niên. Tất nhiên, thời gian vẫn tiếp tục trôi qua và tương lai của họ vẫn đang thay đổi tùy theo sự cố gắng của họ.

Có 3 kiểu người điển hình trong công ty:

-01-

"Sau khi ra trường, tôi xin được một công việc tốt và đã làm việc được 10 năm"

Kaice làm việc tại công ty A ngay khi cô vừa nhận được tấm bằng tốt nghiệp. Từ một nhân viên bán hàng, sau 10 năm làm việc chăm chỉ, cuối cùng cô đã đạt được vị trí trợ lý giám đốc. Cô từng làm qua nhiều vị trí trong công ty, bao gồm nhân viên, dịch vụ khách hàng, quảng bá truyền thông, nghiên cứu thị trường... Cô cũng học thiết kế cơ bản. 

Kinh nghiệm trong 10 năm đã giúp cô trở thành nhân viên yêu thích của sếp. Lúc chưa được thăng chức, dù cô ở trong công ty khá lâu, vị trí không cao nhưng các nhân viên và lãnh đạo tôn trọng cô ấy. Cô ấy có thể được coi là quản gia của công ty. Nhưng giờ đây, khi lên được vị trí cao nhưng lương tháng của cô chỉ có 20 triệu đồng, điều này khiến cô cảm thấy rất đau khổ.

Cô quyết định nói chuyện nghiêm túc với sếp và đề nghị tăng lương tháng của cô lên 25 triệu đồng. Có lẽ vì sếp hiểu rõ cô, hoặc có thể sếp nghĩ cô sẽ không rời đi nên ông ấy không đồng ý với yêu cầu tăng lương của cô, nhưng sếp hứa sẽ thưởng thêm một tháng lương nữa cho cô vào cuối năm cho cô có động lực để cố gắng.

Vì không chấp nhận nên Kaice quyết định nộp đơn xin nghỉ việc và tìm công việc mới. Sau khi rời khỏi công ty, ngỡ đâu cô có thể tìm được một công việc lương cao một cách nhanh chóng, thật không ngờ rằng cô đã thất vọng thật sự. Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm không đủ sức cạnh tranh, việc gì cũng làm nhưng lại mắc nhiều sai sót, cái gì cũng không nắm rõ, thêm vào đó, tuổi cô cũng đã cao hơn so với những người giàu kinh nghiệm khác trong công ty khiến cô liên tục bị từ chối. 

Sau nửa năm đi đó đi đây, hỏi thăm bạn bè và nhờ người giới thiệu, cô đã tìm được một công việc mới với mức lương khoảng 19 triệu đồng.

Càng ở lâu trong một công ty, bạn càng dễ mắc phải một quan niệm sai lầm về bản thân, dễ sinh ảo tưởng rằng mình nghỉ thì có công ty khác đón nhận mình với mức lương cao nhưng thực lực lại không có. Nhiều người làm mọi thứ bằng cách vắt kiệt sức mình nhưng thiếu khả năng lập kế hoạch tổng thể và giải pháp chuyên sâu. Tình huống này sẽ chỉ khiến bạn dần mất khả năng cạnh tranh và trở thành kẻ thất bại. 

Cô gái không được sếp duyệt tăng lương lên 25 triệu đồng: Thời gian làm việc bao lâu không quan trọng, nếu không tích cực học hỏi thì sớm muộn gì cũng bị đào thải - Ảnh 1.

-02-

"Làm việc được 8 năm, tôi trở thành cổ đông công ty với tổng số tiền hiện có trị giá khoảng 170 tỉ đồng"

Sự phát triển tốt nhất trong một công ty là gắn bó với công ty, phát triển hơn qua từng giai đoạn của công ty và chia sẻ những thành quả cùng công ty. Anh Linh trước đó là phó tổng giám đốc của một công ty niêm yết. 

Khi công ty hiện tại mới thành lập, anh ta cũng nhận được thông báo trúng tuyển. Ông chủ nói với anh ta rằng ông ấy muốn công ty phát triển toàn quốc, nói với anh ta về tầm nhìn tương lai của sếp và cũng nói với anh Linh rằng nếu anh ta có thể giúp công ty phát triển nhanh, sếp sẵn sàng cho anh làm cổ đông lớn của công ty.

Về phần anh Linh, ban đầu anh cũng làm việc cho một công ty niêm yết nhưng không lâu sau đó, anh rời công ty ban đầu vì nhiều lý do và một số điều khó xử. Anh ấy rất chán nản trong suốt thời gian rời đi cho đến khi anh ấy gặp ông chủ hiện tại của mình, người cho anh ấy nền tảng, sự khích lệ và tiền để động viên anh ấy làm việc chăm chỉ, cùng sếp gây dựng công ty.

Trong 8 năm này, cả hai cùng nhau thúc đẩy công ty từ 0 lên những con số cao ngất ngưỡng và anh Linh đã đi mòn trên dưới 100 đôi giày. Với những nỗ lực của anh ấy và một số đồng nghiệp khác, cuối cùng, công ty cũng đã có được sự tín nhiệm của khách hàng. Ông chủ cũng thực hiện lời hứa ban đầu của mình, đưa cho anh Linh cổ phần như đã hứa và anh còn được thăng chức thành phó tổng giám đốc của công ty. Những cổ phiếu này được chuyển đổi theo giá thị trường và trị giá khoảng 170 tỉ đồng.

Nếu bạn có ước mơ, đam mê, thành tích và sự đánh giá cao trong một công ty, bất kể bạn làm việc bao nhiêu năm, bạn có thể tràn đầy đam mê và tinh thần chiến đấu hết mình và sau cùng thành tựu cũng làm bạn tự hào.

Cô gái không được sếp duyệt tăng lương lên 25 triệu đồng: Thời gian làm việc bao lâu không quan trọng, nếu không tích cực học hỏi thì sớm muộn gì cũng bị đào thải - Ảnh 2.

-03-

"Làm việc được 11 năm và làm trợ lý cho một đồng nghiệp trẻ hơn tôi 6 tuổi, người thân và bạn bè thường ghen tị vì công việc quá ổn định"

An đã ở trong công ty được 11 năm và hiện tại cô là nhân viên lớn tuổi nhất của công ty. Khi mới vào công ty, cô làm ở vị trí lễ tân. Sau 11 năm, cô vẫn làm nhân viên lễ tân nhưng cô còn có thêm một vị trí nữa, đó là làm tư vấn và hỗ trợ khách hàng. Cô tốt nghiệp một trường đại học bình thường và vào công ty khi vừa mới ra trường. Cô không có nhiều tham vọng về lương, cô chỉ cần mức lương của cô đủ dùng là được. 

Sau khi kết hôn, cô cần thêm thời gian để sinh con, vì vậy cô xin chuyển sang làm công việc hành chính văn phòng trong công ty. Sau một thời gian dài, công ty đề nghị cô làm một số công việc trợ lý cho một cậu quản lý trẻ hơn cô 6 tuổi và đưa cho cô mức lương tăng thêm là 3 triệu đồng và cô rất vui vẻ chấp nhận. 

Sau khi làm việc trong một công ty được 11 năm, cô đã trở thành đối tượng so sánh trong câu chuyện của vài đồng nghiệp. Công việc ổn định ở thành phố lớn, thời gian linh hoạt để chăm sóc con nhỏ, thu nhập hàng tháng là gần 20 triệu đồng kèm bảo hiểm y tế xã hội... Đây là những đặc quyền cô có được và cũng vì thế mà người khác ngưỡng mộ lẫn ghen tị vì quá ổn định.

Cô không coi việc làm trợ lý cho một đồng nghiệp trẻ hơn mình là điều đáng xấu hổ. Cô nghĩ rằng cô có thời gian, cô có thể vừa chăm con vừa làm nhiều hơn và tăng thu nhập. Tại sao không làm điều đó?

Có một loại người sẵn sàng chọn những công việc tự do về thời gian khi đối với họ, thời gian và thu nhập là quan trọng. Miễn là công ty không gặp vấn đề nghiêm trọng, họ sẽ tiếp tục làm công việc cho họ tự do thời gian trong 10 hoặc thậm chí 20 năm. Sự lựa chọn công việc của mỗi người là khác nhau, không có đúng hay sai, chỉ là có phù hợp với bạn hay không.

Cô gái không được sếp duyệt tăng lương lên 25 triệu đồng: Thời gian làm việc bao lâu không quan trọng, nếu không tích cực học hỏi thì sớm muộn gì cũng bị đào thải - Ảnh 3.

Thời gian dành cho một công ty không nói lên điều gì cả. Không phải bạn ở công ty 24/24 là tốt còn đến công ty có vài tiếng là không tốt. Một số người tự hào về điều này và một số người coi đó là một sự xấu hổ. Mỗi người có một điểm khởi đầu khác nhau và một quan điểm khác nhau, có thể bạn thấy không ổn nhưng người khác thấy ổn với họ là được.

Vì vậy, một công ty có xứng đáng để bạn gắn bó lâu dài? Có nhiều yếu tố để đánh giá, ba yếu tố sau là quan trọng nhất để bạn tham khảo:

(1) Liệu công việc này có thể mang lại cho bạn sự phát triển không ngừng hay không

Hầu hết mọi người sẵn sàng làm việc cho một công ty trong nhiều năm. Lý do quan trọng là công ty cho phép họ cải thiện thu nhập, kỹ năng và kinh nghiệm và tăng giá trị của họ. Nếu khả năng của bạn rơi vào tình trạng tắc nghẽn trong một khoảng thời gian dài, ngoài việc suy nghĩ về các vấn đề của chính bạn, các nguyên nhân khách quan về của công ty cũng phải được phân tích.

(2) Liệu triển vọng nghề nghiệp của bạn trong công ty bạn có tốt không

Triển vọng của ngành nghề đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của công ty. Chúng ta không thể cản được rủi ro và bỏ qua cơ hội nghề nghiệp. Mặc dù không ai có thể đảm bảo công ty nào có thể đủ ổn định, nhưng họ vẫn sẽ chọn một công ty đang phát triển nhanh chóng hoặc một công ty lớn để tích lũy kinh nghiệm và phát triển nghề nghiệp. Rốt cuộc, xác suất bạn bỏ cuộc ở một công ty nhỏ cao hơn nhiều so với một công ty lớn.

(3) Liệu công việc đó có thể đáp ứng nhu cầu cá nhân của bạn hay không

Lương bổng là một yếu tố quan trọng để xác định có nên làm công việc này một cách lâu dài hay không. Điều này mỗi người phải tự nhận thấy vì nhu cầu của từng người là khác nhau. Nếu bạn chọn công việc tự do về thời gian và công ty có thể đáp ứng nhu cầu này, đó cũng có thể là một lý do để ở lại.

Không quan trọng bạn làm việc ở công ty bao lâu, quan trọng là bạn có biết chính xác những gì bạn muốn và những gì bạn không muốn hay không.

Tịnh Kỳ

Cùng chuyên mục
XEM