Thời đại công nghệ, bạn có nên bỏ sách giấy để nghe sách nói?

13/09/2018 20:45 PM | Xã hội

Nếu bạn đọc hoặc nghe sách nói để giải trí – không phải vì công việc hay nghiên cứu – sự khác biệt là rất ít

Ngay cả những người yêu sách, nhiều khi tìm thời gian để đọc sách cũng là điều khó khăn. Vì thế, họ tìm đến sách nói (audio book), một cách thay thế cho việc đọc sách truyền thống. Bạn có thể vừa nghe đọc sách, vừa lái xe hoặc làm việc nhà.

Nhưng liệu nghe sách nói có giống với đọc sách?

"Tôi rất thích sách nói, nhưng luôn coi đó là một hình thức gian lận", Beth Rogowsky – giáo sư giáo dục tại Đại học Bloomsburg – cho biết.

Trong nghiên cứu năm 2016, Rogowsky đã thử nghiệm giả thuyết của mình. Trong đó, một nhóm được cho nghe các trích đoạn của tiểu thuyết "Unbroken" viết về Thế chiến thứ 2 của Laura Hillenbrand, trong khi một nhóm khác đọc các trích đoạn đó trong sách điện tử (ebook). Bà cũng đưa thêm một nhóm thứ 3 thực hiện cả 2 hoạt động trên, tức vừa đọc vừa nghe sách nói.

Sau đó tất cả làm một bài test được thiết kế để xem họ thu nhận được bao nhiêu từ tác phẩm. Theo Rogowsky, "Chúng tôi nhận thấy không có sự khác biệt nào đáng kể về mức độ lĩnh hội giữa đọc, nghe, hoặc kết hợp đọc và nghe".

Tuy nhiên nghiên cứu này lại sử dụng ebook, và có bằng chứng cho thấy đọc trên màn hình sẽ giảm mức độ lĩnh hội so với đọc từ một cuốn sách bình thường.

Nếu bạn tự hỏi tại sao sách in lại tốt hơn sách điện tử, câu trả lời có thể nằm ở việc bạn không biết được mình đang ở đâu trong độ dài cuốn sách khi đọc trên màn hình. "Khi bạn đọc một đoạn tường thuật, chuỗi sự kiện rất quan trọng, và biết được mình ở đâu trong cuốn sách sẽ giúp bạn xây dựng được cái nhìn toàn cảnh về câu chuyện", Daniel Willingham – giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia – giải thích.

 Trong khi các thiết bị đọc sách cố gắng tái hiện điều này bằng cách cho bạn biết còn lại bao nhiêu trang chưa đọc (hoặc còn lại bao nhiêu phần trăm của cuốn sách), nhưng điều này có vẻ không mang lại hiệu ứng định hướng tường thuật tương tự như khi đọc một cuốn sách in.

Việc các dòng chữ trong sách in gắn với một vị trí cụ thể trong trang sách cũng giúp người đọc nhớ tốt hơn so với ebook. Cũng tương tự đối với sách nói, chúng không mang lại cảm thức về không gian để người nghe có thể bám vào đó như khi đọc sách thường.

"Khoảng 10 – 15% chuyển động của mắt khi đọc là chuyển động thoái lui – nghĩa là mắt quay lại và kiểm tra lại", Willingham giải thích. "Việc này diễn ra rất nhanh, và nó lồng ghép nhuần nhuyễn vào quá trình đọc một câu. Và thói quen này củng cố khả năng lĩnh hội, và có thể so sánh với việc một người nghe yêu cầu người nói "ngừng lại" hoặc "nói lại" những gì vừa nói. Về lý thuyết, bạn có thể nhấn nút "dừng" hoặc tua ngược lại khi đang nghe sách nói, nhưng như thế sẽ khá phiền phức.

Ngoài ra, còn một chuyện nữa là khi đọc hoặc nghe sách nói, tâm trí chúng ta hay bị phân tán. Có thể ta suy nghĩ vẩn vơ mất hàng giây (thậm chí hàng phút) trước khi tập trung lại được. Nếu bạn đọc sách, sẽ khá dễ nếu muốn quay lại và tìm đoạn mình còn nhớ được. Đặc biệt là khi đọc những đoạn phức tạp, việc nhanh chóng quay lại kiểm tra những gì mình vừa đọc sẽ giúp bạn hiểu tốt hơn, và việc này dễ thực hiện hơn lúc đọc sách so với khi nghe sách nói. 

Bên cạnh đó, giở qua trang sách mới hoặc quay lại trang cũ cũng giúp bạn có một chút thời gian ngừng nghỉ, nhờ đó tạo khoảng không cho não lưu trữ hoặc tinh lọc những thông tin mà bạn đang nạp vào.

Thời đại công nghệ, bạn có nên bỏ sách giấy để nghe sách nói? - Ảnh 1.

Theo David Daniel – thành viên Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa kỳ, đồng thời là giáo sư tâm lý học tại đại học học James Madison – thì người ta có thể luyện tập để tăng cường khả năng lĩnh hội, dù đó là đọc sách điện tử hay nghe sách nói. 

Tuy nhiên có một "chướng ngại vật về cấu trúc" ngăn cản quá trình lĩnh hội từ sách nói. Chẳng hạn, bạn không thể gạch dưới hoặc đánh dấu một đoạn hay một từ nào đó trong đoạn đang nghe. Tương tự, những đoạn đáng lẽ ra được in đậm hoặc làm nổi bật trong sách sẽ không được thể hiện rõ khi nghe.

Nhưng sách nói cũng có ưu điểm của nó. Một mặt, truyền miệng là hình thức chia sẻ thông tin đã có từ rất lâu, trong khi sách in mới chỉ xuất hiện khoảng vài ngàn năm nay. Mặt khác, người nghe có thể thu nhận được nhiều thông tin hơn từ giọng điệu của người đọc. Ví dụ tính châm biếm sẽ được truyền tải dễ dàng hơn qua sách nói so với sách in, hoặc người nghe kịch Shakespeare sẽ hiểu được nhiều điều hơn từ cách truyền tải của diễn giả.

Như vậy theo Daniel, nếu bạn đọc hoặc nghe sách nói để giải trí – không phải vì công việc hay nghiên cứu – sự khác biệt là rất ít, "Tôi nghĩ có một sự tương đồng rất lớn trong việc lĩnh hội từ một văn bản được đọc so với một văn bản được nghe".

Vì thế, đừng lo rằng bạn đang "gian lận" nếu nghe sách nói. Cứ thu được thêm kiến thức từ sách là tốt rồi.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM