Thiếu vũ khí này, startup có tuyệt vời đến mấy khó ra biển lớn

22/03/2018 08:25 AM | Kinh doanh

“Tùy vào thị trường nước ngoài mà chúng tôi nhắm đến để chọn startup trong chương trình trao đổi. Thứ hai, các startup phải nói được tiếng Anh hoặc giao tiếp được bằng ngôn ngữ nước chủ nhà. Startup mà không sử dụng được ngôn ngữ thì đành chịu thua”.

Đó là ý kiến của Nguyễn Phi Vân, Sáng lập và Chủ tịch của Retail & Franchise Asia về câu chuyện đưa startup ra nước ngoài theo chương trình hành động của Sihub 2020 trong một sự kiện ở TP HCM gần đây.

Thiếu vũ khí này, startup có tuyệt vời đến mấy khó ra biển lớn - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Phi Vân, Sáng lập và Chủ tịch của Retail & Franchise Asia.

Cơ hội cho các startup Việt ra thế giới

Trong chương trình hành động của Sihub đến năm 2020, có chiến lược hướng đến kết nối toàn cầu. Đây là chương trình hợp tác trao đổi startup với các nền kinh tế đổi mới sáng tạo hàng đầu trên thế giới do SIHUB chủ trì.

Hiện tại, SIHUB đã tiến hành làm việc và sẽ ký kết ít nhất 5 chương trình hợp tác với các quốc gia Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Phần Lan, Mỹ, Canada, và Đức.

Chương trình sẽ được tiến hành hàng năm, startup Việt Nam được gởi sang các quốc gia đã ký kết, và startup từ các quốc gia này đến trao đổi tại Việt Namthông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp startup qua nhiều hoạt động đa dạng, từ tuyển chọn, đào tạo trưc tiếp với các mentor địa phương trong ngành, tham quan nghiên cứu thị trường, kết nối với đối tác và khách hàng tiềm năng tại địa phương...

Từ đó, nhằm giúp startup hiệu chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp với quốc gia hướng đến, tìm được đối tác và khách hàng để thương mại hoá thành công.

Tiếng Anh, thứ vũ khí quan trọng để startup ra biển lớn

Một câu hỏi được nêu ra tại sự kiện là tiêu chí để startup có thể được ra thế giới trong chương trình và bà Nguyễn Phi Vân đã trả lời câu hỏi này.

Theo bà Vân, thứ nhất, tùy vào thị trường điểm đến có thể phát triển được sản phẩm gì của Việt Nam. Chương trình sẽ chọn những startup phù hợp để phát triển sản phẩm của Việt Nam nhất tại thị trường đó.

Thứ hai, các startup phải nói được tiếng Anh hoặc phải giao tiếp được bằng ngôn ngữ của các nước chủ nhà. Vì các cố vấn đều là người bản địa cả.

Thứ ba là chương trình sẽ chọn giải pháp có tiềm năng tại thị trường mà hai nước trao đổi startup. Ngành hiện nay chương trình nhắm đến là nông nghiệp, du lịch, chế biến thực phẩm, dịch vụ. Các startup làm các hoạt động liên quan đến công nghệ trong các ngành này sẽ được ưu tiên.

Hiện nhóm khởi nghiệp Hàn Quốc đã sang Việt Nam. Tháng 4/2018, chương trình tuyển dụng startup sẽ bắt đầu tại Việt Nam. Sau khi được tuyển, các startup phải thông qua phỏng vấn của hội đồng nước chủ nhà để được chọn vào chương trình.

TP HCM chiếm 42% startup trong cả nước

“Trong số khoảng 1.800 startup trên cả nước, có khoảng 834 startup đang hoạt động tại TPHCM (chiếm 42%). Điều đó cho thấy, TP.HCM có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp. Tuy nhiên, các chỉ số về KN – ĐMST của Việt Nam vẫn còn đứng sau nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia; đa số các startup có quy mô nhỏ, nằm ở giai đoạn hạt giống cần hỗ trợ ươm tạo (chưa bước vào giai đoạn gọi vốn), khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Đi liền đó là cơ chế chính sách vẫn chưa thực sự tạo ra cú hích mạnh cho hoạt động khởi nghiệp” – ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub, nhận xét.

Thiếu vũ khí này, startup có tuyệt vời đến mấy khó ra biển lớn - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub.

Theo báo cáo kết quả khảo sát về chỉ số khởi nghiệp TP.HCM theo phương pháp GEM (Global Entrepreneurship Monitor) năm 2017, trong 12 chỉ số về hệ sinh thái khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh, ba chỉ số được đánh giá cao nhất là: Văn hóa và chuẩn mực xã hội; Năng động của thị trường nội địa; Cơ sở hạ tầng. Một vài chỉ số được đánh giá kém là: Tài chính cho kinh doanh; Chuyển giao công nghệ và Giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông...

Nhìn chung, tỷ lệ khởi nghiệp trong doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cao hơn so với mức trung bình của Việt Nam và đang có xu hướng tăng lên: từ mức 2% năm 2013, lên 2,5% năm 2015 và 2,7% năm 2017 (so với mức 0,6% của cả nước năm 2017). Chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2017 đạt 19,4%, cao hơn so với các năm trước và cao hơn mức trung bình của cả nước (13,9%).


Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM