Trẻ em nghèo Ấn Độ kiếm sống bằng lá Bồ Đề thiêng

12/03/2013 12:27 PM |

Hàng trăm trẻ em nghèo ở bang Bihar của Ấn Độ kiếm sống bằng cách bán lá từ cây Đại Bồ Đề - nơi Đức Phật đạt được giác ngộ - cho khách hành hương thăm thánh tích Phật giáo.

Lá từ cây Bồ Đề bán cho khách hành hương người Ấn Độ chỉ có 10 rupi (18 xu), nhưng với khách hành hương nước ngoài, chúng được bán với bất cứ giá nào từ 1 đến 10 USD.

Mỗi năm, hàng trăm ngàn khách hành hương đến thăm chùa Đại Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi cây thánh tọa lạc, vào mùa du lịch kéo dài năm tháng trong mùa đông. Địa điểm trên được xem như là nơi khai sinh ra đức tin của các Phật tử.

Ngôi chùa nổi tiếng thế giới này là một Di sản thế giới của UNESCO và cái cây hiện tại, cao khoảng 25 mét và 115 năm tuổi, là thế hệ thứ năm của cây Bồ Đề gốc.

Đối với trẻ em, người thu nhặt lá rụng và bán cho khách hành hương, những du khách nước ngoài là đối tượng được săn đón nhiều nhất.

Vikas Kumar 12 tuổi nói: "Thông thường, em kiếm khoảng 200 rupi (3,65 USD) mỗi ngày. Bất kể khi nào em bán lá được một vài đô la, thì ngày đó trở nên đặc biệt đối với em".

Cậu rất thích khách hành hương người Nhật: "Họ chiếm số lượng ít hơn, nhưng họ trả giá rất cao".

Theo đuổi khách hành hương

Vikas đã ghi danh vào học ở trường học địa phương, nhưng trong mùa du lịch, không có gì có thể giữ câu ta khỏi ngôi chùa này.

Cha của cậu là một người kéo xe và số tiền mà Vikas kiếm được từ việc bán lá được bổ sung vào khoản thu nhập của gia đình.

"Làm thế nào chúng em có thể nuôi sống bản thân nếu chúng em đến đây không phải để bán lá?", cậu hỏi.

Bo de 2.jpg
Lá bồ đề có hình Đức Phật

Vikas biết một vài từ tiếng Anh như "xin vui lòng", "cảm ơn", "đô la" và "xin chào" và cho biết rằng cậu có thể nói những từ này bằng tiếng Nhật, tiếng phổ thông Trung Quốc và Miến Điện.

Trong suốt mùa hành hương, có thể bắt gặp cảnh những bé trai và bé gái đuổi theo khách du lịch với các túi nhựa nhỏ đựng lá cây Bồ Đề, một số được dập nổi với hình của Đức Phật.

Mukesh 12 tuổi đã bán lá được hai năm qua và nói rằng mùa này cậu ta kiếm được kha khá.

"Nếu may mắn, chúng em thậm chí có thể bán được 10 USD cho một chiếc lá bồ đề".

Cậu nói rằng cha mình, một người thợ mộc, "không kiếm được đủ tiền để nuôi sống tất cả chúng em. Và ông ta là một người nghiện rượu. Em đã đóng góp một phần đáng kể trong việc duy trì sinh hoạt của gia đình".

Deepak Kumar, người điều hành một trung tâm cứu nạn trẻ em ở Bồ Đề Đạo Tràng, cho biết nhiều trong số những trẻ bán lá đang làm việc để thanh toán tiền rượu cho cha mẹ chúng.

Lừa bịp khách hành hương

Nhà chức trách đã nhiều lần cố gắng giải tán những đứa trẻ này ra khỏi khu vực ngôi chùa, vào tháng Một, chính quyền quận đã áp tải hàng trăm trẻ bán lá vào năm chiếc xe buýt và bỏ chúng ở một nơi cách đó 10km.

Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, chúng đã trở lại với công việc kiếm sống của mình.

Bo de 3.jpg

Bên cạnh cây Bồ Đề thánh, có sáu cây bồ đề khác bên trong khuôn viên chùa Đại Bồ Đề và chính quyền nói rằng những đứa trẻ này thường nhặt và bán lá từ những cây khác cho những người hành hương không chút nghi ngờ.

"Chúng lừa đảo khách hành hương bằng cách nói với họ rằng những chiếc lá đó thuộc về gốc của cây Bồ Đề thánh", Nangzey Dorjee, thành viên của Ủy ban Quản lý Bồ Đề Đạo Tràng, nói.

Các quan chức quản lý ngôi chùa nói rằng khách hành hương Phật giáo khát khao có được lá cây Bồ Đề vì họ cho rằng chúng rất tốt lành và thánh thiện.

Phật tử trên khắp thế giới xem chùa Đại Bồ Đề là một trong những nơi linh thiêng nhất mà họ cố gắng viếng thăm ít nhất một lần trong cuộc đời.

Khách hành hương và khách tham quan chủ yếu đến từ các quốc gia Phật giáo như Nhật Bản, Trung Quốc, Miến Điện, Sri Lanka, Thái Lan, Tây Tạng, Singapore và nhiều nơi khác trên thế giới.

Mỗi năm, Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng với hàng ngàn tín đồ, bao gồm cả nam diễn viên Hollywood Richard Gere, đều đến viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng.

Ông Dorjee nói rằng các quốc gia và các tông phái Phật giáo khác nhau đã thiết lập khoảng 50 tu viện ở Bồ Đề Đạo Tràng và hàng trăm khách sạn và nhà khách cũng đã mọc lên xung quanh ngôi chùa Đại Bồ Đề, đã gây nhiều áp lực lên nơi này.

Nhưng, các quan chức quản lý ngôi chùa cho biết, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền rất lãnh đạm với việc duy trì di sản này.

Theo Văn Công Hưng 

Giác ngộ Online/BBC News

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM