Thiên tài Albert Einstein cho rằng, phải mất cả đời làm việc này mới có thể thành công: Càng ngẫm càng thấy đúng bởi có rất nhiều tỷ phú giờ vẫn đang làm!

07/01/2019 16:41 PM | Sống

Albert Einstein từng nói: “Trí khôn không phải sản phẩm của trường lớp mà phải mất cả đời tự nỗ lực mới có được”. Thật vậy, muốn chạm đến cánh cửa thành công, không có con đường nào khác ngoài tự học.

Bill Gates, Jimi Hendrix, Steve Jobs, Nikola Tesla - bốn cái tên tưởng chừng không liên quan đến nhau vì mỗi người lại thành công trên một lĩnh vực riêng và nổi tiếng theo nhiều cách khác nhau. Nhưng tựu chung lại, họ có một điểm giống nhau lớn nhất: đạt được thành công nhờ tự học.

Tự nghiên cứu chính là phương pháp tạo nên thành công và danh tiếng cho hầu hết các vĩ nhân, doanh nhân trên thế giới. Điều này không có nghĩa là các phương pháp học tập khác là vô ích, phí thời gian. Nó cho thấy rằng thành công chỉ đến với người có ý chí, có quyết tâm, nỗ lực tìm tòi, tự phát triển bản thân. Mặc dù nhà trường là nơi trang bị cho chúng ta một "nền móng" khá vững chắc, nhưng cuối cùng, liệu có thể xây dựng thành công từ đó hay không, là dựa vào khao khát tìm kiếm tri thức của chúng ta.

Elon Musk là vị tỷ phú từng có bằng khoa học từ các trường đại học hàng đầu trong nhóm Ivy League, nhưng ông vẫn khẳng định tất cả kiến thức trong bộ nhớ của mình đều đến từ những cuốn sách ông đã đọc. Hầu hết tất cả nhân vật truyền cảm hứng trên thế giới đều sẵn sàng hy sinh thời gian rảnh rỗi của mình để ngồi xuống và nghiền ngẫm cuốn sách của riêng mình.

Đối với những ai theo đuổi con đường nghệ thuật, cách nghiên cứu tốt nhất là đọc sách, bất cứ thể loại gì. Cảm hứng có thể bắt nguồn từ thơ ca, tiểu thuyết, các tác phẩm viễn tưởng,… Những cuốn sách này còn giúp bạn phát triển kỹ năng viết, vận dụng ngôn ngữ, khả năng tư duy, là tài sản quan trọng cho bất kỳ ai đang trong quá trình phát triển bản thân.

Ngày nay, với sự trợ giúp của các lớp học trực tuyến, video trên Youtube và ứng dụng di động, việc tự nghiên cứu đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết và con đường dẫn đến thành công cũng được mở rộng đáng kể.

Bên cạnh đọc sách, chúng ta cũng có thể tự học bằng cách thông qua thực hành. Sau mỗi lần thực hành là một lần vấp ngã, sau mỗi vấp ngã ta lại đúc kết được bài học cho bản thân và rút kinh nghiệm cho lần tiếp theo. Ngay cả khi bạn đang nỗ lực tự học, vẫn có nhiều người khác xung quanh bạn sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, bạn có thể quyết định bài học mang tính chất xây dựng cho mình và áp dụng chúng vào thực tiễn đúng thời điểm.

Thiên tài Albert Einstein cho rằng, phải mất cả đời làm việc này mới có thể thành công: Càng ngẫm càng thấy đúng bởi có rất nhiều tỷ phú giờ vẫn đang làm!  - Ảnh 1.

Khoa học trong việc tự học

Mọi người thường có xu hướng "lãng mạn hoá" khái niệm tự học. Nó không phải giải pháp cho sự lười biếng, hoặc cái cớ cho sự thiếu động lực. Trong nhiều trường hợp, tự mình nghiên cứu mang lại hiệu quả nhiều hơn là được giảng dạy bởi người khác. Mức độ trách nhiệm với bản thân tăng lên khi bạn vừa là học viên, vừa là giáo viên của chính mình. Hơn nữa, việc này còn rèn luyện tính kỷ luật và ý chí của con người, những phẩm chất mà không phải ai cũng vốn có.

Tuy nhiên, ngoài điều này, thử thách duy nhất khiến mọi người ngại việc tự học là cảm giác "thiếu an toàn". Nỗi sợ thất bại, sợ sai lầm là trở ngại ngăn người ta dám tự học, tự nghiên cứu. Bạn cần biết rằng với phương pháp rèn luyện này, việc đôi lúc mắc lỗi sai là chuyện đương nhiên, đặc biệt khi bạn không có giáo viên, huấn luyện viên hoặc người cố vấn dẫn dắt, chỉ bảo.

Phần thưởng cho quá trình tự học

Khi bạn dành thời gian, công sức tự mò mẫm, nghiền ngẫm cách vun trồng cho "cái cây" tri thức của mình, thành quả bạn gặt hái được sẽ trở nên "ngọt ngào" hơn nhiều. Tất cả những con người đạt được thành công trong cuộc sống đều có một điểm chung: họ đã chủ động tự dạy mình điều mới, hoặc bổ sung cho vốn hiểu biết sẵn có của mình thông qua tự học.

Hiệu quả là vậy, nhưng đừng lầm tưởng rằng chúng ta không cần phải đến trường, chỉ việc ở nhà cắm mặt vào sách vở là có thể thành công. Hầu như tất cả các nhà sáng chế, doanh nhân, nghệ sĩ vang danh thế giới đều phải trải qua quá trình học tập trên ghế nhà trường để tích luỹ cho mình vốn kiến thức nền tảng nhất định.

Một sai lầm mà những người chỉ dựa vào giáo dục và đào tạo chính quy mắc phải là ngừng hoàn toàn quá trình học tập của mình ngay sau khi tốt nghiệp. Điều này không chỉ cản trở bạn cập nhật những khái niệm và tiến bộ mới trong lĩnh vực mà bạn làm việc, mà còn là trở ngại cho khát khao chinh phục thành công của bạn.

Thiên tài Albert Einstein cho rằng, phải mất cả đời làm việc này mới có thể thành công: Càng ngẫm càng thấy đúng bởi có rất nhiều tỷ phú giờ vẫn đang làm!  - Ảnh 2.

Bằng cách không ngừng học hỏi và dạy cho bản thân những điều mới, bất kể là nhỏ nhoi hay lớn lao, chúng ta đều có thể thay đổi tình trạng sức khoẻ tổng thể của mình. Nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình này kích thích tinh thần con người, bao gồm luyện khả năng ghi nhớ, học kiến thức mới và cải thiện kỹ năng trong công việc hiện tại, là chìa khóa giúp làm chậm sự phát triển và thậm chí đảo ngược chứng Alzheimer và mất trí nhớ.

Jim Rohn, doanh nhân và nhà diễn thuyết truyền động lực nổi tiếng người Mỹ đã nói: "Cách giáo dục thông thường sẽ giúp bạn kiếm sống qua ngày, nhưng tự học sẽ giúp bạn kiếm cả một gia tài".

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM