Thích khách trong lịch sử Việt Nam: Tài giỏi như Đinh Tiên Hoàng cũng đã mất mạng

31/07/2019 22:22 PM | Sống

Sử sách các nước "đồng văn" như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên có nhắc nhiều đến thích khách trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, đất đai, địa vị giữa các thế lực thời phong kiến.

Thư tịch cổ nước ta thì hầu như không ghi chép về đối tượng này, tuy nhiên chuyện thích khách thực hiện mưu sát, hành thích và các hành động bí mật khác trong lịch sử Việt Nam cũng được nhắc đến ít nhiều.

Thích khách là những người giỏi võ nghệ, sử dụng vũ khí thuần thục thường áp dụng hình thức tập kích bất ngờ, tiêu diệt đối tượng được nhắm tới với những lý do khác nhau. Cũng có khi thích khách không có tài cung kiếm nhưng bằng việc chớp thời cơ thuận lợi để ra tay cũng đạt được kết quả mong muốn; thậm chí có người còn ẩn nhẫn chờ đợi một thời gian hay chấp nhận "khổ nhục kế" để thực hiện mục đích đã đề ra.

Đặc điểm chung của thích khách là sự thông minh, gan dạ, biết ứng phó tùy tình huống và xem cái chết nhẹ như lông hồng. Khi hành động, họ xác định sẵn sàng chấp nhận hy sinh nếu không thoát được dù thành công hay thất bại, nhưng động cơ thì khác nhau, có thể vì sự nghiệp chính nghĩa, do lòng trung thành, do thù nhà hoặc vì danh vọng địa vị, tiền bạc…

 Thích khách trong lịch sử Việt Nam: Tài giỏi như Đinh Tiên Hoàng cũng đã mất mạng - Ảnh 1.

Một vụ ám sát (Hình minh họa – Nguồn: hoasivietnam)


1. Đại án Đỗ Thích giết vua

Câu chuyện thích khách mà sử sách thường nhắc đến, đó là chuyện "Đỗ Thích thí Đinh - Đinh" xảy ra vào tháng 10 năm Kỷ Mão (979); theo chính sử thì động cơ trong vụ việc này là nhằm đoạt ngôi vua:

"Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Định quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn.

Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua 3 ngày, khát lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Định quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Chê trách việc vua Đinh thiếu cảnh giác, việc canh gác bảo vệ hoàng đế không cẩn thận, sách Đại Nam quốc sử diễn ca có câu rằng:

Trùng môn thưa hở đề phòng,

Để cho Đỗ Thích gian hùng nỡ tay.

Vụ án Đỗ Thích giết vua Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn được sử chép rất vắn tắt như vậy, dã sử cho hay biết vua thích ăn món lòng lợn nên Đỗ Thích đã bỏ thuốc độc vào khiến vua trúng độc mà mất.

Khi Nam Việt vương vào cung thì bị Đỗ Thích từ chỗ ẩn nấp bất ngờ lao ra dùng đoản kiếm đâm chết.

Sau sự kiện này, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn được suy tôn lên ngôi báu. Lê Hoàn (tức Lê Đại Hành) lên ngôi tháng 7 năm Canh Thìn (980) sáng lập ra triều Tiền Lê, ông làm vua đến tháng 3 năm Ất Tị (1005) thì lâm bệnh mất, thọ 64 tuổi. Người con trai thứ ba của ông là Lê Long Việt theo di chiếu lên ngôi kế vị, nhưng bị các anh em khác đem quân đến tranh giành ngai vàng; các bên đánh nhau đến 8 tháng mới ngã ngũ.

Lê Long Việt lúc này mới chính thức đăng quang, sử gọi là Lê Trung Tông. Thế nhưng mới làm vua được 3 ngày thì bị em trai cùng mẹ là Khai Minh vương Lê Long Đĩnh sai thích khách đột nhập vào cung giết chết, thọ 23 tuổi. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Vua Long Việt lên ngôi được 3 ngày; Long Đĩnh sai kẻ trộm trèo tường vào trong cung, giết chết, rồi cướp ngôi".

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có chép lời sử thần Ngô Sĩ Liên chê trách Lê Trung Tông như sau: "Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.

Thế thì Trung Tông về tình anh em tuy là hậu, nhưng việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huống chi là em bất dễ! Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến khi chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng là tự Trung Tông làm ra cả".

Những từ "kẻ trộm", "bọn trộm cướp" mà sách sử nhắc đến trong vụ ám sát Lê Trung Tông thực ra gọi một cách chính xác chính là đám thích khách của Lê Long Đĩnh.

Tuy nhiên cái chết này của Lê Trung Tông cũng có nhiều bí ẩn, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Vua lên ngôi được 3 ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc".

 Thích khách trong lịch sử Việt Nam: Tài giỏi như Đinh Tiên Hoàng cũng đã mất mạng - Ảnh 2.

Hỗn chiến trong hoàng cung


Truyền rằng Lê Long Đĩnh sau khi giết anh cướp ngôi đã trở thành một hôn quân bạo chúa, dâm ô trụy lạc đến nỗi mắc bệnh phải nằm thiết triều nên có biệt danh là Ngọa Triều, sau đó chết vì bệnh tật vào tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009).

2. Thích khách trung thành  

Trong lịch sử, các thích khách chính là những sát thủ hiện lên như những trang nam nhi quả cảm và tuyệt đối trung thành. Họ thường được giao phó những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nguy hiểm.

Sức mạnh của họ đôi khi ngang với cả một đạo quân và có thể làm nên những chuyện kinh thiên động địa làm xoay chuyển cục diện, tuy nhiên không phải nhiệm vụ nào cũng thành công và cũng không mấy thích khách được sử sách Việt Nam ghi tên nhưng chuyện về họ thì còn lưu truyền hậu thế đến nghìn năm.

Cuối thời Trần, triều chính suy vi, thế lực bên ngoại là Hồ Qúy Ly trỗi dậy mạnh mẽ lấn át cả đế quyền, mưu đồ đoạt ngai vàng. Bảng nhãn Lê Hiến Giản (đỗ năm 1374) lúc ấy đang giữ chức Đại học sĩ, Tri thẩm hình viện, sau khi bàn mưu với vua Trần Xương Phù (còn gọi là Giản Hoàng) đã tìm cách diệt trừ.

 Thích khách trong lịch sử Việt Nam: Tài giỏi như Đinh Tiên Hoàng cũng đã mất mạng - Ảnh 3.

Sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược viết: "Bấy giờ Hồ Qúy Ly chuyên quyền, ông vâng mệnh Giản Hoàng bày kế để giết. Một lần Qúy Ly đến nhà ông, ông sai thích khách nấp, lấy đoản đao đâm không trúng, bị Qúy Ly bắt được, ông bị hại".

Sau vụ hành thích bất thành này, bản thân vua Trần Xương Phù cũng gặp tai vạ, bị truất ngôi và bị thắt cổ chết. Con út Thượng hoàng Trần Nghệ Tông tên là Trần Ngung lên kế vị, sử gọi là Trần Thuận Tông. Lúc ấy quyền hành trong triều đều do Hồ Qúy Ly quyết định, tháng 11 năm Đinh Sửu (1397) ông ép vua dời đô vào Thanh Hóa; đến tháng 3 năm Mậu Dần (1398) lại ép vua nhường ngôi cho con để đi tu.

Bất bình trước sự lộng quyền của Hồ Qúy Ly, tháng 4 năm ấy nhiều hoàng thân, quốc thích, đại thần mưu đồ diệt trừ Qúy Ly tại hội thề ở Đốn Sơn (nay thuộc xã Cao Mật, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) nhưng thất bại, dẫn đến một vụ án thảm án lớn cuối triều Trần; sách Đại Việt sử ký toàn thư viết như sau:

"Hôm ấy, Quý Ly họp thề ở Đốn Sơn. Bọn Khát Chân đã có ý giết Quý Ly. Quý Ly ngồi trên lầu nhà Khát Chân để xem, y như lệ thiên tử ngự đến miếu đến chùa. Cháu Khả Vĩnh là Phạm Tổ Thu và thích khách là Phạm Ngưu Tất cầm gươm định lên, Khát Chân trừng mắt ngăn lại, nên việc không xong. Quý Ly chột dạ đứng dậy, vệ sĩ hộ vệ xuống lầu. 

Ngưu Tất vứt gươm xuống đất nói: Chết uổng cả lũ thôi! . Sự việc bị phát giác, bọn tôn thất Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bửu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc, thân thích gồm hơn 370 người đều bị giết cả, tịch thu gia sản, con gái bắt làm nô tỳ, con trai từ 1 tuổi trở lên bị chôn sống, hoặc bị dìm nước" .

Sự do dự thiếu quyết đoán của Trần Khát Chân là nguyên nhân dẫn đến thảm án đó. Trong số những người bị hại, có tên một thích khách là Phạm Ngưu Tất, người định ra tay hành động nhưng đã bị cản lại.

Không lâu sau, Hồ Qúy Ly cướp ngôi lập ra nhà Hồ, con cháu họ Trần nhiều người phải bỏ trốn để giữ tính mạng. Sách Cổ nhân đàm luận cho biết có Trần Kiểu là cháu vua Trần Anh Tông trốn về trại huyện Đại An, phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định), tại đây ông kể lại thảm cảnh của con cháu họ Trần rồi khóc ầm lên và nhờ bạn là Vũ Duy Dương tìm cách báo thù.

Cảm thông số phận một hoàng thân trong cảnh cùng cực, Vũ Duy Dương nhận lời. Một hôm dò biết được vua Hồ về tuần thú ở phủ Thiên Trường và sắp lên núi Thôi Ngôi để vãn cảnh chùa, Vũ Duy Dương lên núi trước nấp trong bụi rậm chờ, khi Hồ Qúy Ly cùng tùy tùng đi qua, bất ngờ ông nhảy ra dùng giáo đâm nhưng chỉ khiến đối tượng bị thương, trong khi ngay lập tức Vũ Duy Dương bị đám võ sĩ bắt được.

Dù bị tra khảo tàn khốc nhưng Vũ Duy Dương quyết không khai ra người chủ mưu rồi đập đầu vào đá, vỡ óc mà chết.

(Còn tiếp)


Theo Lê Thái Dũng

Cùng chuyên mục
XEM