Xuất khẩu vải: Mỹ, Úc mở cửa nhưng vẫn không hy vọng

02/06/2015 09:19 AM |

Xuất khẩu vải vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc

“Mỹ, Úc mở cửa chính thức cho vải thiều Việt Nam thật nhưng vẫn không thể hy vọng gì nhiều trong 1-2 năm tới”, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định tại buổi Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 1-6.

“Đối với những thị trường chặt chẽ và khó tính, đặc biệt là tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm các mặt hàng nông sản cao như ở Úc và Mỹ thì quá trình và thủ tục để đưa được một mặt hàng mới là rau củ, trái cây vào thị trường này thông thường phải mất từ 5 đến 8 năm hoặc thậm chí còn lâu hơn”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Trên thực tế, quá trình đàm phán để được chấp thuận đưa vải thiều Việt Nam vào thị trường Mỹ, Úc cũng kéo dài 4 – 5 năm nay. Có được kết quả bước đầu như vậy là cả một nỗ lực lớn của các bộ, ngành. “Nhưng từ việc được chấp thuận, cho phép đưa các mặt hàng nông sản, trái cây cụ thể là trái vải đến việc đưa thành công vào thị trường các nước này cũng không phải đơn giản và vẫn tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực rất lớn”, Thứ trưởng nói.

Việc chúng ta hy vọng vào kim ngạch xuất khẩu lớn mặt hàng vải vào thị trường Mỹ, Úc hay EU trong thời gian 1-2 năm tới là không thể có được”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Tuy nhiên, việc Việt Nam đã tiến hành xuất khẩu những kg vải đầu tiên sang thị trường Úc, Mỹ được xem là bước đi vô cùng quan trọng và rất có ý nghĩa, vì:

Thứ nhất, Việt Nam có được sự chấp thuận chính thức của Cơ quan Quản lí Thực vật cũng như các cơ quan quản lí khác của nước bạn để các mặt hàng nông sản Việt Nam đường đường chính chính đi vào thị trường.

Thứ hai, trong thời gian vừa qua, thông tin đưa ra rằng, việc xuất khẩu vải sang 2 thị trường Úc, Mỹ chỉ dừng ở mức thí điểm khoảng một vài trăm tấn, nhưng bên cạnh đó cũng cho thấy doanh nghiệp trong nước đã trực tiếp vào cuộc và có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng kĩ thuật canh tác và tiêu chuẩn thị trường nhập khẩu yêu cầu.

Thứ ba, với bước đi từng bước “chậm mà chắc” như thế này sẽ giúp các Cơ quan Quản lý Nhà nước có điều kiện xây dựng những phương án hỗ trợ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và nông dân có thể phát triển mặt hàng xuất khẩu của mình tại các thị trường khó tính này. Bên cạnh đó, từ việc xuất khẩu vải vào thị trường Mỹ và Úc, Việt Nam cũng sẽ rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai mở rộng việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang thị trường EU và các thị trường khác.

“Tuy nhiên, sản lượng vải xuất khẩu vào hai thị trường Úc, Mỹ thời gian tới sẽ không nhiều và không thể tạo ra sự đột biến”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Thực tế, với mức tiêu thụ vải của mùa vải 2015 trên dưới 200.000 tấn thì trái vải Việt Nam vẫn phải trông đợi vào thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc. “Theo báo cáo đánh giá thị trường và các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu mang tính ổn định như thời gian qua thì tới đây, mức tiêu thụ vải ở thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc cũng sẽ ở mức như năm ngoái (thị trường nội địa là 60% và xuất khẩu Trung Quốc là 40%) và nếu có xê dịch cũng không đáng kể”, Thứ trưởng Tuấn Anh phân tích.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, trái vải không phải là mặt hàng phổ biến trong các loại trái cây tại thị trường ở các nước phát triển. Do vậy, bên cạnh việc cạnh tranh với các nước khác thì việc quan trọng nhất cần làm chính là xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, làm marketing cho vải thiều Việt Nam tại thị trường này, đặc biệt khi ta có điều kiện ngay từ đầu với kĩ thuật canh tác, tổ chức sản xuất đạt tiêu chuẩn như đã được triển khai ở Bắc Giang.

Chắc chắn rằng, sự ổn định của sản lượng, ổn định về mặt chất lượng sản phẩm, các quy cách đảm bảo yêu cầu của những hàng rào kĩ thuật là những nhân tố quyết định sự phát triển sản phẩm của chúng ta khi vào thị trường Âu, Úc, Mỹ”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh “ Chúng tôi cũng sẽ kết hợp với các ban, ngành tiếp tục có các biện pháp cụ thể động viên, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ tiếp cận vải Bắc Giang để đẩy nhanh tiến độ thiêu thụ cũng như đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường xuất khẩu”.

Hiền Giang

Cùng chuyên mục
XEM