World Bank: Việt Nam vẫn ì ạch trong cải cách cơ cấu

13/04/2015 14:46 PM |

Mặc dù vậy, World Bank vẫn nâng dự báo tăng trưởng GDP 2015 của Việt Nam lên mức 6,0%, tăng thêm 0,6% so với dự báo trước đó do việc ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút FDI.

Nội dung nổi bật:

- GDP 2015 của Việt Nam được World Bank nâng lên ở mứ 6,0%, tăng 0,6% so với dự báo của World Bank hồi tháng 10/2014. Việt Nam là nước được nâng tỷ lệ dự báo tăng trưởng GDP cao thứ 3 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sau Papua Niu Ghine và Mông Cổ

- Tuy nhiên, World Bank cũng cho rằng, Việt Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng do sự ì ạch trong những cải cách cơ cấu và sự bất trắc trên toàn cầu. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nợ công ngày một gia tăng (Tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh công là 61% GDP tính đến cuối năm 2014)


Dự báo tăng trưởng GDP năm 2015 của Việt Nam bất ngờ được Ngân hàng Thế giới (World Bank) nâng lên ở mứ 6,0%, tăng 0,6% so với dự báo của World Bank hồi tháng 10/2014.

Việt Nam là nước được nâng tỷ lệ dự báo tăng trưởng GDP cao thứ 3 trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sau Papua Niu Ghine (tăng 1,9%) và Mông Cổ (tăng  1,5%).

Nhận định về Việt Nam, World Bank cho biết, sau một số khó khăn hồi giữa năm 2014, kinh tế Việt Nam đã khởi sắc trở lại và tăng trưởng cuối năm đã vượt mức kỳ vọng. Cốt lõi của sự khởi sắc này, ông Sudhir Shetty – Chuyên gia Kinh tế Trưởng Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của World Bank – cho rằng, là do Việt Nam ổn định được nền kinh tế vĩ mô, và thành công trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

“FDI là nguồn đóng góp vào thành tích xuất khẩu của Việt Nam. Đấy là một phần lý do chúng tôi dự báo tăng trưởng của Việt Nam lạc quan hơn”, ông Sudhir cho biết.

Một yếu tố nữa đóng góp vào việc nâng dự báo tăng trưởng của World Bank đối với Việt Nam là môi trường kinh doanh đã có những cải cách quan trọng, tỷ lệ nghèo tiếp tục giảm đáng kể.

Tuy nhiên, World Bank cũng cho rằng, Việt Nam đang phát triển dưới mức tiềm năng do sự ì ạch trong những cải cách cơ cấu và sự bất trắc trên toàn cầu. Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nợ công ngày một gia tăng.

Việt Nam đang đối diện với một loạt câu hỏi quan trọng về nợ công, cổ phần hóa DNNN...

Nợ công gia tăng chủ yếu do nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách, phần lớn huy động từ nguồn vốn nội địa. Tổng dư nợ công và nợ được bảo lãnh công là 61% GDP tính đến cuối năm 2014. Các nghĩa vụ nợ dự phòng trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước đang gia tăng áp lực đối với sự bền vững nợ công.

Bên cậu câu hỏi làm thế nào để kiềm chế mức nợ công đang tăng lên, để chứng tỏ quyết tâm cao hơn trong việc thực hiện chương trình cải cách đầy tham vọng của chính phủ (đặc biệt trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước), Việt Nam cũng đang phải đối diện với câu hỏi làm thế nào để đảm bảo một mô trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

Mặc dù đã có những khởi động ban đầu nhưng công cuộc đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra chậm chạp hơn so với các chỉ tiêu kế hoạch. 148 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa trong năm 2014 – gấp đôi con số năm 2013, nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu cổ phần hóa 200 doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ đặt ra cho năm này.

Tuy nhiên, chỉ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chưa đủ, World Bank cho biết. Những cải cách này phải tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ cạnh tranh trong khu vực doanh nghiệp, với những biện pháp có trọng tâm, nhằm củng cố quản trị doanh nghiệp và thực thi hợp đồng, cũng như giảm các rào cản gia nhập thị trường.

“Phải có sự chú trọng đặc biệt đến việc thúc đẩy một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân” – World Bank khuyến nghị.

>> World Bank chỉ ra một loạt yếu điểm về môi trường kinh doanh Việt Nam

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM