Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP

19/11/2014 14:08 PM |

Đây là ý kiến của tất cả các diễn giả tham gia hội thảo “Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trước thềm hiệp định TPP: Triển vọng và Thách thức” diễn ra vào ngày 18/11/2014 do Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu - Cục XTTM - Bộ Công thương và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức.

Theo ông Nguyễn Hồng Dương - Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, phạm vi và lĩnh vực hợp tác ngày càng mở rộng. Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam về di trú và dịch vụ nhà hàng.

Ngay khi hiệp định thương mại song phương Hoa Kỳ - Việt Nam có hiệu lực, tổng kim ngạch XNK của Việt Nam với Hoa Kỳ từ nhập khẩu 461 triệu USD vào 2001 đã tăng lên 4,8 tỷ USD vào năm 2013, xuất khẩu từ hơn 1 tỷ USD vào năm 2001 tăng lên 23 tỷ USD vào năm 2013.

Riêng 9 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 20,8 tỷ đô la vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, thị phần hàng xuất khẩu của Việt Nam tại Hoa Kỳ vào năm 2013 vẫn chỉ chiếm 0,98% trong tổng số 2.320 tỷ USD kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Cũng theo ông Dương, hiện nay thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam sang Mỹ là dệt may và da giày vẫn tăng trưởng đều, nếu không có gì thay đổi thì mức tăng trưởng vẫn vào khoảng 15 – 20%. Tuy nhiên, rào cản lại gia tăng (chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật – xét quy trình sản phẩm chứ không phải sản phẩm), đặc biệt là sự thông qua của đạo luật Farm Bill 2014.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Dương cũng khuyến cáo: Sắp tới hàng hóa Việt Nam sẽ phải chịu nhiều rào cản thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ. Đặc biệt, rào cản này sẽ mang tính chất quy trình. Do đó, doanh nghiệp cần đầu tư tốt cho công nghệ sản xuất, môi trường, lao động…nhằm vượt qua những rào cản.

Để kết luận cho phần trình bày của mình, ông Nguyễn Hồng Dương cho rằng năm 2015 sẽ là một cú hattrick cho hoạt động thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Stuart Schaag- Tham tán thương mại, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội cũng cho biết: Để kinh doanh bền vững tại thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thị trường, xác định khách hàng từ đó xác định nhu cầu cũng như đối thủ cạnh tranh cho sản phẩm của mình.

Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu thông tin về thuế, nguyên vật liệu, quy chuẩn chất lượng sản phẩm thông qua Website của các Hiệp hội ngành hàng tại Mỹ.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, thuế suất đối với các thị trường trọng điểm mà Việt Nam xuất khẩu mặt hàng dệt may đang quá cao. Cụ thể, trong thị trường xuất khẩu dệt may của Việt Nam, Hoa Kỳ chiếm 50%, châu Âu chiếm 17%, Nhật Bản 12%, Hàn Quốc 6%, còn lại 2% là các thị trường khác. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ phải chịu thuế suất 17,5% và châu Âu là 9,6%.

Sau khi Việt Nam ký Hiệp định TPP thì thuế suất xuất khẩu mặt hàng dệt may tại Hoa Kỳ và thị trường các nước tham gia TPP sẽ được dỡ bỏ.

Mặt khác, thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam sẽ có cơ hội đàm phán để Hoa Kỳ và các nước thành viên mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, tạo cú hích mạnh để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.

>> Đầu năm 2015 sẽ ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU

Vương Nguyên

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM