“Việt Nam đang chờ 120 tỷ USD từ FDI”

31/10/2014 07:59 AM |

Đến nay, cả nước thu hút hơn 17.200 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 244 tỷ USD, trong đó mới có khoảng 120 tỷ USD đã được giải ngân. “Chúng ta vẫn còn 120 tỷ USD chưa được triển khai thực hiện” – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài tiết lộ.

Ông Đặng Xuân Quang - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết 120 tỷ USD nói trên là một trong những nguồn lực để chính phủ Việt Nam, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng như các Bộ, ngành, địa phương sẽ có nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động giải ngân nhanh của những dự án này. 

Trong những năm vừa qua, nguồn vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài - PV) trên thế giới có những suy giảm nhất định, chúng ta vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định dòng vốn giải ngân và vẫn còn nguồn vốn chưa được triển khai thực hiện. Đây là một nguồn lực mà chính phủ Việt Nam rất coi trọng trong thời gian tới”, ông Quang bổ sung.

Nhằm thu hút nguồn vốn FDI, Việt Nam đã có những cải cách mạnh mẽ, trong đó phải kể đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính - cắt giảm mạnh thời gian nộp thuế từ 537 giờ/năm còn 201 giờ/năm, dự kiến 2015 giảm còn 171 giờ/năm. Các thủ tục khác như thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu giảm thời gian 50%, BHXH còn 108 giờ/năm, dự kiến năm 2015 sẽ rút xuống còn 49,5 giờ/năm..., ông Quang cho biết thêm.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2014, đầu tư FDI vào Việt Nam đang trên đà phục hồi. Cụ thể, đầu tư FDI từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2014 thu hút 1.306 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt gần 10 tỷ USD, tăng 24,4% về số dự án và giảm 23,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013.

Nếu cộng thêm cả số dự án được cấp vốn bổ sung, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 13,7 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng năm nay ước tính đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với sự tăng trưởng của khu vực FDI, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lại có chút quan ngại: “FDI tăng lên mà khu vực trong nước yếu đi thì rõ ràng là có vấn đề về cơ cấu. Câu chuyện FDI có đảm bảo rằng hội nhập được, liên kết được với khu vực trong nước để kéo nền kinh tế trong nước đi lên hay chúng ta chỉ quan tâm FDI chủ yếu ở khía cạnh sản lượng?

Câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng nổi tiêu chuẩn cung cấp ốc vít cho Samsung là một dấu hỏi về năng lực của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Về vấn đề này, ông Tang Weng Fei – Chủ tịch Công ty TNHH Thành phố Thương mại Á Châu (ATC) chia sẻ: “Tôi biết đây là quan ngại lớn của nhiều người. Hiện các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế như thiếu kỹ năng của người lao động, bản thân vấn đề trình độ học vấn, năng lực chưa tốt. Nhưng Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được điểm yếu này rồi và sẽ có chương trình hoặc chính sách để hỗ trợ như đào tạo thêm kỹ năng cho người lao động, trình độ học vấn cũng như năng lực cho họ”.

Các công ty lớn đến đây như Samsung, Nokia... không thể tồn tại riêng một mình mà cần công nghiệp phụ trợ là các địa phương ở đây. Hiện họ lên tiếng rằng doanh nghiệp Việt Nam cần trình độ kỹ năng nhiều hơn, cần năng lực hơn thì các bạn có thể phải trải qua một thời gian dài. Đây có thể là một quá trình nhiều năm, vài ba năm hoặc lâu hơn nữa. Sau quá trình này, chắc chắn các bạn có thể giải quyết được vấn đề nói trên.”

>> Tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ khu vực FDI?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM