Việt Nam chỉ còn dựa vào lao động giá rẻ được 10 năm nữa?

18/08/2015 09:52 AM |

Theo Phó Thủ tướng Singapore, đã đến lúc các nước như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ bắt buộc phải chuẩn bị cho "cuộc xâm lăng" của binh đoàn robot.

Trong một buổi họp với các quan chức Ấn Độ hồi tháng 12 năm ngoái, ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng của Singapore, cũng như trưởng ban tư vấn chính sách của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, nhận định: "Thời gian không đứng về phía Ấn Độ. Tôi nghĩ rằng việc sản xuất dựa vào lao động giá rẻ như hiện nay chỉ còn tồn tại được thêm 10 năm trước khi bị robot chiếm lĩnh".

Thay thế nhân công giá cao...

Mới đây vào hôm 3-8, trong buổi ra mắt cuốn sách "Singapore 2065", ông Tharman cũng đã nói: "Các robot đang ngày càng trở nên rẻ hơn, an toàn hơn và thông minh hơn. Chúng đang được trang bị những bộ cảm ứng tốt hơn, và được làm từ những vật liệu nhẹ hơn, cho phép robot dễ dàng làm việc bên cạnh con người. Robot sẽ làm giảm chi phí cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng, nhưng sẽ thay thế hàng loạt công việc của con người".

Tại Singapore, nơi giá nhân công rất đắt đỏ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bắt đầu ứng dụng robot để cắt giảm giá thành sản xuất. Một công ty thực phẩm của Singapore là Q.B. Food đã được Bộ Công thương Singapore tuyên dương, sau khi đầu tư hơn 700.000 USD cho một hệ thống robot sản xuất phô mai. Nhờ có robot này, Q.B. đã tăng được sản lượng lên tới 60%, cũng như tăng năng suất của mỗi công nhân lên gấp đôi.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc Q.B. đã cho 1 công nhân nghỉ việc, vì họ chỉ cần 3 công nhân để vận hành dây chuyền so với 4 như trước đây.

...Lẫn nhân công giá rẻ

Tại Ấn Độ, nhà máy môtô lừng danh Royal Enfield Motors (REM) của nước này cũng đang bắt đầu sử dụng robot để thay thế cho đội ngũ nhân công. Dây chuyền sơn mạ của REM giờ đây chỉ cần một vài công nhân, sau khi đã được bổ sung 4 hệ thống robot mua từ tập đoàn Thụy Sĩ ABB. Theo ước tính, 4 robot này có thể làm thay công việc của 15 người thợ mà không cần ngưng nghỉ.

Sơn xe là một công việc khá nguy hiểm với con người, vì trong sơn thường chứa các chất độc có thể gây chóng mặt, buồn nôn và tệ hơn nữa là gây mất trí nhớ nếu tiếp xúc lâu dài. Các thợ sơn cũng không bao giờ có thể phun sơn đều tay, dẫn tới việc lãng phí sơn hoặc để sót một vài điểm trên xe. Trong khi đó, một robot thì không hề sợ chất độc và có thể sơn nhanh gấp 4 lần con người, với kết quả luôn luôn gần như hoàn hảo.

Robot của ABB trên dây chuyền sơn của REM - Ảnh: Bloomberg.

Robot của ABB trên dây chuyền sơn của REM - Ảnh: Bloomberg.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ban lãnh đạo REM đang định bổ sung thêm 14 robot nữa vào dây chuyền sơn trong thời gian tới. Theo tuyên bố từ REM và ABB, khoản đầu tư vào robot sẽ hoàn vốn chỉ trong vòng 2 năm.

Ông Per Vegard Nerseth, Tổng giám đốc bộ phận sản xuất robot của ABB, cho biết: "Các nhà máy sản xuất lớn thường xuyên gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một đội ngũ công nhân lành nghề chịu khó làm một công việc lặp đi lặp lại liên tục. Do nhân công ra vào liên tục, nên chi phí đào tạo là rất lớn. Vì vậy, việc đầu tư vào robot là một lựa chọn rất hấp dẫn với nhiều công ty".

Bao nhiêu lâu nữa thì robot có thể thay thế được nhân công trên dây chuyền lắp ráp của REM? - Ảnh: Bloomberg.

Bao nhiêu lâu nữa thì robot có thể thay thế được nhân công trên dây chuyền lắp ráp của REM? - Ảnh: Bloomberg.

Mới đây, REM lại tiếp tục bổ sung thêm 4 robot nữa vào dây chuyền hàn của họ. Mỗi robot này có thể làm việc nhanh hơn một người thợ hàn lành nghề tới 6 lần. Hiện tại, REM từ chối cho biết họ đã cho bao nhiêu công nhân nghỉ việc, cũng như giữ kín kế hoạch mua sắm thêm robot trong thời gian tới.

"Cuộc xâm lăng" của binh đoàn robot

Theo số liệu từ Liên đoàn Robot Thế giới IFR, trong năm 2013 Ấn Độ đã có tổng cộng 1.900 robot công nghiệp, tăng 23% so với năm 2012. Nhưng nếu so với Trung Quốc thì đây chỉ là muối bỏ biển: nội trong năm 2014, các nhà máy Trung Quốc đã đặt mua thêm tổng cộng 56.000 robot. Trong khi đó, Thái Lan cũng đã có hơn 3.200 robot.

Tại Ấn Độ, robot được xem là giải pháp cho tình trạng năng suất lao động quá thấp của nước này. Theo một báo cáo từ công ty tư vấn Boston Consulting Group, năng suất lao động của Ấn Độ đang đứng chót bảng trong số các nền kinh tế lớn. Chính vì vậy nên dù có giá rẻ, nhưng công nhân Ấn Độ vẫn khó cạnh tranh với robot.

Giờ đây, không chỉ có các công nhân nhà máy mà ngay cả giới nhân viên văn phòng, vốn đóng góp một phần quan trọng trong ngành công nghiệp outsourcing của Ấn Độ, cũng bị đe dọa bởi robot. Theo một báo cáo từ công ty Kotak của Ấn Độ, nhiều tập đoàn công nghệ và ngân hàng của nước này đang dự định cắt giảm 1/3 nhân sự trong vòng 5 năm tới thông qua các giải pháp tự động hóa.

Giữa lúc Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ đang muốn phát triển ngành sản xuất để tạo ra công ăn việc làm cho thế hệ lao động trẻ của nước này, sự trỗi dậy của robot là một rào cản khá lớn cho ông Modi. Ông Makoto Yokoyama, người đứng đầu bộ phận công nghệ tự động hóa của Mitsubishi tại Ấn Độ, nhận định: "Một nhà máy dùng 100 lao động ngày hôm nay có thể chỉ cần tới 10 hay 20 người trong vòng 10 năm tới, khi đã áp dụng các công nghệ mới".

Lá chắn giáo dục

Hồi năm 2011, một báo cáo từ công ty Metra Martech của Anh đã lạc quan cho rằng ngành công nghiệp robot sẽ tạo ra lượng việc làm đủ để bù đắp cho các công việc bị thay thế bởi robot. Tuy nhiên, nếu xem kỹ báo cáo này thì sẽ thấy rằng chỉ có các nước đã công nghiệp hóa và hiện đại hóa mới có được các công ăn việc làm này. Nói cách khác, muốn giữ được việc làm trong thời đại robot thì cần phải có một nền giáo dục và công nghệ thật tốt.

Khảo sát của Aspiring Minds cho thấy chỉ có 19% số cử nhân các ngành kỹ thuật tại Ấn Độ là đủ tiêu chuẩn làm việc - Ảnh: prx.org

Khảo sát của Aspiring Minds cho thấy chỉ có 19% số cử nhân các ngành kỹ thuật tại Ấn Độ là đủ tiêu chuẩn làm việc - Ảnh: prx.org

Và đây chính là vấn đề đau đầu của Ấn Độ: Một nửa số cử nhân tốt nghiệp hàng năm tại nước này bị đánh giá là không có khả năng kiếm được việc làm vì khả năng ngôn ngữ và tư duy kém. Công ty xây dựng lớn nhất Ấn Độ là Larsen & Toubro cho biết họ thường xuyên phải đào tạo lại từ đầu cho các nhân công mới, với chi phí gần 500 USD cho một khóa học 3 tháng.

Ông Antoine van Agtmael, một cựu chuyên gia của Ngân hàng Thế giới và hiện đang viết một cuốn sách về sự trỗi dậy của công nghệ tự động hóa, kết luận: "Thách thức chính đối với các thị trường mới nổi như Ấn Độ sẽ không phải là tạo ra thật nhiều công việc lương thấp, mà là làm sao để phát huy được tiềm năng của nguồn nhân lực khổng lồ đang có thông qua cải thiện và mở rộng hệ thống giáo dục".

Cũng theo ông Agtmael, thế giới đang chứng kiến một sự chuyển dịch khổng lồ về mô hình kinh tế: "25 năm qua là dành cho những ai có thể sản xuất được hàng hóa với cái giá rẻ nhất. Nhưng 25 năm tới là dành cho những ai có thể sản xuất được theo cách khôn ngoan nhất".

 

Theo Tuấn Minh

Cùng chuyên mục
XEM