Viện Kinh tế - Tài chính dự báo: CPI 2015 chỉ ở mức 2 - 3%

26/12/2014 16:17 PM |

Đây là mức dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra. Tổng cục Thống kê thì đưa ra mức dự báo an toàn hơn, với mức trên dưới 4%.

Tại hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam cơ hội và thách thức” sáng 26/12, các chuyên gia đã đưa ra dự báo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn quốc năm 2015.

Với nhận định tình hình thế giới còn nhiều khó khăn và tình hình trong nước không có nhiều đột biến, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, cho rằng mức CPI có thể dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp, có thể dao động trong khoảng 2 – 3%.

Theo TS. Tuyến, các yếu tố tác động lên CPI trong năm 2015 gồm:

Một là, kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh ở mức 5% vào cuối năm 2014, vượt xa mức dự báo 4% trước đó nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn còn đó những bất ổn, từ dự báo về quá trình tiếp tục tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản bước vào suy thoái những tháng cuối năm 2014, tác động xấu từ khủng hoảng chính trị ở Ukraine khiến đồng Ruble Nga mất giá... Những khó khăn của kinh tế thế giới sẽ là một trong những nguyên nhân làm cho giá cả không có nhiều đột biến tăng cao.

Hai là, giá dầu giảm được dự báo sẽ kéo dài trong một thời gian và có thể là một vài năm tới. Thông tin này được khẳng định từ những tuyên bố của Hiệp hội các nước xuất khẩu dầu mỏ nhằm chống lại việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, đặc biệt là dầu đá phiến để hạn chế sự phụ thuộc của kinh tế vào các loại nhiên liệu là xăng dầu đang sử dụng hiện nay.

Giá dầu thô và xăng dầu giảm sẽ làm cho giá đầu vào của các ngành sản xuất ở Việt Nam giảm, và là điều kiện để giảm giá bán.

Ba là, chính sách tiền tệ không có nhiều đột biến so với năm 2014. Năm 2015, TS. Tuyến nhận định tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng không có những dấu hiệu tăng trưởng mạnh do nợ xấu trong các doanh nghiệp vẫn chưa được xử lý, cho nên các điều kiện để vay vốn chưa đảm bảo đủ an toàn để các ngân hàng thương mại có thể mở rộng cho vay.

Còn đối với tín dụng tiêu dùng, cũng khó có thể tăng mạnh do một bộ phận khá lớn tiền trong dân cư hiện vẫn nằm trong các dự án bất động sản chưa thể xử lý được. Ngoài ra, do trong giai đoạn vừa qua, lạm phát một số năm tăng rất cao và bất thường nên hành vi tiêu dùng của người dân cũng thay đổi theo hướng thận trọng trong tiêu dùng, tăng tiết kiệm.

Bốn là, chính sách tài khóa thắt chặt sẽ được duy trì. Rõ ràng, Chính phủ không thể mạo hiểm nới lỏng chi ngân sách. Ngược lại, phải duy trì chính sách tài khóa thắt chặt để ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức vừa phải, hạn chế rủi ro cho nền kinh tế.

Năm là, giá cả một số sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước sẽ không có nhiều biến động lớn trong năm 2015.

Bên cạnh việc dự báo CPI năm 2015 chỉ ở mức thấp, 2 – 3%, TS. Tuyến cũng cho rằng mức lạm phát này sẽ kéo dài trong một số năm, và cũng nhiều khả năng sẽ là suốt giai đoạn 2016 – 2020.

“Lạm phát và tăng trưởng kinh tế chỉ thay đổi mạnh khi nào nợ xấu và những rủi ro trong nền kinh tế được xử lý và kiểm soát một cách triệt để” – TS. Tuyến cho biết.

Ở mức khả quan hơn, Tổng cục Thống kê dự báo CPI sẽ ở mức trên dưới 4% với lý do: Các yếu tố dịch bệnh, thời tiết, giá xăng dầu tác động vào CPI năm 2014 thì chưa chắc đã lặp lại trong năm 2015.

Bên cạnh đó, với việc tăng giá bán điện năm 2015, Tổng cục Thống kê cho rằng mức tăng giá bán điện 9,5% sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,55%, làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình là 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.

>> CPI và 3 dấu hỏi cho hiện tượng 10 năm có 1

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM