Vì sao Vietnam Airlines quyết 'tậu' máy bay hiện đại nhất thế giới?

14/11/2014 09:59 AM |

Theo đại diện của hãng Airbus, đây là chiếc máy bay Airbus 350 thứ 14 mà Airbus sản xuất theo đơn đặt hàng và VNA là hãng hàng không thứ 2 trên thế giới sở hữu loại máy bay giá 340 triệu USD này, sau hãng hàng không Qatar Airways.

Sự kiện tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines-VNA) phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào ngày 14/11 được xem là sự kiện đáng chú ý nhất trong năm 2014. Theo đó, VNA sẽ chào bán 3,475% cổ phần để thu về 1.000 tỷ đồng.

Bên cạnh kế hoạch IPO, tháng 6/2015 hãng hàng không này sẽ nhận chiếc máy bay Airbus 350 XWB đầu tiên và dự kiến khai thác vào quý III/2015. Theo đại diện của hãng Airbus, đây là chiếc máy bay Airbus 350 thứ 14 mà Airbus sản xuất theo đơn đặt hàng và VNA là hãng hàng không thứ 2 trên thế giới sở hữu loại máy bay giá 340 triệu USD này, sau hãng hàng không Qatar Airways. Vậy vì sao VNA quyết tâm “tậu” máy bay hiện đại như vậy?

Vươn xa ra quốc tế

Hiện tại xét trong thị trường ngành hàng không Việt Nam, VNA là hàng hàng không có lợi thế hàng đầu về đường bay quốc tế. Theo báo cáo phân tích của công ty chứng khoán ngân hàng đầu tư (BSC), hiện VNA sở hữu trên 400 slot tại 29 điểm đến tại các sân bay quốc tế, trong đó có rất nhiều sân bay rất khó để được cấp quyền khai thác do mật độ khai thác tại các sân bay này đã cao như Narita, Haneda (Nhật Bản), Thượng Hải, Hồng Kông, Quảng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc), Charles de Gaulle (Pháp). Các hãng hàng không khác có số lượng đường bay quốc tế tính đến cuối năm 2013 chỉ bằng số lẻ của VNA. VNA định hướng sẽ mở rộng khai thác các đường bay quốc tế trong giai đoạn 2014-2018 đồng thời hoàn thiện các đường bay hiện tại để tận dụng lợi thế này.

Số lượng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam, 31/12/2013. Nguồn: BSC.

Số lượng đường bay của các hãng hàng không Việt Nam, 31/12/2013. Nguồn: BSC.

Trong các thị trường, Đông Bắc Á được xem là thị trường chính, chiếm 46,35% tỷ trọng vận tải quốc tế của VNA, đây cũng là mục tiêu được hãng định hướng tiếp tục đẩy mạnh khai thác nhờ tăng tần suất bay, sử dụng các loại máy bay thân rộng được trang bị hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả khai thác. Ngoài ra VNA cũng dự kiến mở cửa đường tới Bắc Mỹ, 1-2 điểm mới tại châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ, xem xét phát triển bay thẳng Hà Nội đi Úc.

Phân khúc cao cấp

Cũng theo báo cáo của BSC, VNA sử dụng chiến lược thương hiệu kép để cung cấp dải sản phẩm đa dạng, trong đó Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập cao và trung bình, Jestar Pacific hướng đến phân khúc khách hàng thu nhập thấp. Bên cạnh đó VNA đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ lên tiêu chuẩn 4 sao vào năm 2015-2016 nhằm cải thiện cơ cấu khách hàng, từ đó tăng doanh thu trung bình trên một hành khách. Với chiến lược mở rộng ra quốc tế và hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, việc VNA mạnh tay chi tiền “tậu” máy bay hiện đại nhất thế giới với việc ghế có thể hạ phẳng 180 độ, cung cấp internet cho hành khách cũng là điều dễ hiểu.

Theo kế hoạch, quy mô đội bay của VNA tăng lên 116 chiếc vào năm 2018 trong đó số máy bay thân rộng tăng gấp đôi từ 19 lên 38 chiếc. Tổng số máy bay khai thác sẽ tiếp nhận trong giai đoạn 2014-2018 chủ yếu gồm 7 tàu bay A321, 19 tàu bay B787-9 và 12 tàu bay A350. Không chỉ xuất phát từ mục tiêu hướng tới phân khúc hàng hàng thu nhập cao và trung bình, việc đưa vào khai thác và sử dụng hiệu quả đội bay cỡ lớn như Boeing 787 và A350 mới, sẽ giúp VNA tăng hiệu suất sử dụng máy bay trung bình của toàn đội bay.

Dự báo số giờ bay trung bình của đội bay VNA. Nguồn: BSC.

Dự báo số giờ bay trung bình của đội bay VNA. Nguồn: BSC.

Áp lực cạnh tranh nội địa

Việc đẩy mạnh phát triển mạng lưới quốc tế của VNA cũng xuất phát từ một thực tế rằng hãng hàng không này đang chịu áp lực cạnh tranh khá lớn tại thị trường nội địa. Theo cục hàng không dân dụng Việt Nam, thị phần nội địa năm 2013 của Vietjet Air đã đạt 26,1% với 3,2 triệu hành khách (tăng khoảng 3 lần so với năm 2012), trong khi Jestar Pacific Airlines- công ty con của VNA chỉ chiếm 15,2% thị phần.

Theo số liệu từ báo cáo của BSC, thị phần nội địa của VNA năm 2013 giảm 15,5% so với mức 78,7% vào năm 2008, thị phần tổng mạng giảm từ mức 55,6% năm 2008 xuống 51,8% năm 2013. Thị phần nội địa của VNA giảm mạnh do sự xuất hiện của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air, Jestar Pacific, Airasia,... hay trước đây là Air Mekong.

Thị phần Vietnam Airlines từ 2008-2013. Nguồn: Bản công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu trên sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM.

Thị phần Vietnam Airlines từ 2008-2013. Nguồn: Bản công bố thông tin chào bán cổ phần lần đầu trên sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM.

Mở rộng đội bay, thay mới bằng máy bay hiện đại nhất là khoản đầu tư lớn với Vietnam Airlines, kèm theo đó là rủi ro gia tăng khi mà cơ cấu nợ của VNA được xem là đang ở mức khá cao. Theo báo VnEconomy, hiện hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của VNA không tính các khoản nợ có tính đặc từ là 4,3 lần, nợ dài hạn/vốn chủ sở hữu là 3,17 lần và cao hơn mặt bằng chung của ngành hàng không. Đây có thể xem là yếu tố khiến nhà đầu tư nghi ngại khi đầu tư vào cổ phiếu VNA. Chiến lược phát triển của VNA liệu có mang lại hiệu quả như hãng mong đợi, điều này chắc cần một thời gian nữa mới kiểm định được.

>> Hé lộ kế hoạch tuyển dụng phi công Việt của Vietnam Airlines

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM