Vì sao tiền xu in chân dung bán diện, tiền giấy lại là hình trực diện?

02/10/2014 10:30 AM |

Lý do đơn giản dựa vào nguyên tắc quản lý chi phí trong kinh tế học.

Ngày nay tiền xu đã biến mất trong giao dịch hàng ngày tại Việt Nam kể từ quyết định ngừng đúc và đưa vào lưu thông loại tiền kim loại này của Thủ tướng Chính phủ năm 2011. Mặc dù không phổ biến tại Việt Nam nhưng tại các nước trên thế giới, tiền xu lại xuất hiện khá sớm và phổ biến.

Theo các nhà khảo cổ, những đồng xu được công nhận đầu tiên được tạo ra từ thế kỷ 7 trước công nguyên tại vùng Lydia (thuộc vùng Izmir và Manisa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Những đồng xu này được chế tác từ một loại hợp kim giữa vàng và bạc, trang trí chỉ một mặt hình đầu bò, sư tử hoặc cả hai, sau này mặt thứ 2 cũng được thiết kế phụ thêm. Ý tưởng về hình thức tiền tệ này nhanh chóng lan truyền sang Hy Lạp, sau đó đến La Mã và châu Âu. Tại Anh, những đồng xu đầu tiên được sản xuất vào năm 100 trước công nguyên.

Tiền xu vùng Lydia. Nguồn: Historyfiles.co.uk

Tiền xu vùng Lydia. Nguồn: Historyfiles.co.uk

Ngày nay, khi đi du lịch một số nước như Anh, bạn sẽ thấy gương mặt của Nữ hoàng trên đồng xu và đồng bảng Anh đều là hình bán diện. Tuy nhiên, khi quan sát những đồng tiền giấy, bạn sẽ thấy chân dung Nữ hoàng đều là hình trực diện. Trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, các quốc gia khác cũng in chân dung hình bán diện lên đồng xu và trực diện lên tiền giấy. Tại sao lại có sự khác biệt này?

Lý do đơn giản dựa vào nguyên tắc quản lý chi phí trong kinh tế học. Mặc dù các hoạ sĩ thường thích chân dung trực diện hơn nhưng kỹ thuật chạm khắc trên kim loại rất phức tạp nên khó mà tạo ra một chân dung trực diện rõ ràng trên đồng xu.

Theo nhà kinh tế học Robert H Frank, tác giả cuốn sách “The Economic Naturalist: In Search of Solutions to Everyday Enigmas”, độ nổi của chân dung in trên đồng xu thường nhỏ hơn 0,4 cm, vì vậy rất khó đúc những chi tiết cần thiết để dễ nhận ra một chân dung trực diện. Ngược lại khi khắc hình bán diện, chỉ cần dựa vào viền bóng thôi cũng có thể nhận ra chân dung. Tất nhiên có thể khắc trên đồng xu những chi tiết cần thiết để tạo ra chân dung trực diện rõ ràng nhung khi đó chi phí sản xuất sẽ rất cao. Ngoài ra những nét khắc trên đồng xu như mũi, cằm,.. sẽ bị mòn đi nhanh chóng trong quá trình lưu thông tiền xu.

Chi phí đúc tiền xu cũng là một vấn đề đau đầu của nước Mỹ hiện nay khi hàng năm nước này đúc ra hàng tỷ USD tiền xu nhưng mệnh giá của số tiền xu này nhỏ hơn chi phí để sản xuất ra chúng. Theo tạp chí Wall Street Journal, mỗi năm người Mỹ sẽ mất hàng triệu USD vì tiền xu bởi trong quá trính lưu thông, một lượng tiền xu bị mất, vứt bỏ hoặc phá hủy khiến nhu cầu về tiền xu mới luôn xuất hiện. Theo thống kê của Fed, kể từ năm 2000, 21% số đồng xu 1 cent (penny) được đúc đã biến mất, gần gấp đôi so với số đồng xu 25 cent bị mất.

Hoat dong duc tien cua U.S.Mint tu nam 2000-2014

Hoạt động đúc tiền xu của U.S.Mint từ năm 2000-2014.

Không những thế chi phí đúc đồng 1 cent và 5 cent lớn hơn mệnh giá của những đồng xu này. Năm 2011, khi chi phí cao nhất, phải tốn tới 2,41 cent để đúc 1 đồng 1 cent và 11,18 cent để đúc đồng 5 cent. Năm 2010, Quốc hội Mỹ yêu cầu Cục đúc tiền tìm ra những cách rẻ hơn để đúc tiền xu nhưng cơ quan này không thể tìm được cách sản xuất đồng 1 cent với giá dưới 1 cent. Đồng 1 cent từng được đúc bằng đồng nhưng do giá ngày càng tăng, đồng chỉ còn chiếm tỷ trọng 2,5% kể từ năm 1982.

Chính vì vậy việc cắt giảm chi phí là điều vô cùng quan trọng trong việc sản xuất tiền xu.

Điều này cũng được áp dụng triệt để trong nguyên tắc thiết kế tiền xu như đã nêu ở trên. Vậy việc dùng hình bán diện giúp việc sản xuất tiền dễ dàng và tiết kiệm chi phí vậy tại sao các nước lại không in hình bán diện lên tiền giấy? Theo giải thích của Robert H Frank, chân dung trực diện in trên tiền giấy có nhiều chi tiết phức tạp hơn sẽ hạn chế việc làm tiền giả.

>> Muốn giàu có, đừng vội bỏ qua 7 điều đơn giản sau

Kim Thủy

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM