Vì sao người Việt Nam sống trong nước nông nghiệp nhưng phải ăn gạo giá cao?

21/07/2014 11:02 AM |

"Sở dĩ người Việt phải ăn gạo giá cao vì chỉ có thể bán được ở trong nước, gạo này không xuất khẩu được vì khó cạnh tranh".

Nội dung chính:

- Việt Nam là nước nông nghiệp sản xuất lúa gạo nhưng giá xuất khẩu lại đắt.
- GS Xuân cho rằng nguyên do cũng là vì sự lười, ngại thay đổi  và học hỏi dẫn đến những chi phí không hợp lý nên gạo Việt Nam bị đẩy giá lên cao.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Công thương chưa làm hết vai trò quản lý nhà nước của mình. Ở nước nông nghiệp mà người dân bỏ ruộng phần nào nói lên nghịch lý cũng như mặt trái của chính sách.

- Nông dân cứ lo trồng mà không biết bán cho ai. Khi trồng nhiều quá thì bị rớt giá, thương lái ép dẫn tới phải bỏ ruộng.


GS.TS, anh hùng lao động Võ Tòng Xuân đã lý giải nguyên nhân của câu chuyện người Việt Nam sống trong nước nông nghiệp nhưng phải ăn gạo giá cao và ông cũng chỉ ra những nghịch lý khiến nông dân chịu thua thiệt tận cùng.

Làm ra gạo nhưng bán đắt không xuất khẩu được

Theo GS Võ Tòng Xuân, cũng không nên so sánh gạo xuất khẩu giá 430 USD/tấn với gạo bán tại các quầy cho người tiêu dùng trong nước. Lý do là vì chất lượng hai loại gạo này khác nhau nên giá bán thị trường trong nước cao hơn cũng là dễ hiểu.

"Nếu như cũng với loại gạo đang bán tới tay người tiêu dùng có giá 17.000-18.000 thì xuất khẩu sẽ được giá hơn. Tuy nhiên không nước nào chịu mua với giá này nên đành bán cho người tiêu dùng trong nước", GS Xuân nói.

Cụ thể, gạo này được xem là đều, bóng, dẻo ngon hơn, tương đương với gạo của Thái Lan nhưng cũng là loại gạo đó thì Thái Lan lại xuất khẩu được giá rẻ hơn Việt Nam. Chính vì thế gạo của Thái Lan được các bạn hàng quốc tế lựa chọn, trong khi gạo của Việt Nam không thể cạnh tranh được.

Lý giải nghịch lý này, GS Xuân cho rằng nguyên do cũng là vì sự lười, ngại thay đổi  và học hỏi dẫn đến những chi phí không hợp lý nên gạo Việt Nam bị đẩy giá lên cao.

Có nghĩa là cũng với gạo có chất lượng tương đương với Việt Nam nhưng người nông dân Thái Lan chỉ chi hết khoảng 2.300 đồng/kg thì Việt Nam phải chi đến 4.000 đồng/kg.

"Chính vì thế khi bán ra phải cao giá mới có lãi. Nhưng giá cao thì không ai mua và như thế chỉ còn cách bán ở trong nước", GS Võ Tòng Xuân cho biết.

Chẳng riêng gì gạo, ngay cả với đường cũng vậy. Cách làm từ trước tới giờ không chú ý tới việc đưa năng suất của cây mía lên. Nhà máy sản xuất đường lại không hiệu quả nên tính ra giá đường cao. Ngay cả cây mía đầu vào cũng giá cao.

"Thái Lan, hay Hoàng Anh Gia Lai của Việt Nam sang bên Lào trồng cũng chỉ bán 30 USD/tấn mía còn Việt Nam là 50 USD/tấn mía. Suốt mấy chục năm qua Việt Nam không chịu nghiên cứu cây mía mà nhập giống về trồng không năng suất. Trước chúng ta có Viện Mía Đường nhưng không có kinh phí nghiên cứu. Rồi có cả Tổng Công ty Mía đường 2 nhưng công ty này lại sống kiểu bao cấp không lo nghiên cứu gì cả. Vì thế giá mía tại Việt Nam luôn cao hơn khiến giá đường cao hơn, khó cạnh tranh là dễ hiểu", GS Xuân nói thẳng.

Nhà khoa học của những người nông dân này cũng thừa nhận, đến bây giờ những người trong ngành mía đường mới đang lo đầu tư nghiên cứu về cây mía để có thể cạnh tranh được với Thái Lan. Trong khi các nước họ đã có một bước tiến dài. Còn ở Việt Nam bây giờ nông dân đã bỏ cây mía vì trồng mía không có lời.

"Dân trồng mía nếu bán cao quá nhà máy đường không mua, còn bán thấp thì lời ít nên họ bỏ cây mía trồng cây khác nên diện tích mía ít dần đi. Các doanh nghiệp lại phải đi  qua Campuchia mua mía, giá chuyên chở tăng cao rồi cuối cùng cũng vào giá thành khiến mía đường lên cao. Cuối cùng là giá đường cũng không thể cạnh tranh được", GS Xuân nói.

Không ít nông dân đã bỏ ruộng để lên thành phố tìm việc vì trồng lúa không mang lại lợi nhuận cao cho họ
Không ít nông dân đã bỏ ruộng để lên thành phố tìm việc vì trồng lúa không mang lại lợi nhuận cao cho họ

Nông dân còn tự bơi, kinh tế còn đi xuống

Từ trước tới nay trong nhiều văn bản, nghị quyết, vai trò của nông nghiệp luôn được đề cao và xem là động lực để phát triển kinh tế. Thế nhưng ở nước nông nghiệp mà người dân bỏ ruộng phần nào nói lên nghịch lý cũng như mặt trái của cái gọi là chính sách vì dân.

Theo GS Võ Tòng Xuân: "hiện chính sách nâng đỡ người nông dân để cho họ phát triển và có lợi ích cao hơn thì thực sự mới chỉ bao cấp chỗ làm thủy lợi. Còn lại mặc để người nông dân muốn làm gì thì làm. Nông dân tự bơi. Doanh nghiệp thì không lo gì cho nông dân mà mua qua thương lái".

Nói chung là nông dân cứ lo trồng mà không biết bán cho ai. Khi trồng nhiều quá thì bị rớt giá, thương lái ép. "Cách làm của mình là nhà nước không tổ chức để vừa tiêu thụ được sản phẩm, vừa đưa ra được sản phẩm có thương hiệu cao", GS Xuân chỉ rõ.

Ở đây, GS Xuân cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Bộ Công thương chưa làm hết vai trò quản lý nhà nước của mình.

"Hai bộ không đưa người nông dân vào tổ chức trồng, tiêu thụ đáng ra phải đi theo chuỗi. Thế nhưng hiện nay cứ để mạnh ai người đó làm. Mỗi người một mảng, còn doanh nghiệp tham gia vào người thì lo bán phân bón, người thuốc trừ sâu, người lo mua gạo chế biến mà không ráp lại với nhau nên xét cho cùng người nông dân chịu thiệt", GS Xuân nói.

Với tình trạng như hiện nay công nghiệp nặng thì không thành công. Công nghiệp nhẹ thì gia công là chủ yếu, còn nông nghiệp thì nông dân bỏ ruộng, ông Xuân cho rằng động lực phát triển kinh tế đang mất dần.

"Muốn có nội lực nhưng không được nuôi nấng, hun đúc thì cuối cùng nội lực cũng mất luôn. Giống như sinh con ra muốn thành người thì bố mẹ phải lo chỉ bảo, dạy dỗ. Đằng này ai cũng lo cho lợi ích cá nhân. Người giàu của nước mình là giàu bằng tiền của người khác, đất của người khác chứ không phải bằng tài năng khoa học kỹ thuật để làm giàu lên mà chủ yếu bằng môi mép. Người nghèo thì ngày càng nghèo thêm là cái giá cho sự lơi lỏng suốt thời gian qua", GS Xuân chua xót.

>> Xuất khẩu gạo rẻ nhất nhưng người Việt ăn gạo đắt, vì đâu?

Theo Bích Ngọc

anhnt

Cùng chuyên mục
XEM