Vì sao người tham gia bảo hiểm y tế lại giảm tới 1,2 triệu người?

18/05/2015 09:59 AM |

Cơ quan bảo hiểm xã hội đã đặt ra nhiều thủ tục “oái oăm” gây cản trở đối với người dân mua thẻ bảo hiểm y tế.

Nhằm thực hiện được lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã quy định mua bảo hiểm y tế là bắt buộc nhằm tăng nhanh số  người tham gia. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng thực hiện luật này, số người tham gia bảo hiểm y tế trong cả nước lại giảm hơn 1,2 triệu người.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cơ quan bảo hiểm xã hội đã đặt ra nhiều thủ tục “oái oăm” gây cản trở đối với người dân mua thẻ bảo hiểm y tế và làm ảnh hưởng đến việc thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Mới đây, khi thẻ bảo hiểm y tế sắp hết hạn, bà Nguyễn Bích Phượng, ở Khu dân cư số 2, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đến UBND phường sở tại để đăng ký tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế. Khi đi, bà Phượng hy vọng mọi việc sẽ đơn giản hơn trước vì Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có hiệu lực từ 1/1 năm nay đã quy định: mua bảo hiểm y tế là bắt buộc và có nhiều chính sách khuyến khích tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Tuy nhiên, khi được cán bộ chuyên trách của phường hướng dẫn làm các thủ tục mà cơ quan bảo hiểm xã hội quy định, bà Phượng không khỏi bức xúc vì quá nhiều quy định nhiêu kê, nhất là gia đình bà có người đi công tác xa và đang đi du học ở nước ngoài.

“Tôi đi mua thẻ bảo hiểm y tế rất rườm rà, không thể chấp nhận được. Nhà tôi có 4 người đều muốn tham gia bảo hiểm y tế nhưng khi làm thủ tục thì họ yêu cầu con gái tôi đang đi du học nước ngoài phải photo visa gửi về để chứng minh đi du học.

Thủ tục này mất rất nhiều thời gian. Hoặc chồng tôi đang công tác xa tại thành phố Hồ Chí Minh lại phải photo thẻ bảo hiểm y tế để gửi về. Trước đây tôi làm thủ tục mua thẻ chỉ mất nửa ngày, nhưng lần này phải mất 10 ngày mới xong thủ tục. Không chỉ riêng nhà tôi mà nhiều gia đình hàng xóm không chuẩn bị kịp thủ tục nên tháng này không mua được thẻ bảo hiểm y tế, phải chờ tháng sau” – bà Phượng bức xúc nói.

Những thủ tục “oái oăm” “hành” người dân khi mua thẻ bảo hiểm y tế bắt nguồn từ việc các cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện những quy định mới trong Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi). Từ đây, cơ quan bảo hiểm xã hội mỗi địa phương thực hiện một kiểu, sợ làm sai nên đưa ra những yêu cầu chặt chẽ đến mức cứng nhắc, khó thực hiện.

Sau đó, ngày 12/3/2015, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành văn bản số 777 hướng dẫn và thống nhất các quy định tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Tuy nhiên, văn bản này lại kèm theo một loạt những thủ tục nhiêu khê.

Trong đó, người dân muốn mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình phải trình rất nhiều loại giấy tờ như bản công chứng sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú, giấy đăng ký tạm vắng, giấy báo tử, bản sao thẻ bảo hiểm y tế của người đã tham gia, giấy chứng nhận đang ở nước ngoài, thậm chí cả bản sao giấy ly hôn…

Theo chị Dương Thu Hằng, cán bộ chuyên trách lĩnh vực thương binh xã hội phường Đồng Tâm, những thủ tục phức tạp khiến rất nhiều người dân bức xúc, lúc đầu họ còn nghĩ cán bộ phường tự đặt ra các thủ tục này để “hành” dân nên họ đến tận Bảo hiểm xã hội quận Hai Bà Trưng để tìm hiểu thực hư và sau đó không thấy trở lại UBND phường.

Chị Dương Thu Hằng khẳng định, nhiều người dân sau khi thấy thủ tục phiền hà đã không tham gia bảo hiểm y tế nữa: “Khi chúng tôi phổ biến các các quy định trong văn bản hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam xuống các tổ dân phố thì nhiều người bất bình lắm.

Đối với những người tạm trú trên địa bàn phường, BHXH quận yêu cầu phải có sổ hộ khẩu KT2, người ta xuất trình giấy chứng nhận tạm trú của Công an phường cấp nhưng BHXH quận bảo không được.

Tháng trước, ở phường tôi có bà cựu tổ trưởng dân phố ra mua bảo hiểm y tế cho con trai, nhưng trong hộ khẩu có 1 đứa cháu đã chết. Tôi yêu cầu bà này trình giấy chứng tử, thì bà ấy bức xúc lắm, tự nhiên chọc vào nỗi đau của người ta. Theo tôi những quy định này cần phải sửa đổi”.

Thực tế tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng là tình trạng chung ở các địa phương khác trong cả nước. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến hệ quả: sau hơn 4 tháng triển khai Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, số người tham gia Bảo hiểm y tế trong cả nước giảm 1,2 triệu người, đi ngược lại chủ trương đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí về nguyên nhân của nghịch lý vừa nêu, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam lại đổ trách nhiệm cho người dân và các địa phương: “Có những người dân chưa hiểu các quy định mới của bảo hiểm y tế.

Một số địa phương thực hiện các quy định một cách máy móc nên thủ tục đăng ký mua thẻ bảo hiểm y tế còn phiền hà. Chính từ những thủ tục phiền hà đó mà đã góp phần làm giảm tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế”.

Trước thực trạng số người tham gia bảo hiểm y tế giảm và có nguy cơ không đạt mục tiêu 75% dân số có thẻ bảo hiểm y tế trong năm nay, mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã lùi việc thực hiện mua bảo hiểm theo hộ gia đình đến tháng 1/2016.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế cho biết sẽ sớm họp bàn với Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân khi mua thẻ bảo hiểm y tế. Dự kiến, các bên sẽ ban hành văn bản hướng dẫn mới; trong đó quy định người dân không cần phải trình sổ tạm trú, tạm vắng, bản sao thẻ của những thành viên trong gia đình đã có thẻ bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, sẽ bàn phương án giãn thời gian đóng phí bảo hiểm y tế 6 tháng/1 lần, thay vì mỗi năm 1 lần như hiện nay để giảm bớt khó khăn cho các hộ gia đình.

Từ 2015, trốn bảo hiểm y tế sẽ phải nộp phạt tiền lãi gấp đôi lãi suất liên ngân hàng

>> Từ 2015, trốn bảo hiểm y tế sẽ phải nộp phạt tiền lãi gấp đôi lãi suất liên ngân hàng

Theo Văn Hải

Cùng chuyên mục
XEM