Vàng giảm ‘sốc’: Ngán ngẩm đầu cơ?

16/04/2013 06:39 AM |

Giờ đây, nếu BĐS có lao dốc, vàng có tụt giảm hay chứng khoán có “sập sàn”, thì hiện tượng ham hố lao vào “bắt dao rơi” có lẽ không còn dễ dãi như trước.

Vàng, chứng khoán, BĐS sa cơ

Sáng 15/4, giá vàng trong nước tiếp tục đồng loạt giảm sốc thêm khoảng 1 triệu đồng/lượng so với cuối tuần xuống còn 41-41,6 triệu đồng/lượng. Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá vàng tụt giảm theo đà đi xuống của giá thế giới.

Trong phiên cuối tuần, biến động của giá vàng đã trở thành điểm nhấn trên thị trường tài chính sau khi lao dốc khoảng 1 triệu đồng/lượng và khiến một số "ông lớn" cần mua vàng để tất toán tài khoản theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước hạn 30/6, lỗ hàng trăm tỷ đồng sau một thời gian rất ngắn.

Vàng trong nước giảm giá theo một lẽ rất đơn giản và thường thấy trong suốt lịch sử giao dịch của mặt hàng này là do giá thế giới giảm. Trong phiên giao dịch đầu tuần mới và cuối tuần qua, giá vàng thế giới đã bốc hơi khoảng 120 USD/ounce, tương đương khoảng 7-8%, xuống quanh ở mức 1.440 USD/ounce.

Thị trường có tăng có giảm là điều bình thường. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch trên thị trường vàng gần đây có nhiều biểu hiện khác nhiều so với trước đó. Trước đây, mỗi khi vàng trong nước giảm mạnh theo thế giới, lực mua vàng vật chất cũng như vàng ảo tại một số sàn vàng tăng vọt. Người dân có lúc còn xếp hàng mua vàng miếng để đút két hoặc/và đầu cơ bán ra kiếm lời.

{keywords}

Sau mỗi lần giảm mạnh, giá vàng thế giới thường hồi phục trở lại rất nhanh và thông thường lại lên một đỉnh cao mới. Điều này đã được chứng minh qua chuỗi tăng 12 năm liên tiếp vừa qua. Người dân trong nước đều tranh thủ mỗi khi vàng giảm để mua vào để rồi kiểu gì cũng kiếm lời sau đó một thời gian ngắn, kể cả nếu các đơn vị kinh doanh vàng trong nước chơi trò "tăng thì nhanh, giảm giá điều chỉnh chậm".

Tuy nhiên, trong đợt giảm giá sốc lần này, cũng như một số lần giảm gần đây trong quãng thời gian vàng rơi từ đỉnh trên 49 triệu đồng/lượng xuống khoảng 41,5 triệu đồng như hiện nay, hiện tượng đổ xô đi mua không còn, thậm chí không muốn nói có nhiều người còn mang vàng đi bán.

Cùng chung số phân, TTCK thời gian gần đây cũng chứng kiến những biến động lạ, suy giảm khi đón tin tốt. Trong phiên giao dịch ngày 15/4, VN-Index của sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE) rớt thêm gần 3%; HNX-Index mất thêm 2,4% cho dù cả hai chỉ số này đã mất trên 3% trong ba phiên trước đó. Vốn hóa thị trường qua 4 phiên 10-15/4 không cánh mà bay mất khoảng 2,5 tỷ USD - một con số rất lớn so với quy mô thị trường Việt Nam.

Một điều đáng ngạc nhiên là, dù giảm mạnh như vậy nhưng lực "bắt đáy" rất thấp. Giao dịch trên sàn Hà Nội ngày 15/4 chỉ đạt vỏn vẹn 370 tỷ đồng, trong khi sàn HOSE có hơn 900 tỷ đồng được chuyển nhượng. Đây là những con số quá khiêm tốn so với 4.000-5.000 tỷ đồng giá trị giao dịch mỗi phiên thời sôi động.

Điểm đáng nói là sức cầu cổ phiếu thấp trong bối cảnh tin tốt gần đây dồn dập được đẩy ra thị trường như gói hỗ trợ BĐS (30.000 tỷ đồng); lãi suất ngân hàng giảm và có thể giảm tiếp; lạm phát ổn định hơn cùng kỳ năm trước; vàng giảm giá...

Chán đầu cơ hay quay về đầu tư giá trị?

Không chỉ vàng, thị trường BĐS gần đây cũng chứng kiến tình cảnh tương tự. Rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, doanh nhân không ngớt kêu gọi giá BĐS đã xuống tới đáy và đến thời điểm thích hợp để người dân mua nhà, mua đất, nhưng thực tế thì ngược lại thị trường trầm lại càng thêm đóng băng cho dù giá tại một số dự án đã giảm 30-50%.

Hiện tượng dòng tiền xa lánh vàng, chứng khoán và cả BĐS giờ đây không còn lạ lẫm trên thị trường tài chính trong nước. Đây đó, hiện tượng này được giải thích là do dòng tiền bị co lại do vòng quay của nền kinh tế chậm đi; tiền nhiều phần bị rút khỏi lưu thông để chống lạm phát; hay giới đầu tư chờ giảm tiếp mới mua vào...

Có thể nói, đó là những lý do đã đẩy các thị trường nói trên vào cảnh trầm lắng, bi đát. Tuy nhiên, có lẽ không đủ để giải thích cho hiện tượng tiền mặt từ rất nhiều nguồn, từ DN nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, từ người dân... vẫn đang chảy vào ngân hàng, hưởng lãi suất thấp.

Dòng tiền vốn từ lâu đã được gán đi kèm với từ dùng để tả người là "thông minh" và sự sai lầm chỉ dành cho những bộ phận nhỏ, ăn theo, không phản ánh dòng chảy chung của đồng tiền.

Nói như vậy, phải chăng các thị trường vàng, chứng khoán, BĐS đang gặp vấn đề và chúng cần được điều chỉnh, hoặc tự điều chỉnh để trở lại trạng thái bình thường?

Trở lại với vàng, trong vài phiên giao dịch vừa qua, trên thị trường, người mua với khối lượng lớn chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Khoảng 6 tấn vàng đã được NHNN bán thông qua đấu thầu cho các đơn vị này với giá hầu hết trên 43 triệu đồng/lượng. Nhiều người đặt vấn đề tại sao, các ông lớn này, với đội ngũ chuyên gia hùng hậu lại chấp nhận mua vàng giá cao như vậy để rồi vài ngày sau đó chứng kiến thua lỗ lớn?

Thực tế giao dịch mua bán lẻ trên thị trường cho thấy, người dân không mặn mà với vàng, không đổ xô mua vàng khi giá xuống mà có thể lượng vàng các đơn vị nói trên mua chủ yếu để tất toán trạng thái vàng với NHNN.

Trả lời câu hỏi tại sao chưa mua vàng khi giá giảm mạnh, một số nhà đầu tư không ngần ngại cho biết, giá vàng trong nước hiện vẫn còn quá cao so với thế giới. Thị trường trong nước đang bong bóng so với thế giới, chưa nói giá thế giới cũng được liệt vào dạng nóng sau 12 năm tăng liên tiếp.

Thực tế, với mức giá 1.440 USD/ounce như hiện tại, giá quy đổi trong nước chỉ khoảng 36,4 triệu đồng/lượng, đồng nghĩa với việc giá trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 5,3 triệu đồng/lượng.

TTCK thì sao? Tụt giảm một mạch từ trên 510 điểm xuống 480 điểm nhưng trong phiên 15/4 thị trường không thấy có dấu hiệu lao vào bắt đáy. Trước đây, năm 2007, VN-Index từng lên tới gần 1.200 điểm, vậy tại sao mức 500 điểm hiện tại không hấp dẫn nhà đầu tư?

Thị trường luôn là vậy, rất khó giải thích. Mặc dù vậy, thực tế nhiều năm qua đã cho thấy một số điều là: Trên thị trường có quá nhiều cổ phiếu lởm, nhiều doanh nghiệp bê bết vẫn được lên sàn; giá IPO thời sốt nóng quá xa so với giá trị thực tại của doanh nghiệp; doanh nghiệp lạm dụng tăng vốn quá nhiều, quá nhanh trong những năm trước đây khiến cổ phiếu loãng, DN hoạt động không hiệu quả; tính minh bạch thấp, hiện tượng gian lận, lừa đảo nhiều...

Nói thế không có nghĩa trên thị trường không có cổ phiếu tốt. Có thể nhanh chóng điểm mặt các mã tốt thuộc các ngành thực phẩm, mía đường, điện, dầu khí... Nhưng có một điểm rất đáng lưu ý là, theo đánh giá của BVSC, nhiều cổ phiếu thuộc nhóm VN30 (30 cổ phiếu lớn có tính thanh khoản cao nhất trên sàn HOSE) đã ngang bằng hoặc cao hơn vùng giá thiết lập năm 2009. Chỉ số giá/lợi nhuận (PE) của nhóm này đã lên mức 24,59 lần, cao hơn 58,2% mức trung bình toàn thị trường.

Với mức giá hiện nay nhóm cổ phiếu này đã giảm sức hấp dẫn. Sau nhiều cú sốc trên TTCK, hàng loạt các cổ phiếu lởm đã và đang lập đáy mới, trong khi cổ phiếu tốt lập đỉnh mới. Cổ phiếu tốt ít, trong khi xấu nhiều. Đây là một sự cản trở cho thị trường đi lên.

Với BĐS, bong bóng hay không vẫn còn là điều gây tranh cãi. Phần lớn các doanh nghiệp và một số chuyên gia cho rằng BĐS đã đến đáy. Nhưng ở chiều ngược lại, số đông người dân cho rằng, giá vẫn còn trên trời. Một số chuyên gia tin rằng, BĐS còn trầm lắng trong năm nay hoặc một hai năm nữa. Cũng có ý kiến cho rằng, BĐS mới ở giai đoạn đầu điều chỉnh - giai đoạn phủ nhận thực tế. Và thời gian trung bình để BĐS hồi phục sau khi có những biện pháp điều chỉnh mất khoảng 6 năm và BĐS sẽ mất 60% về mặt giá trị.

Theo Mạnh Hà

duchai

Cùng chuyên mục
XEM