Vận khó vây quanh ngành rượu sake tại Fukushima

22/01/2015 09:35 AM |

"Họ không công khai khẳng định tẩy chay sản phẩm của Fukushima, nhưng trên thực tế họ không bao giờ động tới rượu của chúng tôi".

Kể từ thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 tại Nhật Bản, Hiroyuki Karahashi - ông chủ một công ty rượu sake - liên tục nhận được các cuộc điện thoại đòi trả sản phẩm.

Ông Karahashi điều hành công ty Homare Sake Brewing Company tại quận Fukushima, khu vực đặt nhà máy xảy ra rò rỉ phóng xạ.

"Một khách hàng nói nhận được quà là rượu sake công ty tôi sản xuất, nhưng ông không muốn nhận. Ông ấy hỏi liệu có thể gửi trả lại chai rượu cho công ty được không",  Karahashi trả lời BBC.

"Tôi nói nếu không muốn uống, ông ấy có thể vứt đi. Nhưng ông ấy nói làm vậy sẽ ô nhiễm môi trường", ông cho biết.

Karahashi cho biết còn nhiều khách hàng Nhật Bản từ chối mua rượu sake - một loại rượu ủ từ men gạo và nước - xuất xứ Fukushima.

"Họ không công khai khẳng định tẩy chay sản phẩm của Fukushima, nhưng trên thực tế họ không bao giờ động tới rượu của chúng tôi", ông cho hay.

"Vì vậy, chúng tôi càng không có cơ hội chứng minh độ an toàn của sản phẩm".

 Đội khắc phục thảm họa hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011 tại Nhật Bản. 

Đối với Hiệp hội sản xuất rượu sake Fukushima, thị trường xuất khẩu cũng không mang lại tin mừng.

Trung Quốc vẫn duy trì lệnh cấm mọi loại sake từ Fukushima và 9 khu vực khác tại Nhật Bản do lo ngại phóng xạ.

Hàn Quốc, nước nhập khẩu sake lớn thứ hai của Nhật Bản, cũng ngừng mua rượu từ Fukushima.

Nhưng ngược lại, nhiều chuyên gia rượu khẳng định sự cố hạt nhân tại Fukushima có lợi cho ngành công nghiệp rượu sake nói chung tại Nhật Bản.

Theo đó, nỗi lo ngại về phóng xạ khiến người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm tới xuất xứ và chất lượng của sake, khiến các sản phẩm sake cao cấp, đắt tiền bán chạy hơn.

Thảm họa Fukushima Daiichi xảy ra vào ngày 11/3/2013, 3 trong số 6 nhà máy hạt nhân tại quận ven biển miền Đông Nhật Bản bị sóng thần phá hủy.

Trước khi chính phủ kiểm soát được tình hình, một lượng lớn phóng xạ đã rò rỉ ra môi trường.

Giờ đây, người tiêu dùng lo ngại lúa tại Fukushima hút nước nhiễm xạ cũng sẽ nhiễm độc, tích tụ trong men gạo nấu rượu. Mặc dù trên thực tế, các cánh đồng này được trồng bên ngoài khu cách ly của nhà máy hạt nhân.

 Người tiêu dùng lo ngại lúa tại Fukushima hút nước nhiễm xạ cũng sẽ nhiễm độc, tích tụ trong men gạo nấu rượu. 

Quan chức và chính phủ Nhật Bản đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm độ an toàn của nguyên liệu cũng như thành phẩm tại các công ty rượu sake tại quận, kết quả cho thấy những chai rượu này đảm bảo các thông số vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng nhiều khách hàng nội địa và nước ngoài vẫn giữ thái độ hoài nghi.

Tai nạn xảy ra càng phủ bóng đen lên ngành công nghiệp sake Nhật Bản. Mặc dù được mệnh danh là loại đồ uống có cồn mang tính biểu tượng, thị phần sake trên thị trường nội địa khá nhỏ.

Năm 2013, chỉ 6,5% số lượng đồ uống cồn được Nhật Bản tiêu thụ là sake, giảm so với 6,7% trong năm trước. Nguyên nhân do nhiều người, đặc biệt là thanh niên, cho rằng sake là loại rượu lỗi thời.

Sau những năm 1970, người tiêu dùng Nhật nhanh chóng chuyển sang bia, rượu vang và whiskey.

Mặc dù thị phần chung của sake đang teo tóp, thị phần của các thương hiệu cao cấp - làm từ men gạo loại 1, không chất bảo quản - lại phình to nhanh chóng, tăng gần 15% chỉ tính riêng trong năm 2013.

"Trong những năm sau thảm họa, nhiều công ty bắt đầu chuyển sang sản xuất sake từ hạt gạo phun ít thuốc trừ sâu. Nhiều công ty còn tự trồng lúa do lo ngại về chất lượng nguyên liệu", chuyên gia nghiên cứu sake Rebekah Wilson-Lye nhận xét.

 Ông Yuichi Hashiba xuống ruộng thu hoạch lúa.

Ông Yuichi Hashiba, chủ nhà máy rượu Izumibashi Brewery là một trong những người như vậy. Để quảng bá hình ảnh sản phẩm, ông mời người dân địa phương tới giúp đỡ vào mùa thu hoạch lúa.

Đổi lại, ông chiêu đãi họ một bữa tiệc thịnh soạn, với rượu sake ủ từ mùa trước.

"Thời tôi lớn lên, trồng lúa là nghề không được coi trọng. Để mọi người tự tay làm việc này, họ có thể thay đổi quan niệm và cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên", ông Hashiba nói.

Sake của ông Hashiba chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa với giá 43USD mỗi chai. Ông chỉ xuất khẩu 2,5% sản lượng, chủ yếu đi các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Đối với các công ty sake khác, xuất khẩu là một hoạt động trụ cột để duy trì doanh số. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu sake lớn nhất từ Nhật Bản.

Trong khi Trung Quốc và Hàn Quốc e ngại với rượu "made in Fukushima", doanh số tới Mỹ và châu Âu vẫn tăng đều hàng năm.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Antony Moss, giáo sư giảng dạy tại tổ chức Wine and Spirit Education Trust của Anh, cho biết người Anh chuộng sake vẫn có nhu cầu với loại rượu này, kể cả sake của Fukushima.

"Nhìn chung khách hàng Anh tin tưởng chính phủ Anh và Nhật Bản. Họ cho rằng những chai rượu đã qua được vòng kiểm duyệt có chất lượng đảm bảo, kể cả xuất xứ từ quận Fukushima", ông nói.

>> McDonald’s Nhật Bản: Tìm thấy răng người trong khoai tây chiên

Theo LỀ PHƯƠNG

Cùng chuyên mục
XEM