Tỷ phú ở London dùng biệt thự xa hoa để rửa tiền?

05/03/2015 09:36 AM |

Thị trường bất động sản ở Anh đang phát triển mạnh mẽ và đây là miếng mồi ngon cho những người giàu thực hiện hành vi rửa tiền, theo Bloomberg.

Tòa án Tối cao Anh đang điều tra, xử lý trường hợp tỷ phú người Kazakhstan Mukhtar Ablyazov về cáo buộc tham ô. Dinh thự xa hoa của ông này đang được rao bán với giá 14 triệu bảng Anh (tương đương 21,5 triệu USD) để lấy tiền trả cho ngân hàng BTA, những người cho rằng Ablyazov đã biển thủ số tiền 6 tỷ USD.

Ablyazov nằm trong số nhiều tỷ phú đang xem bất động sản tại Anh là khu vực thích hợp để thực hiện các vụ mua bán, che giấu tài sản cá nhân, nói cách khác là rửa tiền.

Theo đó, việc mua nhà cao cấp ở Anh thông qua các quỹ tín thác và công ty nước ngoài có trụ sở tại đây là cách làm phổ biến để giảm thuế tối đa và bảo vệ thông tin cá nhân.

Lấy ví dụ Ablyazov, tòa án ở Anh đã phải tốn thời gian thẩm định xem có đúng ông này đang sở hữu dinh thự xa hoa kể trên hay không. Trước đó ông ta khẳng định chỉ đang thuê nhà từ người anh em rể để sống tại London.

Chính phủ Anh đã ban hành một loại thuế mới có tên gọi “thuế xa xỉ” (luxury tax). Mỗi chủ sở hữu nơi ở có giá trên 1 triệu bảng Anh sẽ phải đóng thuế 143.750 bảng/năm.

Biểu hiện của việc bất động sản Anh trở thành miếng mồi ngon cho giới tỷ phú thể hiện qua mức thuế lên tới 100 triệu bảng hồi năm ngoái, tức gấp 5 lần so với dự kiến. Trong đó có tới 80% tiền thuế thu được từ khu vực Westminster và Kensington & Chelsea, quận có giá nhà đất đắt đỏ nhất thủ đô London.

Đáng chú ý, từ tháng 6/2013 đến hết năm ngoái có khoảng ¼ lượng nhà mang giá trên 1 triệu bảng thuộc về nhóm người không phải sống ở Anh. Đây là chi tiết khá “kỳ lạ”, gợi lên mối lo ngại về bản chất của các thương vụ này, liệu nó có phải hoạt động rửa tiền hay không.

Chính phủ Anh có kế hoạch ban hành những đánh giá rủi ro quốc gia đầu tiên về hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố trong tháng này, theo một phát ngôn viên của Bộ Tài chính. Các đánh giá sẽ xem xét vai trò của những đại lý bất động sản trong cuộc chiến chống rửa tiền. Pháp luật cũng đang được soạn thảo nội dung yêu cầu chủ sở hữu cuối cùng của các công ty thuộc Vương quốc Anh phải công khai đăng ký.

"Vai trò thực sự của bất động trong khâu rửa tiền “không phải là điều ai trong chúng ta cũng hiểu hết”, Donald Toon - Giám đốc đơn vị tội phạm kinh tế của Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) nói, “Chúng tôi không nói rằng rửa tiền là đặc trưng ở thị trường bất động sản, nhưng tôi cho rằng có vẻ như lĩnh vực này có vấn đề”.

>> Nghệ thuật rửa tiền của người giàu Trung Quốc

Theo Giang Lang

Cùng chuyên mục
XEM