Từ 2015, doanh nghiệp nào dễ vay vốn tại ngân hàng BIDV?

12/05/2015 11:27 AM |

Từ năm 2015 trở đi, những ngành nằm trong danh sách ưu tiên cho vay của BIDV bao gồm xuất khẩu, thương mại, dịch vụ, sản xuất và chế biến (một số ngành như dệt may) và xây dựng.

BIDV là một trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước được thành lập từ năm 1957. Từ một ngân hàng chuyên ngành BIDV trở thành một tập đoàn tài chính với 6 công ty con, 5 công ty liên doanh và 2 công ty liên kết trong các lĩnh vực cho thuê tài chính, bảo hiểm, quản lý quỹ, cho thuê máy bay, phát triển đường cao tốc, ngân hàng và tài chính, thị trường vốn và quản lý tài sản.

Theo báo cáo phân tích của công ty chứng khoán VPBank, xét trong hệ thống ngân hàng, BIDV xếp thứ 2 thị phần huy động (10,1%) và tín dụng (11,2%). Đặc điểm chung của ngân hàng hoạt động tín dụng luôn là hoạt động cốt lõi. Giai đoạn 2008-2014, hoạt động cho vay của BIDV tăng trưởng khá ổn định với tỷ lệ tăng trưởng gộp đạt 18% theo tính toán của VPBS.

Mặc dù là 1 trong 4 ngân hàng có vốn nhà nước nhưng trong những năm gần đây BIDV giảm dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ưu tiên chuyển sang doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hoạt động bán lẻ. Tỷ lệ cho vay DNNN giảm từ 37% năm 2010 xuống còn 20% vào năm 2014 nhường chỗ cho nhóm doanh nghiệp tư nhân và khách hàng cá nhân.

Trong khối 4 ngân hàng có vốn nhà nước, BIDV cũng là ngân hàng có tỷ trọng cho vay DNNN thấp nhất so với mức 32% tại ngân hàng công thương Vietinbank và 28% tại ngân hàng ngoại thương Vietcombank.

Đặc biệt các khoản vay khách hàng cá nhân của BIDV đã tăng 36%, chiếm 18% tổng dư nợ và dự kiến chiếm 21% tổng dư nợ năm 2015. Với mục tiêu hướng tới khách hàng cá nhân nên BIDV cũng là ngân hàng có đầu tư mạnh cho nhận diện thương hiệu trên mạng xã hội.

Trang Facebook tư vấn của BIDV.

Trang Facebook tư vấn của BIDV.

Đối với các khách hàng doanh nghiệp, theo nhận xét của VPBS, từ năm 2009 để giảm đầu cơ bất động sản, ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chuyển dịch cơ cấu cho vay sang lĩnh vực sản xuất thay vì tập trung vào các lĩnh vực phi sản xuất trong đó bao gồm bất động sản thì kể từ 2012 BIDV tăng đáng kể đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. VPBS cho biết nếu trái phiếu doanh nghiệp được tính như cho vay khách hàng thì tỷ trọng cho vay ngành xây dựng và bất động sản ở BIDV sẽ cao hơn.

Trong năm 2014, BIDV thực hiện nhiều gói tín dụng với tổng giá trị đạt 17.800 tỷ đồng hỗ trợ phát triển khu vực nông thôn, cụ thể là nông nghiệp hay nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2015 trở đi, những ngành nằm trong danh sách ưu tiên cho vay của BIDV bao gồm xuất khẩu, thương mại, dịch vụ, sản xuất và chế biến (một số ngành như dệt may) và xây dựng.

>> Bảo hiểm BIDV bán 35% cổ phần cho FairFax của Canada

Thảo Nguyên

Nguyễn Thu Thúy

Cùng chuyên mục
XEM