TS. Lê Đăng Doanh: Để cạnh tranh, Việt Nam sẽ phải trải qua thời kỳ 'đau đớn'...

30/03/2015 14:00 PM |

Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam sẽ phải trải qua thời kỳ 'đau đớn' từ bỏ phương thức kinh doanh truyền thống vốn đã lỗi thời.

Trong cuốn “Thế giới phẳng”, Thomas Friedman cho rằng công nghệ thông tin kết nối mọi người đến tận hang cùng ngõ hẻm trên hành tinh, từ đó kiến thức có thể khai thác trên mạng một cách dễ dàng. Công nghệ thông tin làm thay đổi nhanh chóng: ngân hàng, con người, sản xuất, siêu thị có thể kết nối với nhau qua biên giới.

Tuy nhiên, trong con mắt của Richard Florida thì lại khác, ông cho rằng "Thế giới có nhiều gai". Theo đó, của cải được tạo ra ở các Trung tâm khoa học-công nghệ, đó là những cái gai nổi trội lên trên bản đồ các nước. Trí tuệ, sự sáng tạo, công nghệ quyết định chứ không phải sở hữu lực lượng lao động đông đảo nhưng năng suất thấp.

"Thế giới có nhiều gai" cũng là quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam  2015: Tác động của chính sách đối với doanh nghiệp” - do Chương trình đào tạo Thạc sỹ quản trị Kinh doanh của Viện quản trị Kinh doanh (FSB) tổ chức sáng ngày 28/3.

Công nghệ là chìa khóa của thành công

Nhận xét về khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng ở nước ta 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, họ chủ yếu kinh doanh dựa vào khai thác thị trường tại chỗ, vật liệu tại chỗ, khách hàng tại chỗ và kinh doanh chủ yếu vào các mối quan hệ.

Muốn thay đổi thì Việt Nam phải thay đổi động lực, chuyển sang đầu tư vào khoa học công nghệ. Đó sẽ là công việc khó khăn vì muốn thay đổi cần phải có năng lực và có tiền vốn. Vì thế, "doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trải qua thời kỳ 'đau đớn' từ bỏ phương thức kinh doanh truyền thống của mình, là dựa vào quá nhiều các mối quan hệ và các 'lợi ích', kiếm chênh lệch giá và chuyển sang kinh doanh một cách khoa học dựa vào năng lực cạnh tranh thực sự."

 Các giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam so với một số nước

 Các giai đoạn phát triển kinh tế của Việt Nam so với một số nước

Để có được những công nghệ hiện đại hơn một cách nhanh nhất, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài hiện đang là xu thế gần đây của các doanh nghiệp Việt Nam. "Liên kết là việc đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, liên kết bao giờ cũng là mối quan hệ giữa hai bên, nếu 1 bên mạnh quá, trong khi bên kia yếu quá thì bên yếu thực chất không còn có quyền. Đó là điều ta cần phải xem xét.", TS. Lê Đăng Doanh nhận định.

Hơn nữa, việc tham gia vào chuỗi giá trị đó không hề dễ dàng, giống như việc Samsung đưa ra một loạt yêu cầu về các tiêu chuẩn thiết bị với các nhà cung cấp việt nam. Khi các doanh nghiệp Việt Nam không đạt được yêu cầu, họ rất khó gia nhập vào các chuỗi giá trị của Hàn Quốc hay Nhật Bản.

"Thực chất, Việt nam hoàn toàn có thể làm được và điều Samsung yêu cầu hoàn toàn là không phải họ 'chơi xấu' đối với chúng ta, bởi vì yêu cầu chất lượng của họ là như thế.

Ví dụ như chuyện 'ốc vít', chúng ta nói là chúng ta làm được chất lượng đấy nhưng giá thành cao quá bởi vì ta làm bằng thủ công còn họ làm bằng máy tự động. Ta phải thấy điều đó, và doanh nghiệp Việt Nam lâu nay vẫn quen ăn xổi, đầu cơ, ăn chênh lệch giá nên chưa quen làm việc một cách nghiêm túc.."

Những tín hiệu đáng mừng

Hiện nay, trong số các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động chỉ có 220 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ, tức là có một chứng chỉ và có sản phẩm mới (đối với điều kiện Việt Nam). "Cho nên, họ yêu cầu như vậy là mình phải cố gắng phấn đấu, thí dụ như Honda nói rằng sản xuất xe máy đã nội địa hóa được 92%, nhưng thực ra chỉ có 10% mà thôi."

Những năm gần đây, có nhiều doanh nghiệp lớn đã chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp và đang dần hình thành một xu thế như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, hay mới đây là Vingroup. Đánh giá vè xu hướng này, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng, nó sẽ động lực thúc đẩy giúp nông nghiệp Việt Nam tái cơ cấu. Bời vì, chúng ta sẽ thua nếu như chúng ta cứ làm nông nghiệp như hiện nay.

"Nhưng nếu nhu chúng ta thấy trước được cái thua, chúng ta có cơ hội để vươn lên thì chúng ta có khả năng là sẽ thắng. Khi bị dồn đến chân tường, người Việt Nam luôn biết phát huy điểm mạnh của mình và sẽ vươn lên một cách mạnh mẽ."

>> Chưa có cạnh tranh chưa phải thị trường

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM